Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh vừa trang bị cho cán bộ chuyên trách công tác trẻ em ở các xã, phường về kỹ năng tư vấn cho trẻ không làm trái pháp luật. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội xoay quanh vấn đề này.
Dành tình yêu thương, chăm sóc con cái chu đáo, sẽ góp phần hạn chế trẻ em vi phạm pháp luật. - Ảnh: T.THỦY
* Thực trạng trẻ em làm trái pháp luật hiện nay ở Phú Yên như thế nào, thưa bà?
- Hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật tập trung ở lứa tuổi 14 đến 18. Phần lớn những đối tượng phạm tội không có tiền án, tiền sự, đang cắp sách đến trường. Các tội trẻ em vi phạm nhiều như cướp của, giết người, cưỡng đoạt tài sản công dân, hiếp dâm, cưỡng dâm. Ngoài ra, tình trạng học sinh “nghiện” trò chơi điện tử, “chat” cũng gia tăng mạnh và có tính chất phức tạp. Đây đang là mối lo của toàn xã hội và các bậc cha mẹ trong việc quản lý và giáo dục con cái.
* Theo bà, nguyên nhân của thực trạng trên là do đâu?
- Công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng đúng mức. Việc quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động kinh doanh giải trí ở các quán bar, vũ trường, quán karaoke, cửa hàng Internet… thiếu chặt chẽ. Trẻ vị thành niên là lứa tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý, muốn tự khẳng định mình, không muốn phụ thuộc và dễ bị rủ rê. Nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý từ các loại phim, ảnh bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng Internet và ngoài xã hội. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ không chú ý đến sự phát triển tâm, sinh lý của con cái, nuông chiều con cái, không nghiêm khắc trong việc dạy dỗ. Một số trẻ em phải sống trong hoàn cảnh mồ côi hoặc cha mẹ bất hòa, ly thân, ly hôn dẫn đến sự thiếu hụt về mặt tình cảm. Thiếu sự chỉ bảo, quan tâm của gia đình nên những trẻ em này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và lôi kéo vào con đường phạm tội.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh là do giáo dục hiện nay chưa chú trọng dạy học sinh về kỹ năng sống. Hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa gia đình- nhà trường- xã hội ở nhiều nơi còn bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ. Nhiều cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm ở lứa tuổi này, có nơi còn tư tưởng coi nhiệm vụ phòng chống tội phạm là của cơ quan công an.
* Để hạn chế trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, theo bà cần có những giải pháp nào?
- Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những gia đình sống có gia giáo, luôn là tấm gương sáng về mọi mặt cho con cái học tập sẽ hạn chế được tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật. Cùng với gia đình, trách nhiệm của nhà trường, xã hội cần được nâng cao. Cần xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thành một môn học riêng thay vì dạy tích hợp vào các môn học khác như hiện nay.
Các trường học cần kiểm tra, giám sát sinh hoạt của học sinh trong giờ học, các buổi ngoại khóa, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình để thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cũng như những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của học sinh để phối hợp giáo dục, quản lý. Chính quyền các cấp tạo điều kiện cho trẻ em có các hình thức sinh hoạt văn hóa trong sáng, lành mạnh. Phân công cán bộ và các đoàn thể giúp đỡ, giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật ở địa phương khắc phục khuyết điểm, mau chóng tiến bộ, trở thành người có ích. Cần có sự quản lý, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh, giải trí tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các cơ sở vi phạm.
Riêng về phía cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, chúng tôi trang bị cho họ kỹ năng tư vấn để họ biết phương pháp, cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng trẻ mà xử lý tình huống phù hợp.
*Xin cảm ơn bà!
DƯƠNG THU (thực hiện)