Thứ Ba, 08/10/2024 01:18 SA
Xây dựng các mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Thứ Sáu, 04/09/2009 19:00 CH

SỰ CẦN THIẾT CỦA MÔ HÌNH PHÒNG CHỐNG TNTT

 

Giảm tỉ lệ tai nạn và giảm mức độ gây thương tích là góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm tải và chi phí y tế, đảm bảo cam kết quốc tế về thực hiện các quyền trẻ em, thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 trên địa bàn tỉnh. Do đó, làm thế nào để phòng tránh tai nạn thương tích (TNTT) là một yêu cầu bức thiết.

 

Trước đây, người ta quan niệm rằng tai nạn không phòng tránh được, nhưng trên thực tế, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh tai nạn là có thể phòng tránh được nếu chúng ta quan tâm và biết cách. Để phòng tránh các loại TNTT cho trẻ, cần phân tích và tìm hiểu các nguyên nhân. Có nhiều nguyên nhân làm trẻ bị TNTT nhưng nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất (51,22%) là trẻ  thích nghịch, tò mò; tiếp đến là do bất cẩn phương tiện (27,38%), do không người trông coi (19,04%), do địa phương không cảnh báo nơi nguy hiểm để các em tránh (6,95%)…

 

truyen-thong-tntt090904.jpg

Truyền thông về các mô hình phòng chống TNTT trẻ em cho người dân ở huyện Phú Hòa  - Ảnh: T.THẢO

 

NHỮNG MÔ HÌNH PHÒNG CHỐNG TNTT

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20 trường hợp trẻ em bị chết do đuối nước, giao thông, điện giật, súc vật cắn, đặc biệt có một trẻ bị xâm hại tình dục do người lớn gây ra.

Trên cơ sở phân loại tai nạn theo cơ cấu, theo mức độ tổn thương, theo tuyến điều trị, nhóm tuổi, giới tính, vùng địa lý, những hậu quả của nó ảnh hưởng như thế nào đến học tập của trẻ…, xây dựng những mô hình phòng chống thích hợp. Qua phân tích số liệu, khi trẻ bị TNTT thì chỉ có 0,35% là không có thương tích, tỉ lệ chết 7,78%, gãy xương chi 51,01%, tổn thương phần mềm 28,28%, chấn thương sọ não 2,92%, mất một phần cơ thể 0,97%, còn lại là những tổn thương khác. Trẻ em nông thôn bị tai nạn nhiều hơn trẻ em thành thị, trong khi kiến thức về phòng chống tai nạn ít hơn. Do đó, cần phải xây dựng những mô hình phòng chống TNTT cho trẻ em ngay tại cộng đồng. Cụ thể, tập trung xây dựng môi trường an toàn tại nơi trẻ sinh sống, sinh hoạt, học tập. Ở lứa tuổi từ 1-6, trẻ thường bị té ngã, bỏng, bị súc vật cắn. Do đó, mô hình ngôi nhà an toàn là rất phù hợp. Điều kiện cho trẻ an toàn với mô hình này là phải luôn có người trông coi trẻ, không để sàn nhà bị ướt, phải có rào chắn với các nơi nguy hiểm. Để phòng bỏng tốt nhất, các phích nước sôi, thức ăn nấu nóng, bàn ủi… phải đặt trên cao, xa tầm tay trẻ. Nguy hiểm nhất là tai nạn điện giật nên các ổ cắm, dây điện phải được bịt kín và thường xuyên kiểm tra độ an toàn. Ngoài ra, cần quan tâm dặn dò trẻ không chơi, chọc phá súc vật.

 

Khi bắt đầu đi học, trẻ cần một ngôi trường an toàn. Đây là nơi trẻ đến học tập hàng ngày nên cần an toàn tuyệt đối. Trước tiên là nhà trẻ an toàn, có các phòng chức năng riêng biệt, phân công các cô theo từng phần việc. Ngành Giáo dục cần tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn, chuyên môn của người giữ trẻ…Tiếp đến là trường mẫu giáo an toàn. Cần chú ý các thiết bị vui chơi trong khuôn viên trường không bị hư hỏng, không quá cao, trơn trợt và nhất thiết phải có sự hướng dẫn của cô giáo. Mô hình trường tiểu học và trung học cơ sở an toàn phải được chú trọng nhất là hệ thống nước uống, nhà vệ sinh, thức ăn vặt… để phòng tránh ngộ độc, té ngã. Bên cạnh đó, cần trang bị những kiến thức giữ an toàn cho trẻ như tránh các trò chơi nguy hiểm, phòng tránh đuối nước, súc vật cắn, thực hiện giao thông an toàn…

 

Còn tại cộng đồng, cần chú ý xây dựng những khu vui chơi giải trí an toàn. Hiện nay, khu vui chơi giải trí ở địa bàn các xã không nhiều, điều này góp phần làm cho tai nạn trẻ em tăng lên. Một khi được trang bị các thiết bị như: đu quay, bập bênh, sân chơi đa năng… thì cần kiểm tra độ an toàn thường xuyên. Môi trường xóm làng địa phương cũng rất cần độ an toàn cao. Đó là, đường đi không bị ổ gà, không có gạch đá, ve chai vứt bừa bãi, trang bị đủ ánh sáng vào ban đêm. Nếu đường có sông, suối phải có cầu, kiểm tra giếng lạng, ao hồ, các đường dây điện cao thế…

 

Tạo một môi trường an toàn để trẻ phát triển toàn diện là trách nhiệm thuộc về người lớn chúng ta. Nếu trong gia đình là ông bà, cha mẹ, trong trường học là các thầy cô giáo, ở khu vui chơi thì người phụ trách điểm vui chơi, tại cộng đồng là các bộ phận chuyên trách trẻ em và tiếp đến là các thành viên khác. Đặc biệt, kiến thức về phòng chống TNTT cho trẻ thì tất cả mọi người ai cũng phải biết để xử lý những sơ cứu ban đầu và giúp giảm tối đa những tổn thương cho trẻ.

           

PHẠM THỊ TƯƠNG LAI

Phó Giám đốc Sở LĐ - TB - XH Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek