Thứ Năm, 28/11/2024 22:39 CH
Đổi thay ở Ea Ly
Thứ Tư, 02/06/2010 14:00 CH

Xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) nằm giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, nhân dân Ea Ly đã khai thác tốt tiềm năng để phát triển kinh tế, tăng tu nhập, ổn định đời sống.

 

phoi-bap100602.jpg

Nông dân Ea Ly thu hoạch bắp lai - Ảnh: N.CƯỜNG

 

ĐỔI THAY MỘT VÙNG ĐẤT

 

Thiên nhiên ưu đãi cho địa phương này nhiều lợi thế, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa. Đảng ủy xã Ea Ly xác định kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn đột phá để đưa địa phương thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Để làm được điều này phải khai thác tốt tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa. Đó là vùng nguyên liệu mía tại thôn 2 Tháng 4, buôn Zô; vùng chuyên canh cây lúa nước hai vụ tại Tân Lập... Ông Đinh Ngọc Dạn, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch xã Ea Ly cho biết: Việc xây dựng vùng chuyên canh cây trồng đã tạo điều kiện để người dân trong xã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, nhờ vậy mà nhiều loại cây trồng đã được đưa vào sản xuất và cho hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2010, xã Ea Ly có 2.740 ha đất sản xuất, tăng gấp đôi so với năm 2005, trong đó diện tích mía hơn 600 ha, năng suất từ 30 tấn/ha năm 2005 tăng lên 60 tấn/ha vào năm 2009. Ngoài ra, xã còn tăng diện tích trồng lúa nước hai vụ lên 88 ha, năng suất 6,5 tấn/ha; 278 ha cao su, 451 ha bắp lai, 181 ha cà phê, 492 ha sắn, đàn bò hơn 2.200 con.

 

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện trên địa bàn xã có 11 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, nhiều hộ gia đình mua được ô tô, máy xay xát, máy tuốt lúa để phục vụ sản xuất và kinh doanh. Nhiều mô hình kinh tế trang trại nông lâm kết hợp có bước phát triển khá. Đến nay, toàn xã có 531 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Nhờ Chương trình 135 cùng với các nguồn vốn khác, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Ea Ly tiếp tục được đầu tư xây dựng, thông tin liên lạc thông suốt, đường giao thông được láng nhựa đến từng thôn buôn. Chợ đầu mối nông sản đi vào hoạt động đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữ Phú Yên với tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 46% vào năm 2005 giảm xuống còn 21% vào cuối năm 2009. Thu nhập bình quân đầu người từ 4 triệu đồng tăng lên 6,5 triệu đồng/người/năm, tổng sản lượng lương thực quy đổi đạt 4.309 tấn. Với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, diện mạo của xã miền núi này từng bước được thay đổi. Dọc tuyến ĐT645 đoạn qua xã san sát những cửa hàng kinh doanh, ăn uống. Nhiều ngôi nhà mới hai, ba tầng được xây dựng trị giá hàng tỉ đồng.

 

NHỜ GẮN KẾT Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN

 

Ông Đinh Ngọc Dạn, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch xã Ea Ly cho biết thêm, sau khi tách ra từ xã Ea Bar, đội ngũ cán bộ của xã vừa thiếu lại vừa yếu. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, tỉ lệ hộ nghèo cao; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; vi phạm giao thông, buôn lậu gỗ diễn biến phức tạp, gây bất bình và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy xã đã mạnh dạn thay thế những cán bộ yếu kém; sắp xếp, phân công, bố trí lại cán bộ phù hợp với năng lực; từng bước chấn chỉnh lề lối làm việc, lập lại kỷ cương nơi công sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, buôn. Để giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong dân, Đảng ủy xã thành lập tổ công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Nhờ tổ công tác này, việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện được giải quyết kịp thời, thỏa đáng; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng như vi phạm luật giao thông giảm hẳn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương ngày càng được nâng lên.

 

Bên cạnh đó, Đảng ủy xã còn thực hiện nghiêm túc chủ trương đối thoại trực tiếp với dân mỗi quý một lần, qua đó kịp thời giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Ngoài ra, Đảng ủy xã cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại theo từng nội dung vụ việc để giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Tiêu biểu là đối thoại giữa lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa và lãnh đạo xã với 60 hộ dân trồng mía. Qua buổi đối thoại, những vấn đề bức xúc lâu nay của người trồng mía như việc mua mía nguyên liệu, thu hoạch mía không có xe vận chuyển, lái xe vòi vĩnh tiền bồi dưỡng... đã được giải quyết thỏa đáng. Hơn thế nữa, qua buổi đối thoại, nhiều hộ dân nắm được các quy trình đăng ký đầu tư, bao tiêu sản phẩm của nhà máy. Năm 2009, diện tích mía trên địa bàn xã đã tăng lên hơn 600ha, lợi nhuận thu về từ cây mía hơn chục tỉ đồng. Hay như việc đối thoại giữa Công ty cổ phần Sông Ba với người dân thôn Tân Sơn bức xúc về việc hỗ trợ thiệt hại hoa màu trong quá trình khai thác mỏ đất 4A. Sau đối thoại không còn đơn thư khiếu nại tập thể, lãnh đạo xã và người dân đều đồng tình với phương pháp giải quyết hiệu quả này.

 

Vấn đề an sinh xã hội được Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm, thông qua những việc làm cụ thể, như tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi phát triển sản xuất. Hưởng ứng “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Đảng ủy xã kêu gọi cán bộ, đảng viên đóng góp được 30 triệu đồng giúp đỡ bốn gia đình khó khăn, hoạn nạn. Những việc làm ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực đã củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.

 

NGỌC CƯỜNG - VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek