Những năm gần đây, số trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) ngày càng gia tăng, nhất là đuối nước. Chính vì vậy, cộng đồng, gia đình cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề an toàn cho trẻ em và có những giải pháp hiệu quả giúp phòng chống TNTT cho trẻ.
Tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em cho người dân. - Ảnh:P.THÙY
Mới đây, em P.T.T, học sinh lớp 6G Trường THCS Hòa An, huyện Phú Hòa, đã chết đuối khi cùng nhóm bạn rủ nhau ra sông Ba, khu vực xóm Soi, thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) tắm. Theo những người chăn vịt ở khu vực sông Ba, khúc xóm Soi này nước rất sâu và vô cùng nguy hiểm, nhưng lâu nay không thấy chính quyền để biển cảnh báo. Do đó, nhiều người vẫn thường ra đây tắm vào mùa hè, nhất là trẻ em. Trường hợp cháu bé N.T.Q, 12 tuổi xã An Định (huyện Tuy An) trong lúc rửa tay đã té vào hồ nước, khi người nhà phát hiện thì cháu đã tử vong. Tại xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) em V.T.T.X đi chăn bò bị trượt chân té xuống suối và chết đuối.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010, Phú Yên đã có đến 10 trẻ em tử vong do đuối nước. Riêng năm 2009, toàn tỉnh có đến 33 trẻ em tử vong vì tai nạn này. Đây là những con số đau lòng và đáng báo động. |
Nguyên nhân của những cái chết thương tâm nói trên ít nhiều do cha mẹ thiếu sự quan tâm, quản lý và do sự cẩu thả, không an toàn của người lớn. Khảo sát các địa điểm trẻ bị TNTT, cho thấy các điểm vui chơi giải trí cho trẻ tại các địa phương còn thiếu, hình thức vui chơi chưa phong phú. Ngoài ra, ở những nơi có ao, hồ chưa có biển cấm, biển báo độ sâu. Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp, chủ xây dựng làm công trình không chú ý rào chắn dẫn đến cái chết của trẻ em vẫn chưa được khắc phục. Ngoài ra, nhiều gia đình cho các em đi tắm, nghịch nước khi không có sự giám sát của người lớn.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, loại hình TNTT trẻ em chiếm tỉ lệ cao nhất là té ngã với 56,48% (gãy xương chi trên 51%) chủ yếu ở nhóm 6-10 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu đi học nên hiếu động, ưa chạy nhảy, leo trèo, tò mò, ưa nghịch. Tỉ lệ còn lại rơi vào loại hình đuối nước, tai nạn giao thông, chủ yếu nhóm tuổi từ 12-15 tuổi. Lứa tuổi này trẻ muốn tự khẳng định mình, muốn trở thành người lớn, dễ bị kích động, muốn tách khỏi sự quản lý của gia đình và cộng đồng nên việc xảy ra tai nạn là tất yếu.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên Phạm Thị Tương Lai, cho biết để đảm bảo môi trường an toàn lâu dài, cần có một cộng đồng an toàn cho trẻ. Muốn có một cộng đồng an toàn phải xây dựng ngay từ những tế bào nhỏ như gia đình an toàn, trường học an toàn. Cụ thể, giếng cần phải xây bọng cao, chum, vại đựng nước nên có nắp đậy. Ngoài ra, để phòng các tai nạn khác có thể xảy ra, thì bếp nấu có cửa chắn riêng, những vật dụng nguy hiểm, dễ cháy nổ (dao, liềm, đèn cồn, thuốc trừ sâu…) cần để trên bệ cao cách xa tầm tay trẻ. Ở trường học, cần có rào chắn kiên cố, cách ly với môi trường nguy hiểm bên ngoài, trang bị tủ thuốc sơ cứu ban đầu, khu vệ sinh phù hợp. Các công trình, đường giao thông, ao hồ… phải đặt biển báo những nơi nguy hiểm. Đồng thời, cần phát huy vai trò tham gia của trẻ, giáo dục, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. Cộng đồng nên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, để trẻ em được sống và học tập trong môi trường an toàn. Đồng thời, tập huấn về kiến thức về phòng chống TNTT trẻ em cho người dân, cán bộ chuyên trách. Xây dựng cộng đồng an toàn được coi là vấn đề trọng tâm trong phòng chống TNTT nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng, vì vậy cần có sự chung tay của toàn xã hội. Năm 2009, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên đã xây dựng mô hình điểm về phòng chống TNTT trẻ em và xã phường phù hợp với trẻ em ở 74 xã, phường, thị trấn trên 9 huyện, thành phố và đã cho kết quả tích cực; vì vậy, sẽ tiếp tục triển khai toàn diện trên toàn tỉnh làm mô hình điểm phòng chống TNTT, giảm mức thấp nhất tình trạng thương tích cho trẻ.
PHONG NHÃ