Thứ Năm, 03/10/2024 20:21 CH
60 năm vì sự an toàn và hạnh phúc của mọi người
Thứ Ba, 23/03/2010 08:15 SA

(Trích Thông điệp của ông Michel Jarruad, Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhân Ngày Khí tượng thế giới 2010)

 

Hằng năm, vào ngày 23/3, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và cộng đồng khí tượng toàn cầu lại cùng nhau tổ chức kỷ niệm ngày Công ước WMO chính thức có hiệu lực: ngày 23/3/1950, đúng 30 ngày sau khi thư phê chuẩn thứ 30 của công ước được cam kết bởi các quốc gia mong muốn tham gia vào tổ chức mới. Trước đó, ngày 11/10/1947, nội dung của công ước đã được nhất trí thông qua bởi đại diện từ 31 nước tại Hội nghị Giám đốc Cơ quan Khí tượng quốc gia tổ chức tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ).

 

nuoc-Ea-Bia.jpg

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) sử dụng nước sạch - Ảnh: N.CHUNG

 

Cho đến thời điểm đó, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khí tượng do Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO) đảm nhiệm. IMO được thành lập từ kết quả của một quy trình bắt đầu trong Đại hội Khí tượng Quốc tế lần thứ nhất (Vienna, tháng 9/1873) để điều phối các quan trắc khí tượng và chuẩn hóa thiết bị đo, đồng thời cũng là tổ chức chịu trách nhiệm xuất bản cuốn atlas mây quốc tế đầu tiên năm 1896. Cơ cấu tổ chức của IMO dần dần hoàn thiện qua những quyết định của Ủy ban Thường trực đặc biệt, do C.H.D Buys Ballot (người Hà Lan) làm chủ tịch, trong thời gian giữa Đại hội Vienna và Đại hội Khí tượng Quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Rome vào tháng 4/1879.

 

Một trong những thành công của Đại hội Rome là sự ra đời của Ủy ban Khí tượng Quốc tế, ban đầu do Heinrich Wild (quốc tịch Nga/Thụy Sĩ) lãnh đạo, với trách nhiệm xem xét định kỳ về sự tiến triển của IMO và tiến hành các hành động cần thiết. Tổ chức tiền thân của Ban chấp hành WMO đã ra đời như vậy. Mặc dù hai kỳ đại hội trước đó đều là các cuộc họp mang tính chất chính phủ, Ủy ban Khí tượng Quốc tế tin rằng IMO sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu là một tổ chức phi chính phủ. Từ đó, IMO quyết định thay thế Đại hội Khí tượng Quốc tế bằng Hội nghị Giám đốc các Cơ quan Khí tượng quốc gia có tính chất phi chính phủ.

 

Bên cạnh vai trò chủ đạo trong việc chuẩn hóa hệ thống quan trắc khí tượng, IMO còn có những đóng góp nổi bật cho công tác nghiên cứu khoa học, cụ thể là việc tổ chức hai Năm Địa cực Quốc tế đầu tiên trong giai đoạn 1882 - 1883 và 1932 - 1933 với quy mô mà không quốc gia riêng lẻ nào thực hiện được.

 

Thực tế, IMO và WMO đã cùng tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn, trước khi Hội nghị Giám đốc cuối cùng của IMO diễn ra ở Paris từ 15-17/3/1951. Khi hội nghị kết thúc, Chủ tịch IMO, ngài Nelson Johnson (người Anh), chính thức tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của IMO và thay vào đó là WMO. Hai ngày sau, 19/3/1951, Đại hội WMO đầu tiên được tổ chức ở Paris. Cuối năm đó, ngày 20/12/1951, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 531(VI) và WMO đã trở thành một cơ quan chuyên môn của LHQ.

 

Tiếp theo Hội nghị Khí hậu Thế giới lần thứ nhất tổ chức vào năm 1979, để bàn về mối đe dọa của biến đổi khí hậu và những tác động tiềm tàng của nó, WMO và Hội đồng Khoa học quốc tế (ICSU) đã phối hợp xây dựng Chương trình Nghiên cứu khí hậu thế giới (WCRP), sau này có thêm sự tham gia của Hội đồng Hải dương Liên Chính phủ (IOC) của UNESCO. Chương trình Nghiên cứu Khí hậu thế giới (WRCP) có vai trò rất quan trọng về mặt khoa học, đặc biệt là cung cấp nền tảng vững chắc cho những đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), do WMO và Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) đồng tài trợ từ năm 1988 và được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2007.

 

Khi chúng ta nhìn lại những gì đã đạt được trong sáu thập kỷ qua, có thể thấy rằng một số thành tựu đã mở ra những cơ hội đặc biệt về khoa học và công nghệ cho WMO, chẳng hạn như việc phóng các vệ tinh nhân tạo và những khả năng quan trắc chưa từng có mà các vệ tinh này mang lại, cùng với sự phát triển như vũ bão của máy tính và viễn thông. Từ các nhân tố riêng lẻ ban đầu, các thành tựu mới đã nhanh chóng hội tụ và tạo điều kiện cho việc trao đổi tức thời dữ liệu và sản phẩm khí tượng trên toàn thế giới cũng như việc thực hiện theo dõi thời tiết toàn cầu, một chương trình trọng điểm của WMO, sau này đã trở thành cơ sở cho các chương trình khác.

 

Các nghiên cứu được WMO tài trợ cũng đạt được những thành tựu rực rỡ. Sau khi đảm nhận trách nhiệm của IMO, WMO đã hợp tác cùng Hội đồng Khoa học quốc tế (ICSU) phát động Năm Vật lý địa cầu quốc tế 1957-1958 và gần đây hơn là Năm Địa cực quốc tế 2007-2008. Hai chương trình này hiện vẫn tạo ra được nhiều kết quả khoa học đột phá. WMO và ICSU cũng đồng tổ chức Chương trình Nghiên cứu khí quyển toàn cầu vào năm 1967 với các thí nghiệm nổi tiếng như thí nghiệm nhiệt đới Đại Tây Dương GARP, thí nghiệm gió mùa và thí nghiệm toàn cầu lần thứ nhất của GARP vào các năm 1978, 1979 hay thí nghiệm thời tiết toàn cầu.

 

Trong suốt 60 năm, bản đồ thế giới đã thay đổi đáng kể. Ngày nay, những thành viên của WMO bao gồm 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, quốc gia gia nhập gần đây nhất là Cộng hòa dân chủ Đông Timo, vào ngày 4/12/2009. Tuy nhiên vào thời điểm gia nhập WMO, một vài thành viên mới còn thiếu kinh nghiệm và nguồn lực để thành lập ngay cả những cơ sở dự báo thời tiết cơ bản nhất trong việc hỗ trợ phát triển bền vững, vì vậy hợp tác kỹ thuật và giáo dục đào tạo là các lĩnh vực mà vai trò của WMO đã tạo nên sự khác biệt.

 

Theo truyền thống, Ngày Khí tượng Thế giới hằng năm đều có một chủ đề đặc biệt và trong lần thứ 60 này, Ban Chấp hành của WMO quyết định chủ đề sẽ là “Ngày Khí tượng Thế giới - 60 năm vì sự bình yên và hạnh phúc của mọi người”, một chủ đề đặc biệt thích hợp tại thời điểm mà cộng đồng thế giới đang nỗ lực để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ, đặc biệt là vấn đề sức khỏe, an ninh thực phẩm và nước uống, chống đói nghèo cùng với nỗ lực tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai, giúp phòng chống các tác động ngày một lớn của sự dao động và biến đổi của khí hậu.

 

Một vài chương trình và hoạt động khác của WMO đã trở thành những hình mẫu trong suốt sáu thập kỷ về những lợi ích kinh tế xã hội mà nhiều lĩnh vực đã đạt được thông qua hợp tác về khí tượng, đặc biệt về việc đảm bảo sự an toàn cho con người. Những minh chứng rõ ràng nhất là trong nông nghiệp, an ninh lương thực và nguồn nước, sức khỏe giao thông vận tải, du lịch, xây dựng và năng lượng cùng với các ngành khác. Một vài dòng ngắn ngủi trong thông điệp này không thể nói hết lên những đóng góp đầy ý nghĩa đó. Vì vậy, những thành tựu mà WMO đã đóng góp trong sự phát triển của nhân loại được trình bày chi tiết trong tài liệu Ngày Khí tượng Thế giới 2010 “Tổ chức Khí tượng Thế giới - 60 năm vì sự bình yên và hạnh phúc của mọi người”.

 

Cuốn sách mới này cũng là những nỗ lực để bảo tồn lịch sử của WMO cho thế hệ tương lai. Tôi tin tưởng rằng cuốn sách “Tổ chức Khí tượng Thế giới - 60 năm vì sự bình yên và hạnh phúc của mọi người” sẽ góp phần gắn kết các thành viên và đối tác của WMO, những người mà nhân đây tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành nhất.

 

Tôi cũng xin nhắc lại sự kiện người đứng đầu nhà nước và chính phủ, bộ trưởng và thành viên chính phủ cao cấp của 160 nước tham dự Hội nghị Cấp cao - Hội nghị Khí hậu thế giới 3 (WCC-3) từ 31/8 đến 4/9/2009, đã 100% nhất trí thành lập Khung toàn cầu cho các Cơ quan khí hậu (GFCS) để tăng cường sức mạnh cung cấp và sử dụng các thông tin, sản phẩm và dự báo khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

 

Khung toàn cầu sẽ có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ chống chọi với biến đổi khí hậu. Bằng việc tăng cường đo đạc, nghiên cứu và thông tin, cùng với cơ chế tương tác hiện đại giữa người sử dụng và người cung cấp thông tin khí hậu, Khung toàn cầu sẽ đảm bảo mọi thành phần xã hội được sử dụng những sản phẩm khí hậu thân thiện với người dùng, giúp họ xây dựng kế hoạch tốt hơn cho tương lai để đối phó với sự biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng bằng sáng kiến mới này và những sáng kiến tiếp theo, WMO sẽ càng có vai trò lớn hơn trong sự nghiệp phục vụ loài người trong những thập kỷ tới. Với những ưu ái và quyền hạn đã có, tất cả chúng ta đang mắc nợ những nhà khí tượng học và thủy văn học của thế hệ tương lai. Chúng ta hãy cùng gửi những lời tốt đẹp nhất đến họ trong Ngày Khí tượng Thế giới 2010 này.

 

Các thông điệp về Ngày nước thế giới

 

Nhân Ngày Nước thế giới, chúng ta khẳng định lại với nhau rằng nước sạch là sự sống, cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta bảo vệ chất lượng nước của chúng ta như thế nào.

 

Chất lượng nước: Con người khỏe mạnh, các hệ sinh thái khỏe mạnh

 

1. Chất lượng nước là chìa khóa sức khỏe của con người và các hệ sinh thái. Tuy nhiên, việc thiếu nhận thức đúng đắn về chất lượng nước và thiếu năng lực bảo vệ tài nguyên nước là những cản trở chính trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc.

 

2. Tăng cường chất lượng nước đem lại thêm nhiều lợi ích: tăng cường hệ sinh thái và vai trò phục vụ của hệ sinh thái, nâng cao sức khỏe và đời sống.

 

Nói đến chất lượng nước là nói đến tính bền vững

 

1. Các vấn đề chất lượng nước được giới lãnh đạo hiểu và đầu tư ít hơn so với vấn đề về số lượng nước/khan hiếm nước. Tuy nhiên, chất lượng nước và số lượng nước luôn gắn kết, đi đôi với nhau.

 

2. Mỗi một người vừa chịu ảnh hưởng của chất lượng nước vừa gây ảnh hưởng đến chất lượng nước.

 

Chất lượng nước qua các con số

 

1. Tiền đầu tư vào các dự án về nước và vệ sinh đặc biệt thu lãi rất cao

 

2. Nước sạch là thành phần thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển

 

3. Ngăn ngừa ô nhiễm nước rẻ hơn nhiều so với xử lý nước bị ô nhiễm

 

Chất lượng nước trong thế giới biến đổi

 

1. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các vấn đề chất lượng nước thêm gay gắt.

 

2. Những chất nhiễm bẩn mới đe dọa đến chất lượng nước và sức khỏe con người và các hệ sinh thái

 

Chất lượng nước đòi hỏi hành động

 

Để đạt và duy trì chất lượng nước, đòi hỏi phải có các mục tiêu chính sách rõ ràng và sự quản lý năng động.

 

Nếu nhìn vào từng lĩnh vực chuyên đề - sức khỏe con người, hoạt động sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng), sức khỏe các hệ sinh thái (ô nhiễm), thấy rằng hầu hết các thông điệp đan chéo với nhau, nhưng đặc biệt có hai thông điệp được liên kết trong một lĩnh vực, đó là:

Sức khỏe con người: Tiền đầu tư vào các dự án về nước và vệ sinh đặc biệt thu lãi rất cao.

 

Sản xuất: Nước sạch là thành phần thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển.

 

CÁC CHỨNG CỨ

 

Bệnh tiêu chảy đứng thứ hai về nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở trẻ em, chỉ sau bệnh viêm phổi (WHO, 2005)

 

Khoảng độ 1 trong 5 trẻ em, tức khoảng 1,5 triệu trẻ bị chết do bệnh tiêu chảy mỗi năm (UNICEF/WHO, 2009)

 

Bệnh tiêu chảy giết chết nhiều trẻ nhỏ hơn số bị tử vong do các bệnh AIDs, sởi, sốt rét cộng lại (UNICEF/WHO, 2009)

 

Chỉ riêng với việc xử lý nước tại chỗ (tại điểm dùng nước) cũng đã có thể giảm được 39% nguy cơ bị tiêu chảy (Fewtrell va những người khác, 2005)

 

Những can thiệp của các hộ gia đình vào việc ngăn ngừa bệnh tiêu chảy có hiệu quả hơn việc xử lý được tiến hành tại nguồn (Clasen et al., 2006)

 

Với việc phổ cập xử lý nước tại chỗ, hàng năm có thể tránh được khoảng 1,9 tỉ ca tiêu chảy (Hutton và Haller, 2004)

 

Toàn cầu, theo ước tính có khoảng 130 triệu người đang phải đối mặt với việc dùng nước bị nhiễm arsenic với g/l  (UNICEF, 2008) nồng độ cao hơn nồng độ WHO đưa ra là 10

 

Nước dưới đất với nồng độ flor cao xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, gồm phần lớn châu Phi, Trung Quốc, miền Đông Địa Trung Hải và Nam Á (Fawell và những người khác, 2006).

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek