Nắng nóng kéo dài khiến người dân ở bốn thôn, buôn của xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) thiếu nước sinh hoạt. Hàng ngày người dân phải đi bộ hàng cây số để lấy nước từ các con suối đã bị ô nhiễm về sử dụng, trong khi nhiều giếng, công trình nước tự chảy không có nước để phục vụ.
GIẾNG... VÔ CHỦ
Năm 1999, hồ Thủy điện Sông Hinh tích nước, nhiều khu vực dân cư ở các xã Đức Bình Đông, Ea Trol, Sông Hinh… phải chuyển đến nơi ở mới. Trong đó, xã Sông Hinh có 4/8 thôn, buôn tập trung bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chuyển đến nơi ở mới, được Nhà nước đầu tư các công trình phúc lợi nhằm đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt, do các giếng nước đều trơ đáy. Ông Ma Dương ở thôn 2A, cho biết: “Giếng “135” (giếng nước do Chương trình 135 đầu tư) đào ngay trước cửa nhà tôi nhưng đành bỏ hoang mấy năm nay do không có nước. Sợ trẻ con đùa nghịch té xuống, tôi phải dùng mấy tấm ván đậy lại”. Ma Dương cho biết thêm, hiện người dân trong thôn không có khả năng đào giếng nước vì số tiền đầu tư quá lớn, khoảng 50 - 60 triệu đồng. Hầu hết các giếng nước “135” đào vào mùa mưa, đến mùa khô, mực nước hồ thủy điện xuống thấp thì các giếng nước… phơi đáy.
Ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: “Xã có khoảng 50 giếng nước, tập trung ở ba thôn 2A, 2B, Suối Dứa và thôn 3. Giếng có đường kính khoảng 1,5m, sâu 40m. Những cái giếng này đào từ lâu nên không biết ai làm chủ dự án”. Làm việc với Ban quản lý Chương trình 134, 135 huyện Sông Hinh, chúng tôi được biết, đơn vị này chỉ đầu tư trên địa bàn xã Sông Hinh 2 giếng nước thuộc Chương trình 135, số giếng còn lại có thể là của Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Hinh đầu tư cho dân khu tái định cư(!?)
CÔNG TRÌNH NƯỚC TỰ CHẢY... CHẢY THEO MÙA
Ngoài số giếng nước trên, năm 2001 xã Sông Hinh được đầu tư xây dựng hệ thống nước tự chảy, cung cấp nước sinh hoạt cho 6 thôn, buôn với số vốn đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng. Dự án này do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Phú Yên làm chủ đầu tư. Nguồn nước phục vụ cho hệ thống này được lấy từ các con suối ở buôn Kít, xử lý qua bể lọc thô, sau đó cấp nước trực tiếp đến hộ dân. Thế nhưng đã gần 10 năm nay, vào mùa khô công trình lại không đủ nước cung cấp cho người dân. Giếng bỏ hoang, hệ thống nước tự chảy… chảy theo mùa, người dân chỉ còn cách đi lấy nước từ các con suối, hoặc nước từ lòng hồ thủy điện để làm nước sinh hoạt. Chị Hờ Nhàn, ở thôn 3 cho biết: “Gần một tháng nay, ngày nào tôi cũng phải đi bộ hơn hai giờ đồng hồ để đến suối Ea Ngao lấy nước về phục vụ ăn uống. Thế nhưng bây giờ nước suối cũng bị ô nhiễm do nhiều người thiếu ý thức phun thuốc diệt cỏ, vứt rác bừa bãi làm nước suối đục ngầu, nhưng cũng phải múc về sử dụng vì không còn cách nào khác”. Còn Mí Ảnh ở thôn 2B thì than phiền: “Hơn một tháng nay, vòi nước nhà tôi không còn chảy nữa. Thỉnh thoảng hệ thống nước tự chảy chảy được vài ngày, sau đó tắt mất, chẳng biết lúc nào có nước mà chờ. Nước sinh hoạt hàng ngày đều trông cả vào lòng hồ thủy điện Sông Hinh, nhưng nước mùa này cạn, đục và bẩn lắm”.
Ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: “Nước sinh hoạt là vấn đề bức xúc nhất hiện nay của địa phương. Hiện có khoảng 300 hộ ở Suối Dứa, 2A, 2B và thôn 3 đứng trước tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, trong khi đó hệ thống nước tự chảy không thể hoạt động thường xuyên. Ống dẫn nước bị hư hỏng, các mối nối đã quá cũ nên dễ bị bể, gây thất thoát nước. Để duy trì hoạt động của hệ thống nước tự chảy, xã phải trích số tiền thu sử dụng nước để sửa chữa nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu nắng nóng kéo dài, đầu nguồn hết nước thì chỉ còn cách “kêu” để huyện chở nước về phục vụ bà con”.
ANH NGỌC – PHƯƠNG
Những cái giếng “135” ở xã Sông Hinh bị bỏ hoang - Ảnh: A.NGỌC