Công tác dân số ở Phú Yên thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tỉ lệ sinh con thứ ba đã giảm, đạt mức sinh thay thế. Để đạt được kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cộng tác viên.
Cộng tác viên dân số tư vấn các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân - Ảnh: T.THẢO |
Định kỳ hàng tuần, tháng, năm, các cộng tác viên dân số đi tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ, cách phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai cho nam giới là người đồng bào dân tộc, ngư dân đánh bắt xa bờ… Ngoài việc phát tờ rơi, phát thanh, các cộng tác viên còn đến tận nhà để tư vấn, thậm chí giữ hộ con cái khi các chị em tham gia chiến dịch hoặc bỏ tiền túi để đi làm công tác dân số. Chị La Thị Nhung, cộng tác viên dân số ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Làm công việc này ở vùng đồng bào dân tộc không dễ chút nào. Trước đây, bà con chỉ tin vào lời của thầy cúng mỗi khi sinh con hay bị bệnh, rồi những hủ tục lạc hậu không thể bỏ. Chúng tôi phải kiên nhẫn thì mới có thể tạo được niềm tin để bà con chấp nhận thay đổi những thói quen lạc hậu”. Còn chị Trần Thị Thu Hạ, cộng tác viên dân số ở thôn Hội Tín (xã An Thạch, huyện Tuy An) chia sẻ: “Có nhiều gia đình vận động mãi chẳng nghe hoặc có người không hiểu, cho là chúng tôi làm chuyện bao đồng, nhưng vì “mê” làm công tác dân số nên tôi không ngại vất vả”.
Những kết quả trong công tác dân số mà tỉnh Phú Yên đạt được trong thời gian qua có sự góp sức không nhỏ của cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở. Những khó khăn của công tác dân số ở cơ sở không chỉ đơn giản như khẩu hiệu vận động “Mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con”, mà các cộng tác viên còn phải vận động người dân từ bỏ những nếp nghĩ, tập quán lạc hậu đã tồn tại qua nhiều thế hệ, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… nơi mà tư tưởng về “con đàn, cháu đống”, “phải sinh con trai để nối dõi tông đường” còn khá nặng nề.
Hơn 17 năm qua, đội ngũ cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình của tỉnh đã vượt qua khó khăn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Họ là những cán bộ phụ nữ, những bác nông dân, đoàn viên thanh niên… tình nguyện làm công tác này bằng cả tâm huyết, trách nhiệm. Họ không quản ngại đường xa, đến từng nhà, nhất là những gia đình có hai, ba con gái để vận động chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp. Ngoài sự nhiệt tình, các cộng tác viên dân số còn phải vận dụng sự hiểu biết, tính kiên nhẫn, uy tín của mình mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với mức thù lao khiêm tốn 80.000 đồng/tháng. Những tấm gương ấy có thể thấy được ở rất nhiều thôn, xóm, buôn nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên. Đó là những con người đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng được xã hội tôn vinh.
Bà Đỗ Thị Như Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phú Yên cho biết: Đội ngũ cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình cơ sở hoạt động từ năm 1993, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chỉ trong vòng 8 năm (2002 - 2010), Phú Yên đã hạ thấp tỉ lệ tăng dân số xuống còn 1,7%. Số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm xuống còn 1,96 con, đạt mức sinh thay thế. Dân cư phân bố rải rác, địa hình rộng và cách trở đã ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyên truyền kiến thức dân số đến với bà con. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt lạc hậu, tình trạng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Để xóa đi những tập quán lạc hậu đó, không chỉ riêng trong các chiến dịch, mà ngay trong những việc làm thường ngày, đòi hỏi các cộng tác viên phải thực sự tâm huyết với công việc, vì thuyết phục được người dân sử dụng các biện pháp tránh thai là việc làm không hề đơn giản.
THÙY THẢO