Thứ Tư, 09/10/2024 07:32 SA
Kết nối thông tin để giảm thiểu tai nạn trên biển
Thứ Sáu, 14/08/2009 11:00 SA

Duy trì kết nối thông tin liên lạc nhằm kịp thời ứng cứu tai nạn trên biển là một trong những giải pháp được Bộ đội biên phòng Phú Yên tăng cường triển khai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều cản trở từ phía ngư dân.

 

thong-tin-lien-lac.090814.jpg

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thông tin liên lạc lực lượng Bộ đội biên phòng Phú Yên – Ảnh: X.HIẾU

 

THIỆT HẠI NẶNG VÌ THIẾU THÔNG TIN

 

Hoạt động khai thác thủy sản xa bờ ở Phú Yên đang phát triển mạnh với gần 600 phương tiện công suất lớn, thu hút hơn 5.000 lao động. Trước yêu cầu phát triển, nhiều ngư dân đã đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, lắp đặt thêm các trang thiết bị, mua sắm ngư cụ để nâng cao hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, phần lớn bà con vẫn sử dụng phương tiện có thân vỏ tàu cũ được cải hoán, máy cũ sửa chữa nhiều lần nên không chịu được sức mạnh của sóng to gió lớn. Một số tàu thuyền không trang bị đủ các loại thiết bị đảm bảo an toàn hàng hải, đặc biệt là máy đàm thoại để thông tin liên lạc. Nhiều tai nạn xảy ra trở thành gánh nặng của ngư dân. Thống kê từ Phòng Quản lý biển Bộ đội biên phòng Phú Yên cho thấy, chỉ trong năm 2008, toàn tỉnh đã xảy ra 92 vụ tai nạn tàu thuyền, làm chết và mất tích 42 người, bị thương sáu người; có 67 phương tiện bị chìm hoặc hư hỏng nặng, thiệt hại trên hai tỉ đồng.

 

Thực tế cho thấy, khi tai nạn xảy ra, một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai tốt việc ứng cứu người, phương tiện bị nạn là lực lượng chức năng cần phải có thông tin một cách kịp thời và chính xác vị trí phương tiện bị nạn. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều nguyên nhân gây hạn chế việc nắm bắt thông tin khiến lực lượng chức năng khó có thể kịp thời ứng cứu, dẫn đến thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho ngư dân.

 

Trung úy Nguyễn Ngọc Ry, Trạm phó Trạm kiểm soát Đà Rằng, phân trạm phường 6 (Đồn BP 352) cho biết: “Từ lúc khởi phát nghề câu cá ngừ đại dương đến nay, đã có một số phương tiện ở phường 6 và Đông Tác bị mất tích. Đến khi ngư dân một số địa phương khác phát hiện xác vỏ thân tàu hay trôi dạt báo cho lực lượng chức năng thì mới xác định được phương tiện đã bị nạn. Trung tá Lê Quang Trưởng, Đồn trưởng Đồn biên phòng 352 khẳng định: Bên cạnh điều kiện khách quan do chủ phương tiện không đủ năng lực trang bị máy móc, thiết bị thông tin hiện đại, điều đáng nói là do xu hướng cạnh tranh trong làm ăn, nhiều ngư dân đã giấu tần số thông tin liên lạc để “độc quyền” ngư trường khai thác, nhất là đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Bởi theo họ, nếu đăng ký tần số chẳng khác nào tự tiết lộ thông tin vùng đánh bắt. Khi gặp được luồng cá lớn, sẽ bị tàu khác kéo đến tranh giành. Vì vậy, ngoài lý do không được trang bị đủ các thiết bị thông tin liên lạc, việc một số ngư dân không khai báo chính xác tần số vô tuyến điện hoặc liên tục thay đổi tần số khi ra biển đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý tình hình trên biển và thông tin báo bão, ứng cứu khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA KẾT NỐI THÔNG TIN

 

Để chủ động và kịp thời ứng cứu ngư dân, hạn chế thiệt hại khi gặp nạn do thiếu thông tin, những năm qua cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng Phú Yên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân khai báo và đăng ký tần số thông tin liên lạc tại các đồn, trạm biên phòng trước khi ra biển. Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn chưa thật sự hợp tác với lực lượng chức năng, khi ra biển tần số đăng ký không sử dụng mà đổi sang một tần số khác.

 

Thượng úy Trần Thanh Hà, Trạm phó Trạm kiểm soát Đà Rằng, phân trạm phường Phú Đông cho biết: “Một số chủ tàu cá trước khi ra biển vẫn để lại “địa chỉ” và thường liên lạc với người nhà. Khi cần báo bão, nắm bắt tình hình hay tổ chức ứng cứu, lực lượng Bộ đội biên phòng phải đích thân đến từng gia đình, đề nghị họ khai báo để nắm lại tần số. Hàng chục vụ tai nạn tàu thuyền bị hỏng máy, bị gió bão đánh thời gian gần đây đối với ngư dân phường 6 và Đông Tác, nếu không có sự tích cực dò tìm tần số và tổ chức ứng cứu kịp thời thì thiệt hại thật khó lường”.

 

Trong cơn bão số 9 năm 2008, phương tiện PY 90174 của ông Đặng Ngọc Đảnh bị hỏng máy cách bờ 60 hải lý và sắp chìm. Nhận tin báo, gia đình ông Đảnh đã đến Trạm kiểm soát Đà Rằng báo tin và nhờ ứng cứu. Nhờ nỗ lực dò tìm và thuyết phục người nhà cung cấp tần số thông tin liên lạc, Đồn Biên phòng 352 đã liên lạc một số phương tiện hoạt động gần khu vực tàu bị nạn đến ứng cứu và lai dắt vào bờ. Tương tự, mỗi năm, hàng chục vụ ứng cứu đã thực hiện thành công nhờ vào sự tích cực duy trì kết nối thông tin giữa ngư dân và Bộ đội biên phòng.

 

Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó tham mưu trưởng Bộ đồn Biên phòng Phú Yên cho biết: Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền vận động ngư dân tuân thủ các quy định về sử dụng tần số và các thiết bị phát sóng vô tuyến điện đúng mục đích, cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng đã có quy chế kiểm tra, kiểm soát, không cho xuất bến đối với những phương tiện nghề cá không đủ các trang thiết bị an toàn. Mùa mưa bão, cán bộ chiến sĩ các đồn, trạm và tổng đài Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên đều mở máy trực canh 24/24 để thông báo bão và kịp thời nắm tình hình trên biển. Lực lượng Bộ đội biên phòng cũng tổ chức in ấn, dán bảng hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển trên cabin các tàu đánh cá xa bờ, trong đó ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp, sóng ngày, sóng đêm và hướng dẫn cách gọi để ngư dân kịp thời gọi báo tình hình xảy ra trên biển cho Bộ đội biên phòng.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek