Đa dạng sinh học (ĐDSH) và biến đổi khí hậu có mối quan hệ mật thiết. Sự biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với ĐDSH, ảnh hưởng đến hầu hết các hệ sinh thái. Ngược lại, nếu quản lý hợp lý ĐDSH có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đoàn viên thanh niên trồng cây tại Nhà thờ Bác Hồ – Ảnh: N.THẮNG |
THÔNG ĐIỆP BẢO VỆ SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC
Năm 2010 đươc Tổ chức Liên Hợp Quốc chỉ định là Năm Quốc tế Đa dạng sinh học với chủ đề “Nhiều loài - Một hành tinh - Tương lai chúng ta”. Trong chương trình Làn sóng xanh (The Green Wave), một sáng kiến phối hợp của Ban thư ký về Công ước ĐDSH, trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới được khuyến khích trồng một cây xanh vào lúc 10 giờ sáng Ngày Quốc tế về ĐDSH 22/5/2010. Chương trình Làn sóng xanh chính là thông điêp nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về vai trò quan trọng của ĐDSH trong đời sống của người dân trên thế giới. Các tổ chức trên toàn thế giới đang tham gia vào lực lượng nhằm hỗ trợ sáng kiến của Liên Hợp Quốc, trong đó có Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Vương quốc Anh, Bảo tàng quốc gia Lịch sử tự nhiên Pháp và Viện Smithsonian (Mỹ).
Hiện tại loài người đang đối mặt với việc nóng lên của địa cầu do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu tiếp tục gia tăng. Sự biến đổi khí hậu còn là mối đe dọa đối với ĐDSH, ảnh hưởng đến hầu hết các hệ sinh thái, buộc các sinh vật phải thích nghi với môi trường sống bằng cách thay đổi chu kỳ sinh trưởng phát triển đặc điểm thích nghi mới trên cơ thể, những loài không có khả năng thích nghi có nguy cơ tuyệt chủng. Đã có khoảng gần một triệu loài bị tuyệt chủng do biển đổi khí hậu. Trong sách đỏ Việt Nam, các nhà khoa học đã thống kê được hơn 300 loài động vật, 350 loài thực vật bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.
Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang tập trung sự chú ý toàn cầu về tầm quan trọng của ĐDSH. Nghiên cứu chung của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới của Anh với chủ đề “Hãy lựa chọn giải pháp bền vững giữa kinh doanh và đa dạng sinh học” cho biết, ĐDSH đang bị mất đi với tốc độ cao gấp 1.000 lần tốc độ tự đào thải của tự nhiên. 60% hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị khai thác không bền vững. Tính bằng tiền, sự mất ĐDSH và sự suy thoái của hệ sinh thái ước tính tiêu tốn từ 2 nghìn tỉ đến 4,5 nghìn tỉ USD, chiếm từ 3,3% đến 7,5% GDP trên toàn cầu.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN LÀM SUY GIẢM ĐDSH
Việc khai thác rừng quá mức là mối đe dọa lớn nhất đối với ĐDSH ở nhiều nơi. Chất lượng và sản lượng rừng ngày càng giảm ở những nơi gần dân. Rừng nhiều vùng bị xé lẻ và trở nên nhỏ hơn, tách biệt ra khỏi những khu rừng khác, chúng không còn khả năng hỗ trợ tạo sinh cảnh cho sự phong phú của các loài như ban đầu. Việc di dân, khai hoang lấy đất canh tác nông nghiệp đã thu hẹp dần diện tích các hệ sinh thái rừng.
Nạn khai thác thủy sản quá mức cũng làm hệ động vật thủy sản suy giảm. Hơn nữa phương pháp đánh bắt không lựa chọn, thậm chí mang tính tàn phá như bẫy cá, thả đăng, lưới mắt quá nhỏ, chất nổ và có nơi sử dụng cả chất độc. Quá trình xây dựng các ao hồ nuôi trồng thủy sản dọc bờ biển, khai hoang lấn biển làm đồng muối hay canh tác nông nghiệp, xây dựng khu dân cư... thường làm giảm diện tích vùng thủy triều, tăng độ chua phèn, thay đổi quá trình bùn lắng... làm rất nhiều đầm lầy ven biển bị phá hủy hay giảm cấp nghiêm trọng. Việc khai thác cát, đá cho xây dựng và các khoáng sản khác gây ra xói mòn vùng ven biển, đồng thời làm nghèo nguồn nước và tác động đến thành phần tầng dưới của hệ sinh thái biển.
Quá trình chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường đã tác động mạnh tới suy nghĩ của người nông dân, thúc đẩy họ nuôi trồng nhiều giống, loài mới có năng suất và chất lượng mà thị trường yêu cầu. Quá trình này cũng là mối đe dọa lớn cho những giống, loài canh tác truyền thống đã thích nghi lâu đời với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, làm cho nhiều gien di truyền quý bị lãng quên vì không đáp ứng được thị trường trước mắt.
Việt
NGUYÊN TRƯỜNG