Thứ Sáu, 04/10/2024 08:34 SA
Nông dân nói “không” với tội phạm, ma túy
Thứ Ba, 29/06/2010 11:00 SA

Mới nhìn dòng chữ: “Cuộc thi Nông dân Phú Yên nói không với tội phạm, ma túy”, nhiều người nghĩ sẽ rất khô khan, thiếu hấp dẫn. Thế nhưng, càng xem khán giả càng bị lôi cuốn bởi tính đa dạng phong phú của cuộc thi và cái duyên sân khấu của nhiều “nghệ sĩ nông dân”.

 

phu-hoa100629.jpg

Tiểu phẩm Biết sám hối để làm người lương thiện của đội huyện Phú Hòa - Ảnh: H.VY

 

Hội trường mới của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tuy An là nơi diễn ra cuộc thi này. Lần đầu tiên tham gia thi tuyên truyền về phòng chống tội phạm, ma túy bằng hình thức sân khấu hóa, gặp rất nhiều khó khăn nhưng cả chín Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố đều hăng hái tham gia. Mỗi đơn vị năm người, đội nào cũng vừa có nam có nữ là cán bộ, hội viên, nông dân chính hiệu. Cũng có người là hạt nhân trong phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương, từng tham gia hội diễn, liên hoan văn nghệ các cấp, nhưng phần đông là lần đầu tiên bước lên sân khấu. Bích Trâm, thành viên của đội huyện Đông Hòa cho biết, để tham gia cuộc thi, công việc nhà nông chị phải gác lại và thuê mướn người khác làm thay. Tuy có tốn kém, nhưng bù lại có thêm kiến thức về phòng chống tội phạm, ma túy, có thể tuyên truyền, giúp nhiều người hiểu về công tác này và biết cách phòng tránh.

 

Phần thi đầu tiên là Chào hỏi. Mỗi đơn vị tự giới thiệu về mình và kết quả tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm, ma túy trên địa bàn nói chung, trách nhiệm của Hội Nông dân nói riêng. Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, các làn điệu lý, dân ca bài chòi đã thấm sâu vào máu thịt nên hầu hết các đội đều mượn các làn điệu này để thể hiện màn chào hỏi của mình. Một số đội như TP Tuy Hòa, Phú Hòa… còn sử dụng một số làn điệu lý của Nam bộ, như Lý Đất Giồng, Khóc Hoàng Thiên… làm cho phần chào hỏi thêm sinh động, lôi cuốn khán giả. Với các đội huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, đội nào cũng có người dân tộc thiểu số tham gia và không quên lồng vào phần thi giai điệu, tiết tấu của cồng chiêng, a ráp.

 

Kết quả: Hội Nông dân huyện Đông Hòa giành giải nhất toàn đoàn và giành giải Tiểu phẩm sân khấu hay nhất. Xếp thứ nhì là huyện Tuy An; hai đơn vị TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa đồng giải ba; các đơn vị còn lại đạt giải khuyến khích.

Thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm, ma túy được tiến hành bằng hình thức “hái hoa dân chủ” (bốc thăm). Mỗi đội cử một đại diện bốc trúng câu hỏi nào trong hơn 20 câu hỏi đã được chuẩn bị trước sẽ trả lời câu hỏi đó và hầu hết thí sinh đều trả lời trôi chảy đáp án câu hỏi của mình. Một số đội như huyện Tây Hòa, Đông Hòa… còn liên hệ thực tế đơn vị, địa phương mình làm cho câu trả lời thêm sinh động.

 

Là cuộc thi do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, nhưng nhiều người không phải là nông dân cũng đến dự. Ở mỗi đội, ngoài lực lượng diễn viên theo quy định đều có lực lượng cổ động viên đi cùng. Ở phần thi kiến thức, nếu như có 8/9 đội trả lời trôi chảy đáp án câu hỏi bốc thăm, thì ở phần “giao lưu với khán giả”, nhiều khán giả cũng tỏ ra rất am hiểu pháp luật, trả lời khá chính xác những tình huống mà câu hỏi đặt ra và “ẵm” về những phần quà ý nghĩa.

 

Phần thi Tiểu phẩm sân khấu được nhiều người mong đợi nhất và cũng là phần thi mang tính quyết định. Cũng như ở màn Chào hỏi, để “giành điểm” ưu tiên của ban giám khảo, hầu hết các đơn vị tuyến đồng bằng và ven biển chọn hình thức dân ca kịch Khu 5 hoặc lồng ghép giữa dân ca Khu 5 với dân ca Nam Trung bộ để thể hiện tiểu phẩm của mình. Còn các huyện miền núi thì thiên về kịch nói, đi sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở hình thức dân ca có các tiểu phẩm: Người thương vẫn còn của TX Sông Cầu, Quay về tổ ấm (TP Tuy Hòa), Vĩnh biệt nàng tiên trắng (huyện Đông Hòa), Hãy nói không với ma túy (huyện Tây Hòa). Ở loại hình kịch nói, nếu như huyện Sông Hinh có Lầm lỡ sẻ chia,  thì huyện Phú Hòa có Biết sám hối để được làm người, huyện Đồng Xuân có Hối lỗi, huyện Tuy An có Góp sức. Mỗi tiểu phẩm là một sự sáng tạo về nghệ thuật, đồng thời là lời cảnh báo để mọi người tránh xa ma túy, mạnh dạn tố giác và đấu tranh với các loại tội phạm; nêu bật vai trò của các cấp Hội Nông dân trong công tác này. Trong đó, tiểu phẩm Góp sức của huyện Tuy An, đi sâu khai thác yếu tố tâm lý sợ kẻ xấu, bọn tội phạm trả thù của người dân nếu tố giác bọn chúng. Bằng lối diễn tung hứng khá nhuần nhuyễn, pha chút hài hước, tiểu phẩm đã góp phần đưa đơn vị này giành giải nhì toàn đoàn sau huyện Đông Hòa. Trong Người thương vẫn còn (TX Sông Cầu), Nam là một sinh viên của tỉnh học tại TP Hồ Chí Minh, vì bị bạn xấu rủ rê nên lỡ sa chân vào con đường nghiện ngập. Nhờ gia đình và bạn bè sớm phát hiện, tìm cách can ngăn và hướng dẫn cai nghiện, Nam đã làm lại cuộc đời, bước ra con đường sáng. Còn Duy trong Vĩnh biệt nàng tiên trắng, từ một thanh niên cường tráng, vì lỡ một lần thử hê-rô-in rồi thành nô lệ của nó, thân tàn ma dại. Duy muốn từ bỏ nhưng sự cám dỗ của ma túy vượt khỏi tầm kiểm soát của lý trí. Được sự giúp đỡ của người thân, các ban ngành đoàn thể, Duy đã đoạn tuyệt với cái chết trắng, làm lại cuộc đời. Với dàn diễn viên đồng đều, nhiều giọng ca bài chòi mượt mà, điêu luyện; sự phối hợp nhịp nhàng giữa lời ca và tiếng đàn, đơn vị huyện Đông Hòa đã thể hiện xuất sắc tiểu phẩm này.

 

HIẾU VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek