Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khi giới thiệu về những quy định mới của chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định 471/2010/QĐ-UBND. Nói về những nội dung mà người dân được hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, ông Phúc cho biết:
Một khu tái định cư thuộc dự án Thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh N.TRƯỜNG |
Khi thu hồi đất, ngoài việc bồi thường, Nhà nước cũng quy định nhiều hình thức hỗ trợ chính như sau: Hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư (đối với trường hợp thu hồi đất ở); hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm (đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp), và các hỗ trợ đặc biệt khác khi thu hồi đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất vườn ao không được công nhận là đất ở. Chính sách lần này có nhiều điểm mới cơ bản giải quyết những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về đất đai được rõ ràng hơn và đặc biệt là quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân để bảo đảm cho họ có cuộc sống ổn định khi bị thu hồi đất.
- Vậy trước tiên, xin ông nói rõ về chính sách hỗ trợ di chuyển và tái định cư ?
- Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ kinh phí di chuyển theo khoảng cách từ nơi giải tỏa đến nơi ở mới, các mức hỗ trợ cụ thể như sau: 3.000.000 đ/hộ nếu di chuyển trong phạm vi dưới 10 km, 5.000.000 đ/hộ nếu di chuyển từ 10 km đến dưới 50 km và 7.000.000 đ/hộ nếu di chuyển từ 50 km trở lên. Tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc đang sử dụng đất hợp pháp khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới được bố trí vào nhà ở tạm. Nếu không bố trí được vào nhà ở tạm thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong thời gian 6 tháng. Mức hỗ trợ tiền thuê nhà mỗi tháng tùy số khẩu và khu vực sinh sống, thấp nhất là 300.000 đồng/hộ đến 900.000 đồng/hộ.
Về tái định cư: Đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở thì được bố trí tái định cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 18 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó. Còn trường hợp, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư. Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi hộ gia đình được bố trí một suất tái định cư và còn hỗ trợ theo quy định cụ thể hơn như trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống hoặc như trường hợp nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi mà số tiền bồi thường, hỗ trợ cho từng hộ gia đình nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì từng hộ gia đình được hỗ trợ 70% khoản chênh lệch đó.
- Đối với hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, có điểm gì mới, thưa ông?
- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (kể cả đất vườn, ao và đất nông nghiệp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP) thì được hỗ trợ ổn định đời sống. Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 24 tháng; Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 36 tháng. Trường hợp thu hồi đất không đủ mức quy định nói trên mà trong thời gian 05 năm trước (kể từ ngày thu hồi đất lần này) đã bị thu hồi đất thì được cộng dồn diện tích đất đã thu hồi làm căn cứ để tính tiền hỗ trợ và phải trừ số tiền đã hỗ trợ trước đó (nếu có).
Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì còn được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp tính theo định mức giống cây trồng, vật nuôi và diện tích đất nông nghiệp được bồi thường cho một vụ sản xuất; ngoài ra được hỗ trợ các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất cho một vụ sản xuất.
Xây dựng hạ tầng khu tái định cư Xóm Trường (Đồng Xuân) bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ - Ảnh: N.TRƯỜNG |
- Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở, khi Nhà nước thu hồi bên cạnh bồi thường, có được hỗ trợ gì thêm ?
- Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở của thửa đất đó; diện tích được hỗ trợ không quá 05 lần hạn mức giao đất ở theo quy định tại Quyết định số 315/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 35% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong Bảng giá đất hàng năm của UBND tỉnh nhưng diện tích được hỗ trợ không quá 05 lần hạn mức giao đất ở theo quy định tại Quyết định số 315/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
- Những trường hợp nào được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm?
- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 7 của Quyết định 471/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh mà Nhà nước không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo hình thức hỗ trợ bằng tiền bằng 04 lần giá đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng tổng diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.
Trường hợp người được hỗ trợ mà diện tích thu hồi đất trên 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì những người trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo, học nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho một khóa học; việc lấy ý kiến về phương án đào tạo, học nghề thực hiện đồng thời khi lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trường hợp người lao động không có nhu cầu đào tạo, học nghề thì được hỗ trợ 3.000.000 đồng/người. Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng chuyển đổi nghề nằm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.
- Cám ơn ông!
NGUYÊN TRƯỜNG