Tăng cường đối thoại với ngư dân là cách làm mới được các đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên chú trọng triển khai tại các buổi sinh hoạt tổ tàu thuyền an toàn (TTAT). Cách làm này không chỉ giúp lực lượng BĐBP nắm bắt tình hình nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quần chúng mà còn giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tuyến biển.
Gần dân để phổ biến kiến thức pháp luật được BĐBP Phú Yên chú trọng triển khai. - Ảnh: PHƯƠNG OANH
ĐỐI THOẠI TRỰC TIẾP
Chúng tôi có mặt tại Đồn biên phòng 352 đúng vào ngày đơn vị tổ chức buổi sinh hoạt các tổ TTAT trên địa bàn khu phố 6 (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Ngay từ đầu giờ buổi sáng, 80 chủ phương tiện của 10 tổ đã tập trung về địa điểm họp với tinh thần cởi mở. Mọi người cùng tham gia trao đổi thông tin, chia sẻ tình hình ngư trường và kinh nghiệm làm ăn. Ông Lê Chí, một thành viên tổ TTAT khẳng định: “Đối với nghề biển, việc ra đời của tổ TTAT càng nhiều càng tốt, bởi nhờ mô hình này mà có sự liên kết với nhau để làm ăn”.
Khu phố 6, phường Phú Đông có gần 400 phương tiện nghề cá, trong đó có trên 200 tàu thuyền công suất lớn đánh bắt cá ngừ đại dương. Cũng như hầu hết trên các địa phương khác trong tỉnh, qua 5 năm triển khai mô hình tổ TTAT và đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển phần lớn bà con ngư dân đã có những chuyển biến rõ nét trong việc chấp hành các quy chế, quy định trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, thực tế không chỉ riêng ở khu phố 6 mà trên nhiều vùng biển trong tỉnh cho thấy, trong quá trình khai thác thủy hải sản đã nảy sinh nhiều vướng mắc, song một số bà con không điện trình báo kịp thời cho cơ quan chức năng mà tự giải quyết, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Từ chủ trương lấy thành viên trong các tổ TTAT làm nòng cốt, từ đó xây dựng mối quan hệ gắn kết, trao đổi thông tin lẫn nhau giữa BĐBP với bà con ngư dân để kịp thời giải quyết xử lý các vướng mắc, thời gian qua các đơn vị BĐBP đã đẩy mạnh sinh hoạt tổ TTAT, trong đó hình thức đối thoại là một cách làm khá phổ biến.
CÁC VƯỚNG MẮC ĐƯỢC GIẢI ĐÁP
Thông qua đối thoại cởi mở, nhiều ngư dân đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến, vướng mắc về luật pháp hay báo cáo tình hình phức tạp trong làm ăn mà lâu nay vốn e dè, ngại nói ra. Chẳng hạn ở khu phố Dân Phước (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) qua trao đổi với cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 346, bà con trình bày tình hình các phương tiện nơi khác vào cắt trộm ngư cụ khác của ngư dân trên địa bàn.
Đối với nghề cá xa bờ, có trường hợp phương tiện của ngư dân bị hỏng máy và trôi dạt sang vùng biển các nước, song do không điện về trình báo cho cơ quan chức năng. Mặt khác, vì bất đồng ngôn ngữ không thể giải thích được nên bà con bị các lực lượng chức năng nước ngoài quy tội vi phạm lãnh hải và bị bắt giữ. Tình hình nhân lực lao động trên biển cũng là vấn đề được ngư dân đặc biệt quan tâm. Ngư dân Nguyễn Văn Tâm ở khu phố Đông Tác nói: “Trong khai thác thủy sản nhiều khi thiếu nhân lực, các chủ tàu phải sử dụng lao động mà không nắm rõ nhân thân, thậm chí là những đối tượng hình sự hoặc đã có hành vi vi phạm”.
Qua đối thoại với ngư dân tại tổ TTAT ở Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 344 nắm khó khăn của bà con trên địa bàn khi đến đánh bắt ở các vùng biển tỉnh bạn. Trung tá Lê Văn Chiến, Chính trị viên Đồn biên phòng 344 cho biết: “Do mắc lưới của bà con mình không phù hợp với phương cách đánh bắt của địa phương, rất nhiều ngư dân vào đánh bắt các vùng biển bị ngư dân các tỉnh bạn gây khó khăn. Hoặc, một số bà con bị thiếu một số thủ tục hành nghề bị lực lượng chức năng các địa phương bắt, phạt nặng… Đó là những điển hình các sự vụ mà việc đối thoại thời gian qua đã giúp cho lực lượng BĐBP nắm bắt được. “Với thực tế tại thôn Hòa An, đồn sẽ báo cáo và tham mưu Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh để cùng gặp gỡ, trao đổi tháo gỡ những vướng mắc. Mặt khác, đơn vị cũng sẽ tích cực kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, tạo điều kiện bà con thực hiện đầy đủ các thủ tục, giúp bà con yên tâm làm ăn”, trung tá Lê Văn Chiến cho biết.
Còn trung tá Lê Văn Trưởng, Đồn trưởng Đồn biên phòng 352 thì đưa ra định hướng: Sẽ tăng cường tuyên truyền về phân định các vùng biển, Luật Biên giới quốc gia và Nghị định 161 về Quy chế khu vực biên giới biển cho bà con. Đồng thời, chỉ đạo các trạm kiểm soát của đơn vị khi ngư dân xuất bến thì nhắc nhở bà con thực hiện tốt các quy định hành nghề. Trong khi hành nghề trên biển, nếu gặp bất cứ trở ngại gì phải đàm thoại báo cáo ngay về lực lượng biên phòng để có hướng xử lý. Những nỗ lực trên sẽ không chỉ giúp bà con ngư dân ngày càng yên tâm làm ăn mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong việc phối hợp với lực lượng BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tuyến biển của tỉnh.
PHƯƠNG OANH