Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức và người lao động (CNVC-LĐ) là một trong các nhiệm vụ chủ yếu của tổ chức Công đoàn. Nói về việc thực hiện nhiệm vụ này, đồng chí Huỳnh Trọng Danh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, cho biết:
Người lao động luôn cần tiếng nói của cán bộ Công đoàn cơ sở - Ảnh: N.HÂN
- Liên đoàn Lao động tỉnh vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát tình hình lao động, lao động bị mất việc làm do tác động suy thoái kinh tế; tình hình các công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp, tham gia xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, bố trí, sắp xếp lại lao động, giảm đến mức thấp nhất số lao động mất việc làm do thay đổi mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất dẫn đến số lượng công nhân, lao động giảm so với cùng kỳ và cuối năm 2009; ở một số doanh nghiệp, số lượng lao động được duy trì nhưng việc làm không thường xuyên. Thỏa ước lao động tập thể là một công cụ pháp lý phát huy dân chủ ở doanh nghiệp. Đây là một nội dung các cấp Công đoàn tập trung thực hiện theo Nghị quyết 01 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh còn tham gia đảm bảo tiền lương, tiền thưởng, phân phối thu nhập, phúc lợi, phụ cấp hỗ trợ cho CNCV-LĐ có thu nhập thấp theo Quyết định của Chính phủ (mức lương từ 3,0 trở xuống)… góp phần giúp CNVC-LĐ ổn định đời sống. Đã có 99,7% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức, 100% doanh nghiệp nhà nước tổ chức đại hội công nhân viên chức, 69,39% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Đây là một trong các điều kiện cơ bản để triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ.
* Từ nay đến cuối năm, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ sẽ tập trung vào những hoạt động chủ yếu nào, thưa đồng chí?
- Các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp đồng bộ, kịp thời với các cơ quan, ngành chức năng để thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo đảm điều kiện, môi trường lao động gắn với giám sát thực hiện tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, thang lương, bảng lương, phân phối thu nhập. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động, đặc biệt là pháp luật lao động, vận động công nhân lao động chấp hành nghiêm quy chế, nội quy lao động, tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, nâng cao tác phong công nghiệp và tôn trọng kỷ luật lao động.
* Theo đồng chí, cán bộ CĐCS cần phải làm gì để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động?
- Trước hết, cán bộ CĐCS phải biết đoàn kết, lắng nghe ý kiến và biết tôn trọng các sáng kiến, giải pháp mà CNVC-LĐ đưa ra. Hai là, cần phải quyết đoán, nhất là trong giải quyết mâu thuẫn quan hệ lao động, cán bộ CĐCS phải dám nói lên ý kiến được tập hợp từ tập thể người lao động, dám đối mặt với khó khăn, thách thức, nhất là đối mặt với thái độ không hợp tác của giới chủ cũng như ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Công đoàn cấp trên cũng sẽ giúp cho cán bộ CĐCS giải quyết hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
* Xin cảm ơn đồng chí!
THÁI NGỌC (thực hiện)