Thứ Bảy, 05/10/2024 04:24 SA
Trách nhiệm của toàn xã hội đối với người nghèo
Thứ Năm, 05/11/2009 16:00 CH

Mỗi năm Chính phủ đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho các chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội.

 

TAY-HOA.091105.jpg

Liên đoàn Lao động Phú Yên trao tặng nhà cho hộ nghèo – Ảnh: KIM LIÊN

 

Cùng với các phong trào, các cuộc vận động Vì người nghèo được tổ chức rộng rãi trong xã hội, và sự nỗ lực vươn lên của chính các hộ nghèo, là những yếu tố quyết định kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo ở nước ta từ 23% năm 2000 xuống còn dưới 13% giữa năm 2009. Hàng trăm nghìn gia đình nghèo được giúp đỡ đã vượt qua khó khăn, vươn lên có mức sống trung bình và khá trong xã hội. Nhiều cách làm hay trong công tác xóa đói, giảm nghèo đã xuất hiện. Cuộc vận động ngày Vì người nghèo hàng năm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ủng hộ quỹ Vì người nghèo từ việc tiết kiệm chi tiêu, trích quỹ phúc lợi và dành ít nhất mỗi người một ngày lương. Cuộc vận động ngày Vì người nghèo đã làm giàu thêm truyền thống nhân ái của dân tộc ta. Trong cuộc vận động ngày vì người nghèo từ năm 2000 đến nay, các đoàn thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước đã ủng hộ quỹ Vì người nghèo các cấp được gần 2.300 tỉ đồng và nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập, hàng chục triệu ngày công để xây dựng, sửa chữa gần 800 nghìn căn nhà đại đoàn kết; đồng thời hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, chăm sóc sức khỏe trợ giúp con em họ học hành, giúp hàng triệu người nghèo cải thiện đời sống…

 

Tuy nhiên cuộc vận động ngày Vì người nghèo vẫn chưa được tổ chức sâu rộng ở một số ngành, địa phương, đơn vị cơ sở. Số tiền quyên góp ủng hộ quỹ Vì người nghèo chưa tương xứng với tiềm năng và quy mô của cuộc vận động. Nước ta còn nghèo, lại phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và thường xuyên bị thiên tai bão lụt, hạn hán, cho nên đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều. Theo thống kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nước ta còn hơn 400 nghìn hộ gặp khó khăn về nhà ở, phải sống trong những căn nhà dột nát. Mặt khác, công tác xóa đói, giảm nghèo chưa thật bảo đảm tính bền vững, tình trạng tái đói nghèo vẫn còn xảy ra. Chỉ mấy cơn bão, lũ vừa qua đã làm hàng chục nghìn gia đình mất nhà cửa, lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn…

 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, người nghèo rất khó tự thân thoát nghèo, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ và sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền ở cơ sở. Những thôn, bản có ít hộ nghèo, thì cần vận động sự giúp đỡ của số đông khá giả, của các đoàn thể, hoặc sự tương trợ “kèm cặp”, hướng dẫn sản xuất, phát triển kinh tế của cán bộ, đảng viên, như nhiều nơi từng làm rất có hiệu quả. Những nơi hộ nghèo còn nhiều, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, rất cần sự tập trung đầu tư mọi mặt của các cấp chính quyền địa phương, kể cả Trung ương để từng bước xóa nghèo.

 

Xóa nghèo, không chỉ là xóa nhà tạm, vì vậy ngoài việc giúp đỡ hộ nghèo có nơi ở ổn định, cần phải có những chính sách đồng bộ đi kèm như: giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và điện thắp sáng; giao khoán bảo vệ rừng, mở lớp dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Chính những chương trình này giúp hộ nghèo có thể xóa nghèo bền vững.

 

Để thực hiêïn thắng lợi mục tiêu năm 2010 xóa nghèo và năm 2020 trở thành nước công nghiệp, không thể không rà soát, đánh giá lại thực trạng hộ nghèo. Cùng với đó, cần sớm bổ sung các chính sách hỗ trợ cho phù hợp và tổ chức những chương trình vận động có sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội… Có như vậy mới hoàn thành chương trình, mục tiêu đã đề ra.

 

Để tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động ngày Vì người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm huy đôïng được mọi nguồn lực về vật chất và tinh thần của toàn xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo; quan tâm giúp đỡ đồng bào nghèo ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, nơi biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai. Đối với các gia đình nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, cần hướng dẫn họ biết cách tổ chức sản xuất và đời sống, giúp đỡ họ tự tin, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Cần thực hiện hiệu quả các dự án xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, chống lãng phí, tiêu cực để mỗi đồng vốn đến hộ nghèo, xã nghèo, vùng nghèo được sử dụng có hiệu quả cao nhất.

 

Cuộc vận động toàn dân tham gia ngày Vì người nghèo là cuộc vận động thường xuyên, liên tục và lâu dài. Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và cuộc vận động ngày Vì người nghèo là góp phần quan trọng, thiết thực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

 

TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cứu dân ở vùng rốn lũ
Thứ Năm, 05/11/2009 15:00 CH
Chống chọi với lũ dữ
Thứ Năm, 05/11/2009 10:00 SA
Hãy cùng chia sẻ nỗi đau
Thứ Năm, 05/11/2009 08:25 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek