Chủ Nhật, 06/10/2024 13:24 CH
Bão số 9 gây thiệt hại nặng
Thứ Ba, 29/09/2009 18:47 CH

Trưa và chiều 29/9, bão số 9 với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức 103- 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14, đã đổ bộ vào miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Phú Yên là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão.

 

bl1-090929.jpg
Ngư dân xã An Hải (Sông Cầu) đã kéo tàu thuyền lên bờ đảm bảo an toàn - Ảnh: N.LƯU

 

TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ KHẨN CẤP

 

Bão đi lệch về phía nam, Phú Yên bị ảnh hưởng trực tiếp

 

Sáng cùng ngày, bão số 9 có xu hướng đi lệch về phía nam khiến Bình Định, Phú Yên là những tỉnh mới nhất chịu ảnh hưởng của cơn bão, khác với dự báo ban đầu. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên triển khai mọi biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản, phương tiện, các công trình. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Bão chuyển hướng khiến tâm bão lệch 40- 50km so với dự báo ban đầu. Do vậy, các tỉnh Bình Định, Phú Yên bị ảnh hưởng trực tiếp của gió lốc mạnh, mưa lớn, sóng biển dâng cao. Vùng tâm bão được xác định đổ vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi”. Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Phú Yên là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão số 9, có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, xuất hiện mưa lớn.

 

HOÀI THƯƠNG

Sáng 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại do bão số 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành chức năng có biện pháp thông tin, chỉ đạo công tác phòng chống ảnh hưởng bão số 9 với tinh thần quyết liệt, cảnh giác cao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các chủ đầu tư… khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão số 9, lưu ý tập trung kiểm tra các vùng xung yếu, dọc các con sông lớn, ven núi, vùng có nguy cơ sạt lở đất, triều cường, các công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập, nhà xưởng, ao đìa, lồng bè nuôi trồng thủy sản… để có biện pháp di dời, gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn.

 

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn phối hợp với chủ các hồ thủy điện trong việc điều tiết xả lũ, thông báo cho nhân dân sớm thời điểm, lưu lượng xả lũ để nhân dân biết, chủ động phòng tránh; phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ của Phú Yên tránh bão. Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trường (nhất là bậc mầm non, tiểu học) căn cứ vào điều kiện thực tế chủ động cho học sinh được nghỉ học để đảm bảo an toàn. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong điều kiện bão lụt. Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc; sẵn sàng triển khai kế hoạch cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chỉ đạo.   

  

Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến ngày 29/9, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ 1.900-3.000m3/s, dự kiến trong 12-24 giờ tới tăng thêm lưu lượng xả lũ 3.500-4.000 m3/s. Mực nước sông Ba Hạ có khả năng trên mức báo động cấp I-II tại trạm Phú Lâm, riêng trạm Củng Sơn trên mức báo động cấp II.

 

BÃO GÂY THIỆT HẠI TẠI NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG

           

Nhiều khu vực ở Phú Yên bị mất điện. Theo Điện lực Phú Yên, trong ngày qua nhiều khu vực ở Phú Yên đã bị mất điện do gió lớn làm cây đổ vào đường dây 22kV, trụ điện bị ngã. Nhiều khu vực thuộc các phường Phú Lân, Phú Thạnh, Phú Đông (TP Tuy Hòa), xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), xã Xuân Lộc, Xuân Hải, Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu) đã bị mất điện.

 

cau-gay1-090929.jpg
Trụ điện đổ ngã làm gãy lan can cầu Đà Rằng (cũ) - Ảnh: N.LƯU

 

Các tuyến giao thông ĐT644 (từ thị xã Sông Cầu đi huyện Đồng Xuân), ĐT647 (từ xã Xuân Phước đi xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân), ĐT649 (từ thị trấn Hai Riêng đi xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) bị tắc giao thông cục bộ do nhiều cây ngã chắn ngang đường. Lực lượng tuần đường đã tổ chức phát dọn tạm thời mở lối cho xe máy có thể qua lại.

 

Tại TP Tuy Hòa, nhiều cây xanh bị ngã đổ. Ông Huỳnh Kim Toàn- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà- Công trình đô thị TP Tuy Hòa, cho biết, gió lớn đã làm cho nhiều cây xanh ở ven đường phố TP Tuy Hòa bị trốc gốc ngã đổ. Trong đó, có 20 cây bị ngã hẳn, tập trung ở khu vực công viên Diên Hồng; ở một số đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Lê Lợi… khoảng 50 cây khác bị tét cành, gãy nhánh rơi xuống lòng đường và trước mặt một số nhà dân. Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà- Công trình đô thị TP Tuy Hòa đã cử lực lượng, tổ chức dọn dẹp cây đổ nhưng do chỉ có một xe thay nên công việc diễn ra rất chậm.

 

bl2-090929.jpg
Hàng chục cây xanh bị đổ ngã ở trung tâm TP Tuy Hòa - Ảnh: N.LƯU

 

Tại thị xã Sông Cầu, đến chiều 29/9, bão đã làm sập 20 ngôi nhà, tập trung tại các xã Xuân Cảnh, Xuân Hòa, Xuân Hải, Xuân Bình. Ngoài ra, 116 bè nuôi tôm hùm ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương bị đứt phao chìm, 5ha nuôi tôm thẻ chân trắng 2-2,5 tháng tuổi ở xã Xuân Cảnh bị vỡ đìa.

 

Tại huyện Tuy An, đến chiều ngày 29/9, tại xã An Hiệp có hai ngôi nhà bị sập, không có thiệt hại gì về người. Triều cường cùng với nước sông lên cao đã làm sạt lở một đoạn đường đi vào thôn An Vũ, xã An Ninh Đông. Điểm sạt lở này có chiều dài hơn 10m và đã ăn sâu vào đến chân tường rào của Đồn biên phòng 348. Đồn biên phòng 348 đã dùng bao cát để khắc phục điểm sạt lở này. Hiện nước các con sông đang lên nhanh, triều cường lớn nên khả năng đoạn đường này sẽ bị sạt lở nặng thêm làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong vùng. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy An đã chỉ đạo các địa phương ven biển huy động lực lượng xung kích, ứng trực 24/24 giờ và có phương án để khắc phục triều cường gây sạt lở.

 

bl-090929.jpg
Ngôi nhà của ông Chu Sĩ Phước (Sông Cầu) bị đổ ập do bão - Ảnh: N.LƯU

 

Tại huyện Đồng Xuân, nhiều vùng dân cư bị chia cắt. Từ sáng sớm ngày 29/9, các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, Xuân Quang 2, Xuân Quang 1, Phú Mỡ bị cô lập hoàn toàn vì ĐT 641, đi từ Chí Thạnh ( Tuy An) - thị trấn La Hai bị chia cắt. Tại mố cầu La Hai, nước ngập sâu 1m, thôn Tân Thọ (xã Xuân Sơn Bắc) bị cô lập hoàn toàn do suối cầu Cây Sung bị ngập.

 

Tại huyện Sơn Hòa, gió lớn đã làm nhiều cây xanh bị ngã đổ. Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn huyện Sơn Hòa có gió to kèm theo mưa lớn đã làm nhiều cây xanh bị tróc gốc ngã đổ, gây cản trở giao thông, làm đứt đường dây điện hạ thế ở thị trấn Củng Sơn, gây mất điện cục bộ nhiều giờ liền. Gió to cũng đã làm một số ngôi nhà tạm bợ bị bóc tole, trần nhà.

 

N.LƯU-H.TRUNG-H.THƯƠNG-P.NAM-H.NAM-N.CHUNG-K.NHO

 

Nhiều tàu đánh cá bị sóng đánh chìm

 

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết, đến 16g ngày 29/9, còn 75 tàu cá với 753 ngư dân Phú Yên đang còn ở ngoài khơi. Trong đó, có 65 tàu cá với 663 lao động hành nghề câu cá ngừ đại dương đang hoạt động ở vùng biển từ 14 độ vĩ bắc trở xuống phía nam; 10 tàu cá với 90 lao động hành nghề giã cào, mành tôm, pha xúc ven bờ ở các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Ngoài ra, còn có 75 lao động trên 7 tàu cá (đều là ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa) hành nghề đánh bắt xa bờ ở tọa độ 5 độ 40 phút vĩ độ bắc-112 độ 40 phút kinh độ Đông, đang vào tránh bão tại đảo Bắc Lu Ca (Malaisia).

 

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thị xã Sông Cầu, gió to sóng lớn đã làm 12 chiếc tàu ở địa phương này bị chìm, trong đó  có một chiếc trôi luôn ra biển không tìm thấy, chiếc tàu của ông Lê Văn Bảy ở Xuân Hòa bị sóng đánh vỡ.

 

L.VIỆT-P.V

 

Triều cường uy hiếp Xuân Hải

 

Tole bay, tường gạch đổ nát, căn nhà mới xây trống huơ, trống hoát… trước cơn mưa lớn và gió lốc thông thốc – đó là cảnh tượng đang xảy ra trước mắt chúng tôi vào gần trưa 29/9 tại ngôi nhà của ông Chu Sĩ Phước ở thôn 2, xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu). Ông Phước đang đội mưa chằng chống vách tường còn lại, cho biết: “Nhà cũ của gia đình tôi bị giải tỏa để làm khu du lịch sinh thái. Tôi mới xây căn nhà này chưa xong thì cơn mưa, bão này gây đổ ập. Nếu xây lại cũng phải tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Cũng may vợ và con đã di tản trước nếu không thì không biết điều gì sẽ xảy ra…”.

 

39 hộ với 387 người ở thôn 2 cũng đang đối mặt với triều cường. Trong đó, có 12 hộ với 48 người ở trong những ngôi nhà nằm ngay vùng có nguy cơ trực tiếp bị triều cường uy hiếp. Chị Nguyễn Thị Hòa đang đứng ngay chân sóng nói với chúng tôi: “Đêm qua, sóng cao 2 – 3m, triều cường đã đánh vào sát chân tường nhà của dân ở đây. Bà con đã đưa người già, trẻ em đi lánh nạn ở xóm trên quốc lộ 1A. Riêng gia đình tôi đã đưa hai cháu ở nhờ nhà người thân và di chuyển chiếc tàu thuyền vào đầm Cù Mông để neo đậu tránh trú bão an toàn. Những người khỏe mạnh đều ở tại đây để đối phó với triều cường và bảo vệ tài sản”.

 

Ông Nguyễn Thành Nhân- Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hải- cho biết lực lượng xung kích của xã, các thôn gồm 34 người đã ứng trực 24/24 để sẳn sàng sơ tán người ở vùng triều cường. Lực lượng thanh niên xung kích đã chằng chống, dùng 50 bao cát đặt lên mái để bảo vệ tole lợp tại trường mẫu giáo.

 

NGUYÊN LƯU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek