Thứ Bảy, 05/10/2024 22:22 CH
An toàn cho tàu thuyền gần bờ:
Canh cánh nỗi lo
Thứ Sáu, 09/10/2009 14:30 CH

Nếu các chủ tàu thuyền công suất lớn khá thận trọng trong việc ra khơi khi mùa mưa bão đến thì sự chủ quan, “liều mình” của chủ các phương tiện gần bờ vẫn là nỗi lo không nhỏ đối với lực lượng chức năng làm công tác quản lý tàu thuyền trên biển. Nắm vững đặc thù của hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Dân Phước (thị xã Sông Cầu) đã tìm những cách làm riêng với mục tiêu bảo vệ an toàn tuyệt đối cho ngư dân trên địa bàn trong mùa mưa bão.

 

BPDP091009.jpg

Hướng dẫn ngư dân các tần số thông tin liên lạc khi gặp sự cố – Ảnh: P.OANH

 

NỖI ĐAU TỪ BIỂN

 

Gần một tuần sau khi cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, chúng tôi về Dân Phước. Trời nắng nhẹ nhưng vịnh Xuân Đài khá im ắng. Những chiếc thuyền lớn vẫn còn đậu ken dày ngay trước khu vực cảng cá. Thiếu tá Phạm Thái Học - Trạm phó Trạm Kiểm soát biên phòng Dân Phước chỉ tay về phía biển, nói: “Từ hôm nghe tin bão số 9, các chủ thuyền giã cào không đi biển. Mấy phương tiện nhỏ vẫn hoạt động nhưng đã dè dặt hơn, vì vừa nghe ngoài biển lại có một cơn bão nữa đang đi vào”. Tôi biết, hiểm họa do bão gây ra trong năm vừa qua vẫn còn ám ảnh ngư dân nơi này. Ngay sát bến cá Dân Phước này, câu chuyện 3 người con trai của ông Nguyễn Văn Cụt bị chết do chìm thuyền trong cơn bão hồi tháng 11/2008 chính là một bài học đau xót về tai nạn thương vong trên biển trong mùa mưa bão. Ở tuổi 80, ông Cụt xót xa, bất lực trước cảnh những đứa cháu đang tuổi đến trường phải bỏ học. Ba người con dâu của ông không nghề nghiệp, không đồng vốn lận lưng, giờ bươn bả ngược xuôi kiếm từng đồng để nuôi con bữa đói, bữa no.

Cũng gặp bão, thuyền đã bị phá nước và chìm nhưng ông Trịnh Văn May ở thôn Mỹ Thành may mắn hơn. Khi tai nạn xảy ra, ông được một chiếc thuyền khác gặp và cứu nên còn sống sót. Thế nhưng khối tài sản hàng trăm triệu đồng của ông đã chìm xuống biển cả. Nhà vốn nghèo, giờ càng túng bấn hơn bởi không còn phương tiện để mưu sinh. Ông May thở dài buồn bã: “Cả đời làm biển, tích góp đóng thuyền, gầy dựng cơ nghiệp, chỉ trong một phút gặp nạn thì mất hết. Giá hôm ấy ráng nằm nhà thì đâu phải như thế này!”.

 

Giờ đây, ông May phải làm thuê kiếm sống trong khi nợ nần chồng chất mà vẫn chưa trả được. Còn những người mãi mãi nằm lại giữa biển khơi, khi tai họa chưa xảy ra, họ không nghĩ rằng với chuyến biển này, mình không thể trở về…

 

THÁCH THỨC VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP

 

Gần 20 năm theo nghề thuyền chài, ngư dân Ngô Văn Lanh hiểu rõ nỗi niềm của người làng biển. Ông nói: “Mỗi lần xảy ra tai họa, mọi người đều thấy “ngán”. Thế nhưng một thời gian sau, đâu lại vào đó. Cái nghèo khó, nỗi lo từng bữa ăn cho con cái có khi còn lớn hơn nỗi sợ hiểm nguy”.

 

Trung úy Nguyễn Văn Trân - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Dân Phước cho biết: Dân Phước có 720 phương tiện với gần 1.500 lao động làm ăn trên biển. Hầu hết bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt gần bờ. Hiện có hơn 80 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên, làm nghề giã cào đôi, hoạt động tuyến lộng từ khu vực Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Các phương tiện này được trang bị phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, radio, định vị. Hơn nữa, ngư dân đang làm ăn hiệu quả, có tích lũy nên khi nghe tin báo bão, họ chủ động neo thuyền nghỉ. “Nếu phần nào yên tâm về việc làm ăn của các chủ phương tiện công suất lớn thì công tác quản lý trên 600 phương tiện đánh bắt ven bờ và làm nghề nuôi trồng thủy sản luôn đau đáu trong chúng tôi những nỗi lo trước mỗi mùa mưa bão” - Trạm trưởng Nguyễn Văn Trân nói. Hầu hết các phương tiện này không trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, hoạt động đã lâu năm nên thân vỏ tàu khá cũ, không chịu được sóng gió mạnh, dễ bị vỡ, máy móc cũ nên thường hỏng hóc. Mặt khác, bà con đánh bắt gần bờ nên nghĩ sẽ đi - về trong ngày và không dự phòng trước các sự cố. Còn bà con làm nghề nuôi trồng thủy sản, trước nguy cơ mất khối tài sản lớn, họ thường bất chấp hiểm họa thiên tai, cố bám giữ lồng bè.

 

Ông Ngô Văn Lanh ở bến cá Dân Phước kể với chúng tôi: “Những mùa trước, anh em ở Trạm Biên phòng Dân Phước chỉ kiểm tra đột xuất thì gần một tháng nay, mỗi ngày các anh đều có một tổ cắm chốt tại bến cá để tuần tra, kiểm tra phương tiện. Tàu thuyền xuất bến không đủ điều kiện an toàn theo quy định, các anh nhất quyết không cho ra khơi. Yêu cầu tối thiểu cho mọi phương tiện ra biển là phải có đầy đủ phao cứu sinh”. Ngoài ra, đối với tàu thuyền lớn, tùy theo quy mô hoạt động mà tổ công tác yêu cầu trang bị đủ các thiết bị như: máy thông tin liên lạc, radio, định vị...”.

 

“Chúng tôi vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, vừa thuyết phục kết hợp với các biện pháp xử lý. Có thể những vấn đề tuyên truyền đã cũ, bà con đã được nghe đi nghe lại nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì dặn dò, nhắc nhở để mọi người tránh chủ quan. Điều cốt yếu là làm sao bảo vệ được bà con” - thiếu tá trạm phó Phạm Thái Học thổ lộ. Bên cạnh việc sẵn sàng tiếp nhận và ứng phó với các sự cố, cán bộ chiến sĩ của trạm này đã thuộc lòng những bước triển khai “phòng”, “chống”. Thiếu úy Nguyễn Văn Tiến nói: Trước mỗi mùa mưa bão, anh em đi về địa bàn để nói chuyện, nhắc nhở bà con. Khi tiếp nhận tin báo bão, trạm trưởng Nguyễn Ngọc Trân có nhiệm vụ soạn thảo ngay bản tin để gửi đài truyền thanh của phường thông báo. Một đội công tác ra túc trực ở bến để kiểm tra, nhắc nhở bà con luôn chuẩn bị các thiết bị đảm bảo an toàn. Khi bão gần vào, anh em trạm ra bến để cùng địa phương tổ chức cho ngư dân đưa phương tiện vào khu neo đậu ở Vũng Chào. Gặp lúc sóng gió quá lớn, tàu thuyền đã được neo đậu vẫn có nguy cơ bị va đập, anh em vào làng vận động những lão ngư có kinh nghiệm ra bãi hướng dẫn cho bà con cách thức neo thuyền cho an toàn. Trước khi bão đến, trạm sẽ phối hợp với địa phương và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức lực lượng tuần tra, cấm các tàu thuyền ra biển và đưa phương tiện cứu hộ ra tận các lồng bè để kiểm tra, vận động ngư dân vào bờ.

 

“Mùa mưa bão đã đến, nguy cơ tai nạn tàu cá bắt đầu gia tăng. Anh em xác định: “Có làm gì thì làm, vấn đề quan trọng nhất thời điểm này vẫn là phải nắm vững tình hình, bám sát địa bàn, kịp thời ứng cứu để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân khi có bất trắc” - thiếu tá Phạm Thái Học tâm sự.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek