Thứ Ba, 08/10/2024 07:23 SA
Con đường nghĩa tình
Chủ Nhật, 30/08/2009 07:00 SA

Những ngày giữa tháng 8, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 344 hành quân về thôn 1, xã Xuân Hải (huyện Sông Cầu) thực hiện kế hoạch mở đường lên vùng Gò Nứa. Con đường được hình thành không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, mà còn thắt chặt nghĩa tình quân dân nơi vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.

 

MO-DUONG090828.jpg

Bộ đội biên phòng Đồn 344 giúp dân mở đường lên Gò Nưa – Ảnh: P.OANH

 

MỞ ĐƯỜNG LÊN GÒ NỨA

 

Từ UBND xã Xuân Hải, đoạn đường vào thôn 1 không xa lắm nhưng cái nắng nóng gay gắt giữa tháng 8 trên vùng đất cằn khô này khiến chúng tôi chếnh choáng. Vào đến trung tâm thôn, chúng tôi may mắn gặp ngay trưởng thôn Trịnh Ngọc Lân khi ông vừa từ công trình “mở đường lên Gò Nứa” trở về. Những dòng mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen không che lấp nét rạng ngời phấn chấn của người trưởng thôn. Ông Lân hồ hởi khoe: “Ngày trước, để lên được Gò Nứa phải mất gần hai tiếng đồng hồ, khi vòng xuống ghềnh, lúc lại băng đồi. Mấy ngày nay, đường mở, xe máy chạy băng băng. Lên đến tận suối gần bốn cây số mà cả đi và về chỉ mất hơn 10 phút”. Vừa nói, ông Lân vừa đưa ngón tay chỉ lên trên mặt chiếc đồng hồ như thể một lần nữa khẳng định chắc chắn điều mình bộc bạch và mời chúng tôi đi tham quan con đường mới mà ông luôn miệng gọi bằng cái tên: “Con đường tình nghĩa Gò Nứa”.

 

Không đầy hai phút sau khi rời xóm, một con đường mới mở đi băng qua những gò đồi và những vườn cây hiện ra trước mắt chúng tôi. Hai bên đường vẫn còn ngổn ngang những cây cối mới được chặt bỏ. Giữa lòng đường là lớp đất đá vừa được san lấp. Ông Lân vẫn không nén được vẻ  vui mừng và xúc động khi trò chuyện. Ông khẳng định: “Con đường mở qua đây là sự lựa chọn tối ưu, vừa thuận tiện để đi lên Gò Nứa vừa có thể xuống ghềnh, lại ít lấn vào rẫy và vườn cây của dân”. Để mở ra con đường này, Ban chỉ huy Đồn biên phòng 344 đã ba lần về đây, cùng với Ban nhân dân thôn tiến hành khảo sát, tính toán sao cho phù hợp với sức lực và phương tiện thủ công, vừa tiết kiệm của dân, lại đạt hiệu quả lớn nhất.

 

TÌNH ĐẤT, TÌNH QUÂN DÂN

 

Nằm ở phía nam dưới chân dãy núi Cù Mông, thu nhập của 3/4 cư dân thôn 1, xã Xuân Hải chủ yếu dựa vào trồng trọt ở vùng đồi Gò Nứa và làm đìa khu vực đầu nguồn đầm Cù Mông. Thế nhưng, để đi lại bà con nơi đây phải băng qua đất vườn, gò đồi hoặc leo qua những ghềnh đá cheo leo ven theo đầm. Mọi vật dụng muốn vận chuyển đều dùng đôi vai. Khó khăn và hiểm nguy về đường đi lối lại đã khiến cho nhiều gia đình bỏ vườn, bỏ rẫy. Bác Nguyễn Thuận, một cán bộ thời kỳ kháng chiến  ở địa phương cho biết: “Từng lên Gò Nứa phát rừng làm rẫy, làm vườn, làm đìa tôm nhưng tôi đã phải bỏ hết. Bởi không có đường đi nên chi phí cho việc vận chuyển phân, giống, máy móc, nông sản bằng xuồng, đò lớn quá. Ngay cả khi muốn chở một tấn vôi sát trùng đìa tôm cũng phải thuê đò chở, mất 30.000 đồng, thu chưa chắc đã đủ bù chi. Hơn nữa điều kiện đi lại không thuận tiện nên việc trông coi vườn, rẫy không thường xuyên, đến khi thu hoạch bị thất thoát khá lớn”.

 

Cũng bởi vậy mà đã gần 35 năm sau chiến tranh, vùng đất được mệnh danh là cái nôi của cách mạng này vẫn mãi bị cái nghèo đeo bám. Toàn thôn có 343 hộ thì hiện có 56 hộ nghèo và trên 170 hộ cận nghèo. Đây cũng là thôn nghèo nhất của xã nghèo Xuân Hải.

 

Trong mục tiêu hướng về những địa bàn khó khăn, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 344 đã tìm đến với bà con thôn 1. Thiếu tá, Chính trị viên Lê Văn Chiến tâm sự: “Quyết tâm giúp người dân thôn 1 có điều kiện đi lại làm ăn đã thôi thúc chúng tôi. Dù làm việc liên tục trong môi trường thời tiết nắng nóng nhưng anh em không hề cảm thấy mệt mỏi, ngược lại luôn muốn tăng thêm giờ để hoàn thành con đường sớm hơn kế hoạch”.

 

Những ngày bộ đội biên phòng về mở đường cũng là những ngày người dân nơi đây rộn ràng trong niềm vui và hạnh phúc. Thanh niên trong thôn, trong xã và nhiều người dân đã tự nguyện bớt đi mấy ngày làm kiếm sống để cùng bộ đội mở đường. Con đường mở ra đến đâu, bà con sẵn lòng hiến đất, kể cả chặt bỏ đi những cây ăn trái lâu năm đang là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trưởng thôn Trịnh Ngọc Lân cho biết, có sáu gia đình đã tự nguyện hiến 490 m2 đất, chặt bỏ 295 cây ăn quả lâu năm để làm đường mà không đòi một đồng tiền đền bù.

 

Khi tuyến đường nối liền khu dân cư thôn 1 và Gò Nứa vừa thông, nhiều cụ già trong thôn không nén được niềm vui mừng. Có những cụ đã ngoài 70 tuổi vẫn nhất mực gọi con cháu đưa xe chở lên trên suối để tận mắt nhìn thấy toàn bộ con đường vừa mở. Cụ Trịnh Sở hào hứng thổ lộ: “Ngày trước cả làng này, nhà nào cũng có người lên núi Gò Nứa này để tham gia kháng chiến. Vậy nhưng gần 35 năm sau chiến tranh vẫn không có con đường để lên xuống mà làm ăn. Con đường này tuy chỉ là đường đất, làm thô bằng tay, chân chứ chẳng có máy móc gì nhưng cả cuộc đời bác chưa hình dung nó có được. Giờ có đường để chở vật liệu, phân bón, hàng nông sản, xuống được dưới đầm để làm đìa nuôi tôm, nay mai chắc chắn con cháu thôn 1 này sẽ vượt qua được cái nghèo, cái khó mà vươn lên.

 

 

 

Ghi chép của PHƯƠNG OANH - MINH QUỐC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek