Thứ Bảy, 05/10/2024 12:29 CH
Phú Yên cần tự chủ an ninh lương thực trong tình hình mới
Thứ Sáu, 16/10/2009 07:20 SA

Nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tạo ra lượng hàng hóa nông - lâm - thủy sản lớn, bảo đảm lương thực cho dự trữ quốc gia và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước và cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với cả nước, sản lượng lương thực của Phú Yên đạt trên 329.000 tấn/năm, đảm bảo lương thực cho hơn 86 vạn người. Song, đứng trước bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu, vấn đề an ninh lương thực đứng trước nhiều thách thức, mà trước hết là những hiểm họa do biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán...

 

PHÚ YÊN CÓ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC

 

Mục tiêu của chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2010 diện tích đất canh tác lúa duy trì khoảng 4 triệu ha; đến năm 2020 còn 3,6 triệu ha và phải ổn định lâu dài từ sau 2020 đến năm 2050 là 3,5 triệu ha. Sản lượng thóc (lúa) phấn đấu đạt 36,5 triệu tấn vào năm 2010; 39,8 triệu tấn vào năm 2020 và 40,5 triệu tấn vào năm 2030.

Theo quan điểm của FAO, an ninh lương thực được hiểu trên các khía cạnh: khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; mức độ ổn định cung cấp lương thực về số lượng, thời gian, giá cả, chất lượng trong mọi điều kiện; khả năng kinh tế mua được lương thực thực phẩm cần thiết duy trì sức khỏe, nâng cao chất lượng nòi giống; đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe, cân đối dinh dưỡng. Sự thiếu hụt diện tích đất trồng lúa do đất nông nghiệp được lấy để phục vụ những mục đích khác, suy thoái nghèo kiệt đất trồng lúa, ô nhiễm môi trường là những nhân tố đang hàng ngày hàng giờ đe dọa an ninh lương thực. Đặc biệt, Phú Yên có tới hàng vạn người trong nhóm bốn đối tượng người dân thường mất an ninh lương thực là dân cư vùng biển, buôn bán nhỏ, lao động thời vụ hoặc công nhân làm việc không ổn định và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn…

 

Tuy nhiên, xét trên bình diện chung về an ninh lương thực, tỉnh Phú Yên có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực, với sản lượng hàng năm sản xuất ra trên 329.000 tấn, vượt 2,83% mục tiêu kế hoạch đến năm 2010, đảm bảo bình quân 386 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 3,95 triệu đồng/năm (vượt mục tiêu thập kỷ là đến năm 2010, lương thực bình quân đầu người đạt 370 kg/năm).

 

Hiện nay, diện tích gieo trồng các loại cây hằng năm từ hơn 56.000 ha năm 2000 lên hơn 128.000 ha. Diện tích lúa nước trong tỉnh đã phát triển hơn 57.000 ha (tính chung cả vụ đông xuân, hè thu và lúa mùa), với năng suất bình quân của hai vụ lúa chính là đông xuân và hè thu đạt trên 63tạ/ha/vụ (năm 2009), là một trong những địa phương có năng suất lúa cao trong khu vực. Phú Yên cũng đã nỗ lực xây dựng nhiều cánh đồng lúa nước trên các huyện miền núi, vùng cao, trong đó Sơn Hòa phát triển diện tích lúa nước trên 1.100 ha/năm, Đồng Xuân trên 1.200 ha/năm, Sông Hinh trên 950 ha/năm. Các ban ngành, địa phương đã xây dựng thêm nhiều các công trình thủy lợi không chỉ phục vụ tưới cho cây lúa, mà còn tưới tiêu cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như mía, sắn, bắp… Hiện toàn tỉnh phát triển trên 25.660 ha cây công nghiệp ngắn ngày cùng với nuôi trồng thủy sản đã tạo ra nguồn cung cấp hàng hóa lớn cho thị trường, đảm bảo tính sẵn có đối với an ninh lương thực của người dân.

 

ĐỂ AN NINH LƯƠNG THỰC ĐƯỢC BỀN VỮNG

 

Theo ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, nông dân trồng lúa Phú Yên có thu nhập còn thấp do ruộng đất giao cho từng hộ quá ít; thất thoát trong thu hoạch và sau thu hoạch còn cao (14%)… Thực tế này làm cho người trồng lúa nghèo hơn trồng các cây trồng khác, vùng trồng lúa nghèo hơn các vùng khác; việc phân chia lợi nhuận không công bằng trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ chính sách với người trồng lúa, vùng trồng lúa, nhằm giúp cho người trồng lúa “sống được” với cây lúa, gắn bó với cây lúa là nhân tố quyết định đến an ninh lương thực bền vững.

Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trước những nguy cơ gia tăng về thiên tai, dịch bệnh do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới như dân số tiếp tục tăng nhanh, vì thế nhu cầu lương thực trong nước sẽ tăng theo, trong khi đó tốc độ tăng năng suất đang có xu hướng giảm dần, giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… lại tăng cao. Do vậy, vấn đề an ninh lương thực là một yếu tố không thể thiếu được trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội tổng thể của quốc gia.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 6,7% số hộ thiếu đói lương thực. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, dự thảo đề án cũng đưa ra mức phấn đấu chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực vào năm 2012. Đồng thời, nâng cao mức độ an ninh lương thực cho các nhóm có nguy cơ thiếu lương thực; cải thiện tình trạng dinh dưỡng hướng tới cân đối dinh dưỡng và nâng cao mức tiêu thụ calo bình quân hàng ngày lên 2.600 - 2.700 Kcalo. Song song đó, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn dưới 5%; cải  thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng lương thực, phấn đấu đạt mức tiêu thụ bình quân/người vào năm 2020: Mức tiêu dùng gạo giảm xuống còn 100 kg/người/năm và bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng lương thực cho người tiêu dùng.               

 

Nói đến an ninh lương thực, người ta thường nhắc đến những yếu tố: Tự chủ về lương thực, dự trữ quốc gia, xuất khẩu hàng hóa nông phẩm và ổn định kinh tế khi có tình huống xấu. Đối với Phú Yên, theo phân tích của các nhà khoa học, các kỹ sư thuộc ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh, một số điểm yếu cần khắc phục hiện nay là vẫn còn nhiều nông dân trồng lúa không thực hiện theo khuyến cáo của cán bộ khoa học nên năng suất, chất lượng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Hệ thống thu mua, lưu thông lúa gạo còn manh mún, nhỏ lẻ dễ dẫn đến rủi ro cho nông dân… Để vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực luôn đe dọa, cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên cần chủ động giải quyết mọi vấn đề khó khăn đặt ra liên quan đến an ninh lương thực, đồng thời có chiến lược phát triển bền vững, chủ động ứng phó với những biến động trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu. Tỉnh cần có các giải pháp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, kiểm soát tăng dân số và các chính sách về bảo vệ và quản lý đất trồng lúa, hỗ trợ cho người sản xuất lương thực, vùng quy hoạch chuyên sản xuất lúa, dự báo nhu cầu về lương thực... Đặc biệt, chú ý phát triển khoa học công nghệ để thúc đẩy an ninh lương thực; triển khai đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp, chú trọng áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo quản, chế biến lúa. Thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân có ý thức cộng đồng về vấn đề an ninh lương thực; xây dựng những kho lương thực, thực phẩm dự trữ để sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có thiên tai và tình huống xấu xảy ra…

 

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek