Thứ Năm, 28/11/2024 04:28 SA
Chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình ở Hòa Hiệp Nam:
Cần phải thực hiện bền bỉ
Thứ Sáu, 27/11/2009 18:30 CH

Từ 26 - 27/11, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) mở chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đợt 3. Chuẩn bị cho chiến dịch này, cán bộ cùng cộng tác viên dân số - gia đình - trẻ em ở địa phương đã đến từng gia đình để truyền thông. Để chất lượng dân số ngày một nâng cao, công tác này cần phải thực hiện lâu dài, bền bỉ.

 

Truyen-thon091127.jpg

Chị Đỗ Thị Hạnh, cán bộ chuyên trách dân số - gia đình - trẻ em xã Hòa Hiệp Nam tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho một thai phụ ở thôn Thọ Lâm - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG BẮT ĐẦU TỪ DÂN SỐ

 

Trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây của vợ chồng anh Trần Hòa - chị Ngô Thị Phắn ở thôn Đa Ngư, hai cô con gái kháu khỉnh đang đùa giỡn. Thấy khách đến nhà, hai cháu khoanh tay chào rất lễ phép. Ngoài làm ruộng, anh Hòa, chị Phắn còn nuôi tôm, kinh tế gia đình khá ổn định. Tuy vậy, vợ chồng anh quyết định không sinh con thứ ba. Anh Hòa nói: “Chúng tôi không sinh nữa để có điều kiện chăm sóc các con được tốt và có thời gian phát triển kinh tế”. Vợ chồng anh Huỳnh Thái Lực và chị Phạm Thị Ngọc Biên ở thôn Phú Lạc có hai con gái nhưng cũng đã cam kết không sinh thêm con. Chi Biên nói: “Chồng đi biển, vợ buôn bán nên thu nhập cũng khá. Tuy nhiên, tụi tôi muốn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn chứ không để dở dang như ba mẹ chúng”.

 

Những năm trước, do quan niệm cần có con trai để đi biển hay sinh con phải “có nếp có tẻ” nên ở Hòa Hiệp Nam, sinh đẻ không có kế hoạch là chuyện phổ biến. Hệ quả là nghèo và thất học. Thế nhưng, những năm gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền về dân số, cách nghĩ của người dân đã thay đổi. Người có cùng suy nghĩ như vợ chồng anh Hòa, anh Lực khá phổ biến. Tỉ lệ sinh con thứ ba ở xã Hòa Hiệp Nam năm 2007 là 18%, năm 2008 giảm xuống còn 11%, đến nay còn  4%.

 

Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Hòa Hiệp Nam Nguyễn Kỳ Tuấn cho biết: “Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Hòa Hiệp Nam đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua chính là nhờ đội ngũ những người làm công tác dân số và các cộng tác viên ở cơ sở đã sâu sát, biết cách tiếp cận, tuyên truyền để người dân thấy được hậu quả của việc sinh nhiều con. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các biện pháp tránh thai hiện đại và đơn giản đã được cung cấp đến từng người dân. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng biển ngày càng được nâng cao. 

 

Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình tại xã Hòa Hiệp Nam nhằm tuyên truyền, vận động để các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Chiến dịch còn là cơ sở để đạt chỉ tiêu về mức giảm sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ ba. Đây còn là mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, mang lại hạnh phúc, ấm no cho các gia đình. Trước đó, địa phương đã tổ chức giới thiệu 3 gói dịch vụ: mẹ an toàn, chống viêm nhiễm đường sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nhằm thay đổi hành vi cho phụ nữ sinh con một bề, phụ nữ chưa sử dụng biện pháp tránh thai...

 

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Tuy nhận thức của người dân xã Hòa Hiệp Nam về công tác dân số được nâng lên nhưng đâu đó ở địa phương này vẫn còn có những gia đình sinh con thứ ba, vẫn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn sinh con trai để nối dõi tông đường và đi biển. Nhiều gia đình lại cho rằng, họ đủ điều kiện nuôi dạy con nên muốn sinh thêm.

 

Chị Đỗ Thị Hạnh, cán bộ chuyên trách dân số - gia đình - trẻ em xã Hòa Hiệp Nam nói: Có những người rất khó thuyết phục vì họ không có kiến thức, không chịu tiếp thu, có người còn bảo “Tôi đẻ tôi nuôi”. Do vậy, những người làm công tác này phải nỗ lực hết mình, phải thuyết phục bằng được để họ thay đổi hành vi. Khi thai phụ bị tai biến hay con họ bị bệnh, cán bộ giúp đỡ, vận động trợ cấp rồi sẵn cơ hội giảng giải cho họ hiểu. Tuy nhiên, có những trường hợp đành phải “bó tay”.

 

Nhiều người dân ở thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam) ái ngại khi kể chuyện chị Nguyễn Thị Thúy, 36 tuổi, ở thôn này. Đó là cảnh người mẹ mang bụng bầu thường xuyên chở 4 đứa con nhỏ trên chiếc xe đạp không dây thắng, không chân chống chạy loạng choạng trên đường. Bà mẹ ấy hiện có đến 6 đứa con! Chị Đỗ Thị Hạnh phân trần: “Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để vận động, thuyết phục vợ chồng chị Thúy kế hoạch hóa gia đình nhưng không có kết quả. Việc đình sản cho chị Thúy vẫn chưa thực hiện được vì chị bị băng huyết vào lần sinh mới đây”. 

 

Vợ chồng anh Lê Sáu, chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Thọ Lâm thuộc diện hộ nghèo. Nhà cửa tuềnh toàng, trống huơ trống huếch, còn anh chị phải chạy ăn từng bữa cho 5 đứa con nheo nhóc, trong khi việc làm thuê không ổn định. Chị nói: “Khổ lắm. Tội cho mấy đứa nhỏ, thua thiệt rất nhiều so với con người ta. Giờ vợ chồng tôi sợ lắm rồi, không dám sinh thêm nữa…”. Chị đã đình sản sau khi sinh đứa con thứ năm.

 

Chị Đỗ Thị Hạnh bảo: “Công tác truyền thông phải luôn được đẩy mạnh, tiến hành lâu dài, bền bỉ”.

 

MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek