Thứ Năm, 28/11/2024 01:48 SA
Để từng bước đẩy lùi HIV/AIDS
Thứ Hai, 30/11/2009 10:41 SA

Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay, Liên Hợp Quốc cùng các cơ quan thường trực Chiến dịch Phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu chọn chủ đề  “Tiếp cận phổ cập và Quyền con người” nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về bảo vệ quyền con người và quyền tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ cho tất cả những người nhiễm, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, hành vi nguy cơ…

 

Gần 30 năm “đương đầu” với HIV, thế giới đã khẳng định: AIDS là một loại bệnh. Vậy thì tại sao những người nhiễm HIV/AIDS ở một số quốc gia lại không được chăm sóc, điều trị một cách bình đẳng, như những người mắc các bệnh khác? Tại sao ngay cả khi còn khỏe mạnh, người nhiễm HIV cũng không được làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình, trong khi những công việc đó không tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác? Tại sao con cái họ không được đến trường, chỉ vì bố mẹ chúng nhiễm HIV? Và tại sao họ phải sống trong sự xa lánh, kỳ thị - một khi bệnh tật đã làm cho họ vô cùng đau đớn?

 

Phát biểu trước lễ công bố chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay, Giám đốc điều hành UNAIDS, ông Michel Sidibe, nói: “Thực hiện tiếp cận phổ cập về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ là một quyền con người cấp bách. Điều quan trọng là hành động ứng phó với AIDS toàn cầu cần phải được đặt trên nền tảng các quyền con người, và sự phân biệt đối xử cũng như các bộ luật mang tính trừng phạt những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV phải được xóa bỏ”.

 

Là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tham gia vào những nỗ lực chung nhằm đảm bảo và thực thi các quyền con người. Riêng trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, luật pháp Việt Nam có những quy định nhằm bảo vệ quyền của người nhiễm HIV. Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 không chỉ quy định các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS mà còn quy định việc chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người nhiễm HIV. Theo đó, người nhiễm HIV có quyền: sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội; được điều trị và chăm sóc sức khỏe; học văn hóa, học nghề, làm việc; được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối… (khoản 1 Điều 4). Luật nghiêm cấm các hành vi: kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV, người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của luật này; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV; từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS… (khoản 3, 4, 5, 9, 10  Điều 8).     

 

Không chỉ bảo vệ quyền được điều trị, chăm sóc, học tập, làm việc… của người nhiễm HIV tại cộng đồng, Luật Phòng, chống HIV/AIDS còn có những quy định về chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV ở các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam. 

 

Trong công tác phòng chống HIV/AIDS, song song với biện pháp đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, các biện pháp can thiệp giảm tác hại đã được triển khai - đặc biệt là trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao - bao gồm tuyên truyền vận động, khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch…, tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV.

 

Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Song cũng phải thừa nhận rằng ở nơi này nơi khác, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Vẫn còn những người phải nuốt nước mắt vào lòng, khi đối diện với nỗi đau bệnh tật và nỗi đau bị xóm giềng, bạn bè đồng nghiệp xa lánh.

Chính vì sợ bị cô lập, bị phân biệt đối xử, một số người nhiễm HIV không dám công khai tình trạng của mình, không được tư vấn, chăm sóc, điều trị kịp thời để cải thiện sức khỏe, và cũng không loại trừ khả năng lây nhiễm cho người khác.

 

Tình trạng trên, tuy không còn phổ biến như trước, song vẫn đặt các cơ quan chức năng, đặt những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS trước những nhiệm vụ nặng nề. Và, vấn đề then chốt vẫn là truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ đến với tất cả những người nhiễm, đặc biệt là những người dễ tổn thương: người tiêm chích ma túy, bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển đổi giới tính, thân nhân của người nhiễm HIV… Bởi vì, thực tiễn cho thấy, việc những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận với các biện pháp can thiệp giảm tác hại là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của HIV.

 

Tiếp cận phổ cập, bảo vệ quyền con người - đó là cách hữu hiệu để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS! 

NAM PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek