Thứ Bảy, 05/10/2024 10:22 SA
Làm lại nhà, đón tết
Thứ Hai, 15/02/2010 07:00 SA

Phóng viên, cộng tác viên Báo Phú Yên thực hiện những trang ghi chép phản ánh không khí đón tết ở khắp nơi: Tết ở vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong bão lũ lịch sử; tết ở nơi đầu sóng ngọn gió, tết ở vùng núi cách trở. Mùa xuân diệu kỳ vẫn hiển hiện ở những nơi khó khăn nhất, xa xôi nhất.

 

hoi-ha.jpg

Nhà anh Trần Xuân Nghĩa đang hoàn thiện. Anh Nghĩa đang quét vôi trụ cổng.- Ảnh: THANH HIỀN

 

NIỀM VUI Ở XÓM BỜ

 

Gia đình anh Trần Thanh Nghĩa ở xóm Bờ, nằm ven sông Thị Thạc (khu phố Long Hải Đông, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu) có 6 người, ngoài con trai lớn đang học Đại học thủy sản Nha Trang, còn lại 5 người đang ở trong căn lều bạt ngổn ngang đồ đạc, quần áo... Chếch phía đối diện là căn nhà xây, lợp tôn đang hoàn thiện mà khi nhìn vào đó, ánh mắt của hai vợ chồng anh đều lấp lánh niềm vui. Anh kể: Khi lũ rút, nhìn thấy nhà mình chỉ còn nền xi măng, đồ đạc, quần áo trôi hết, vợ chồng tôi buồn rũ cả người, không còn thiết gì nữa cả. Bao nhiêu năm cực khổ làm thuê làm mướn, giờ chỉ một trận lụt đã làm gia đình trắng tay, sao không chán nản, rũ chí được. May thay, được bộ đội đến dựng cho căn lều bạt làm chỗ trú mưa tránh nắng, lại được bà con lối xóm giúp đỡ từ gói mì tôm, lon gạo, đến quần áo, xoong nồi, thậm chí cả cái chén, đôi đũa…, đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trước mắt, tìm lại được niềm tin trong cuộc sống. Sau khi được nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, cộng thêm số tiền do một số tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ, gia đình xây lại ngôi nhà, tuy còn thiếu tiền nhưng cũng cố làm cho chắc chắn, cao ráo hơn để đề phòng lũ lụt. Xây được nhà rồi, có nơi chốn ổn định đón tết vui hơn.

 

Một điều may mắn cho cả xóm là khi lũ về, bà con đã gọi nhau, dắt díu đi tránh trú hoặc được cứu hộ an toàn. Vợ chồng cụ Lê Văn Thanh và Trần Thị Thanh Hương đều ngoài 70 tuổi thì được đội cứu hộ tới chở đến nơi cao ráo. “Khoảng 4 giờ sáng lần mò trở về, thấy con đường về xóm bị xói lở, có đoạn xoáy thành hố sâu, ngổn ngang như một bãi chiến trường, nghe mấy người nói nhà bị sập rồi, tôi như đứng tim. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già, nhà cửa, đồ đạc trôi sạch, để làm lại từ đầu đối với người già như chúng tôi thật khó khăn. Đã vậy còn phải lo cho đứa con trai út đang học năm thứ tư Đại học Bách khoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Cũng may còn có nhà nước, cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ. Bây giờ vợ chồng tôi cũng đã dọn về ở nhà mới rồi”-đôi mắt đang đăm chiêu của cụ Lê Văn Thanh chợt bừng sáng theo lời tự sự, còn cụ bà cũng cười tươi, phụ họa theo chồng: “Cũng may có bộ đội tới dọn, đổ đất làm lại đường mất cả tuần, bà con mới đi lại được. Lại còn nhặt nhạnh đồ đạc, chùi rửa giúp cho bà con, thấy mà thương, mà mến các chú ấy. Mọi người trong xóm thấy bộ đội như vậy như được tiếp thêm sự sống, tui cũng bớt buồn. Vậy là tết này vẫn có chỗ thờ cúng ông bà, có nơi để con cháu về ăn tết, cho dù ăn tết không to, nhưng vui không gì bằng”.

 

XUÂN LÂM: NHIỀU NGƯỜI XÂY NHÀ MỚI

 

Đã hơn hai tháng trôi qua sau trận lũ kinh hoàng, phía hạ lưu đập tràn Bình Nông vẫn ngổn ngang nhưng đối diện phía bên kia đường lại là những căn nhà đang xây hối hả như chạy đua với thời gian khi Tết Canh Dần 2010 đang đến gần.

 

Ngay sát trụ sở UBND xã, một ngôi nhà đã xây gần xong phần tường, tốp thợ xây vẫn miệt mài làm việc dưới trời mưa phùn. Anh Lê Văn Thông, phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm tạm dừng việc chuyển gạch từ ngoài đường vào để trò chuyện với tôi. Sau lũ, đối diện với đổ nát, tan hoang và mất mát quá lớn, hàng chục gia đình tưởng chừng không gượng dậy nổi, mong ước về một mái nhà che mưa tránh nắng trở nên quá xa vời. May thay, trong hoạn nạn lại bừng lên tình người bao la, ấm áp. Những gia đình bị sập nhà được bà con, họ hàng cưu mang nơi ăn, chốn ở, hoặc được chính quyền đứng ra phối hợp với bộ đội, công an dựng lều để ở tạm, không ai phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”. Rồi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đến tận nơi thăm hỏi, trao quà cứu trợ, từ mì ăn liền, nước uống, đến chăn màn, quần áo, gạo, dụng cụ gia đình,… giúp người dân vượt qua khó khăn ban đầu, dần ổn định cuộc sống. Vui nhất là các em học sinh, chỉ sau một tuần bị lũ, các em đã được đến trường học lại, dù phòng học chỉ là căn lều bạt, bàn ghế chưa đủ, phải ngồi học, nằm viết trên tấm bạt. Cha mẹ thấy con trẻ háo hức tới trường cũng vui lây, như được tiếp thêm sức mạnh, có niềm tin hơn khi bắt tay vào làm lại từ đầu, hằng mong cho con em có một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ thị ủy Sông Cầu, công tác kiểm tra, rà soát công tác cứu trợ được các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương triển khai nghiêm túc, nhất là việc đôn đốc, tìm giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng tiến hành xây dựng lại, sửa chữa nhà ở ổn định để bà con đón tết.

 

“Vậy là tết này vẫn có chỗ thờ cúng ông bà, có nơi để con cháu về ăn tết, cho dù ăn tết không to, nhưng vui không gì bằng”.

 

THANH HIỀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek