Đời sống của nhiều người dân ở ba xã Sơn Giang, Đức Bình Đông và Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) đang gặp khó khăn do nhiều diện tích đất sản xuất bị sạt lở. Vào mùa mưa, nhiều khu vực dân cư bị ngập trong biển nước, trong khi chính quyền địa phương không thể bố trí khu định cư mới cho người dân.
Ông Huỳnh Trọng Hòa, ở thôn Tuy Bình, than thở: “Tôi trồng 1,8 sào mía, mùa lũ vừa qua đất trồng mía của tôi đổ ập xuống sông Ba hết 1 sào” – Ảnh: H.NAM |
SÔNG “ĂN” ĐẤT SẢN XUẤT
Trên 100 hộ dân ở thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây phải di dời vì sông Ba sạt lở lấn sâu vào xóm. Sau khi chuyển đến nơi ở mới, những hộ này cải tạo diện tích đất nền nhà cũ trồng hoa màu, thế nhưng thường xuyên thất bát. Ông Nguyễn Thanh ở thôn Tuy Bình cho biết, 10 năm trở lại đây có đoạn sông Ba đã “ăn” vào đất sản xuất trên 50m. Riêng mùa lũ năm 2009, khu vực dọc sông Ba đoạn chảy qua thôn Tuy Bình dài hơn 3 cây số tiếp tục bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền 10-15m. Ông Huỳnh Trọng Hòa ở thôn Tuy Bình than thở: “Tôi trồng 1,8 sào mía, mùa lũ vừa qua nước cuốn trôi hết 1 sào. Số diện tích còn lại rất có thể mùa lũ năm nay cũng sẽ bị sông “ăn” vì sông Ba đã ngoạm sâu vào, khoét hàm ếch ngay dưới chân khu đất sản xuất của gia đình tôi”.
Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ba đoạn qua khu vực xã Sơn Giang cũng đã đến mức báo động. Ông Phạm Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết, hàng năm có 2-3ha đất sản xuất của xã dọc sông Ba và khoảng 5ha dọc sông Nhau bị sạt lở. Chính vì sạt lở nên đất sản xuất của xã hàng năm biến động lớn. Có hộ sau một đợt lũ lụt không còn mét vuông đất sản xuất nào. Hiện tại, dọc sông Ba và sông Nhau xuất hiện thêm nhiều vết nứt ăn sâu vào đầt liền, gây nguy cơ đất đổ ập xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Theo người dân ở đây, tốc độ sạt lở trên các sông năm nay diễn ra nhanh hơn các năm trước do lũ lớn và do các nhà máy thủy điện xả lũ làm biến đổi dòng chảy. Qua khảo sát và đánh giá của UBND huyện Sông Hinh, tình trạng sạt lở đất sản xuất trên địa bàn ba xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và xã Sơn Giang ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN XÁO TRỘN
Ông Nguyễn Hữu Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết: “Đợt lũ năm 2009, 30 hộ dân ở xóm Ngoài thuộc thôn Chí Thán phải leo lên mái nhà để thoát khỏi lưỡi hái của thủy thần do lũ lớn nhanh và bất ngờ”. Cũng theo ông Hóa, khu vực xóm Ngoài nằm lọt thỏm giữa sông Ba và sông Hinh. Mùa mưa lũ vừa qua, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ trong vòng 20 phút, khiến mực nước ở đây dâng cao 1m, làm cho cả người dân và chính quyền không kịp trở tay.
Ở buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây có 57 hộ dân. Mỗi khi đến mùa lũ, dân phải chuyển đến trụ sở UBND xã để tránh lũ. Khu vực buôn Mả Vôi, phía tây là suối Dừng bao quanh, phía đông là sông Ba chạy dọc, mùa mưa Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ trong vòng một buổi là cả buôn biến thành… ốc đảo. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết, mùa lũ 2009 nhiều ngôi nhà ở buôn Mả Vôi chìm trong nước. Đó là chỉ có Nhà máy điện Sông Ba Hạ xả lũ, nếu Nhà máy thủy điện Sông Hinh cũng xả lũ cùng thời điểm nữa thì cả buôn Mả Vôi ngập trong biển nước.
Theo UBND huyện Sông Hinh, các khu vực dân cư bị uy hiếp do thủy điện xả lũ cần phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn nên huyện phải chờ nguồn vốn của tỉnh. Riêng buôn Mả Vôi (xã Đức Bình Tây), xóm Ngoài (xã Đức Bình Đông) cần phải di dời dân gấp. Thời gian tới, các công trình thủy điện Krông Hnăng 1, Krông Hnăng 2 hoàn thành nếu không có sự phối hợp trong việc xả lũ giữa các hồ thủy điện thì hậu quả sẽ khó lường.
MẠNH HOÀI