Thứ Ba, 08/10/2024 03:32 SA
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân:
Còn nặng về tuyên truyền một chiều trong phòng chống HIV/AIDS
Thứ Ba, 01/09/2009 14:00 CH

Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này vẫn còn những bất cập cần được điều chỉnh kịp thời. Báo Phú Yên đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân xoay quanh những vấn đề này.

 

Tap-huan-HIV.090831.jpg

Tập huấn về truyền thông trực tiếp cho nhóm Giáo dục viên đồng đẳng TP Tuy Hòa - Ảnh: M.CHÂU

 

* Trong thời gian qua, các hội, đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động của tổ chức họ. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc lồng ghép này?

 

- Đấy là việc rất tốt, là điều mà chúng ta mong muốn hướng tới, vì qua đó có thể tạo ra sự quan tâm chú ý của đoàn viên, hội viên đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nếu lực lượng phòng chống HIV/AIDS cung cấp kiến thức, nâng cao kỹ năng cho cán bộ các hội, đoàn thể ở địa phương để họ đứng ra tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đơn vị của họ, thì hiệu quả sẽ được nâng cao và có sức lan tỏa nhanh hơn. HIV/AIDS không chỉ là vấn đề y tế mà là tổng hợp của nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, tâm lý, đạo đức, pháp luật… Vì vậy, chỉ lực lượng phòng chống HIV/AIDS làm thì không thể thành công được. Cần làm cho phòng chống HIV/AIDS trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, các đoàn thể thì mới có kết quả. Bài học kinh nghiệm ở một số nước làm giảm được sự lây lan của HIV đã chỉ ra như vậy.

 

* Theo ông, lực lượng cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách phòng chống HIV/AIDS đã đủ tầm để đáp ứng yêu cầu của công việc trong giai đoạn hiện nay chưa?

 

- Năm 2005, Cục Phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, từ đấy, các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được thành lập. Phòng chống HIV/AIDS là một hoạt động đặc thù, bao gồm rất nhiều lĩnh vực: Bắt đầu từ truyền thông vận động nhân dân tham gia (mà truyền thông vận động đã là một công việc hết sức khó khăn) cho đến việc tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao, chăm sóc người nhiễm HIV, giữ bí mật cho họ ra sao, chống kỳ thị phân biệt đối xử, điều trị, hỗ trợ họ như thế nào… Tất cả những công việc ấy đều cần có kiến thức, kỹ năng và đều cần có cái nhìn tổng thể, kết nối được các mặt hoạt động trong lĩnh vực phòng chống AIDS và kết nối các hoạt động của lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS với các lĩnh vực kinh tế xã hội khác… Trong khi đó, theo một nghiên cứu đánh giá mới đây của Cục, thì cán bộ phòng chống HIV/AIDS ở các cấp hiện nay phần lớn là mới, nhiều người chưa có kinh nghiệm, số người có trình độ học vấn đại học và trên đại học chưa nhiều, số lượng cũng chưa được bố trí đủ ở nhiều nơi… Chính vì thế, Cục đã tham mưu và Bộ Y tế đã đồng ý trình Chính phủ một đề án tăng cường năng lực cho các trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh.

 

* Truyền thông đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, có những bất cập nào trong truyền thông cần phải được điều chỉnh, thưa ông?

 

- Ở lĩnh vực công tác nào, truyền thông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trên lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS cũng vậy. Muốn người dân thay đổi hành vi thì trước hết phải cung cấp kiến thức cho họ. Sau đó họ mới thay đổi thái độ, mới thực hiện những hành vi an toàn. Qua quan sát của tôi - điều này cần có đánh giá tiếp theo - hiện nay chúng ta vẫn làm dưới dạng tuyên truyền nhiều hơn, tức là truyền thông một chiều. Những người có kiến thức về HIV/AIDS nói lại cho những người chưa biết, mà chưa có sự tham gia của đối tượng truyền thông. Báo cứ đăng, đài cứ đọc, truyền hình cứ phát, những người làm truyền thông cứ đến các hội nghị hội thảo để nói, nhưng ít có đánh giá nào để biết được bao nhiêu người nghe những thông tin về HIV, và họ nhìn nhận các thông tin này như thế nào. Đấy là cái khó của việc truyền thông hiện nay.

 

Cái khó thứ hai là lực lượng truyền thông. Người làm truyền thông phải vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng. AIDS là một bệnh, nên không phải ai cũng có thể nói về HIV/AIDS được. Muốn nói về HIV/AIDS phải được tập huấn bài bản. Muốn hướng dẫn phòng bệnh thì phải nói đúng. Nếu nói sai, người ta thực hiện sai thì thà không nói còn hơn. Việc tập huấn, cung cấp tài liệu, cập nhật kiến thức cho lực lượng cán bộ truyền thông cũng không dễ dàng, chúng ta chưa đủ nguồn lực để làm. Mặt khác, người làm truyền thông phải có kỹ năng, muốn có kỹ năng phải làm nhiều, phải rút kinh nghiệm nhiều, nghĩa là phải rèn luyện. Nhưng trên thực tế, không có nhiều người muốn làm công tác truyền thông. Đó là chưa nói đến việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Cái khó tiếp theo và muôn thuở là thiếu vật tư, trang thiết bị, phương tiện truyền thông. Cho nên hiện nay, hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được tiến hành rất nhiều, người dân có kiến thức tốt, song vẫn còn chung chung, chưa đủ để làm cơ sở cho việc thay đổi hành vi, một số người chưa sử dụng kiến thức ấy để phòng tránh lây nhiễm...

 

* Xin cảm ơn ông! 

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek