Đến cuối năm 2002, xã Phú Mỡ vẫn còn đến gần một nửa số hộ dân thuộc diện đói nghèo. Vào mùa giáp hạt hằng năm, nhà nước lại phải hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Già làng Ma Nghĩa bảo: Nếu trồng mía, trồng sắn, đậu thì không phải bà con nào cũng được no đủ. Chỉ cần có đám ruộng lúa nước là giải quyết được cái đói.
Già làng Ma Nghĩa báo cáo tham luận trước Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân |
Để làm được điều này chỉ còn cách tập hợp những người có ruộng, có đất và gom số ruộng đất lại đem chia cho dân thì mới thoát được đói. Thời điểm này, toàn thôn Phú Lợi chỉ có khoảng hơn 5ha lúa nước. Phương án được vạch ra là không kể lớn hay nhỏ, già hay trẻ, miễn gia đình có bao nhiêu khẩu thì được chia bấy nhiêu ruộng và được chia đều theo đầu người. Những hộ có nhiều ruộng như Ma Nghĩa, Ma Tý, Ma Kẽm, Ma Phim... cũng không ngoại lệ và được chia bình quân 150m2/người. Già làng Ma Nghĩa nhớ lại: “Mình là già làng nên phải gương mẫu đi đầu. Gia đình tôi có hơn 1ha ruộng lúa nước nhưng cũng được chia như mọi người. Bà con trong thôn, nhà nào cũng có ruộng, với tinh thần có ít hưởng ít, có nhiều hưởng nhiều. Thấy mọi nhà đều no đủ, vui vẻ, đoàn kết là tôi ưng cái bụng lắm”.
Bên cạnh việc chia ruộng cho dân, Ma Nghĩa còn vận động bà con cùng nhau đào hơn 500m kênh mương để dẫn nước về tưới cho ruộng lúa. Có ruộng, có nước nhưng bà con lại “đói” kỹ thuật canh tác. Để giải bài toán này, Trung tâm khuyến nông tỉnh cử cán bộ về thôn Phú Lợi để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào. Tiếp theo đó, năm 2003, thôn Phú Lợi được đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng trạm bơm điện, thế là diện tích lúa nước được mở rộng. Già làng Ma Nghĩa, tâm sự: “Được cử làm già làng, bản thân rất vinh dự và trách nhiệm cũng rất nặng nề. Phải gương mẫu thì bà con mới nghe”.
Ngoài vận động người dân trồng lúa nước, gia đình Ma Nghĩa còn hiến đất để làm đường giao thông, mương thủy lợi… Ông nói: “Phải giải thích cho bà con biết cái lợi mà những công trình này mang lại và cùng nhau hưởng ứng chủ trương Nhà nước đề ra mà không đòi hỏi chế độ đền bù. Những hộ thiếu đói tôi cho mượn gạo, tiền, giống để phát triển sản xuất; hộ quá khó khăn, giúp đỡ luôn không đòi lại”. La O Dũng, trưởng thôn Phú Lợi, cho biết: “Già làng Ma Nghĩa là người luôn gương mẫu, nòng cốt trong xây dựng thôn xóm, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Ông đã giúp nhiều gia đình có ruộng lúa nước để canh tác, vươn lên thoát nghèo như hộ La Mo Ten, La Mo Khó, So Tía, Ây Đung. Nhiều người trong thôn rất biết ơn già làng Ma Nghĩa”.
Ma Việt, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ nhận xét: “Bà con ở đây rất tin tưởng và quý mến già làng Ma Nghĩa. Trước đây nhà Ma Nghĩa nhiều ruộng, nhiều rẫy, nhưng bây giờ đã chia nhỏ ra cho hộ nghèo không có đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình”.
ANH NGỌC