Thứ Tư, 09/10/2024 09:20 SA
Giải tỏa nguy cơ lũ lụt vùng hạ lưu
Thứ Tư, 12/08/2009 07:00 SA

Dự báo của cơ quan chức năng cho biết tình hình bão lũ năm 2009 diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi đó, sông Ba đoạn chảy qua địa phận Phú Yên có đến ba hồ thủy điện với dung tích hàng tỉ m3, gây áp lực lớn cho vùng hạ lưu khi xảy ra mưa lớn. Hạn chế lũ lụt cho vùng hạ lưu đang là vấn đề cấp bách đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng.

 

Song-Ba-Ha.090812.jpg

Thủy điện Sông Ba Hạ tích nước. - Ảnh: THẾ LẬP

 

“TÚI NƯỚC”KHỔNG LỒ TẠO NGUY CƠ LŨ LỤT

 

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho biết trên địa bàn Phú Yên có 10.529 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất; trên 3.000 hộ có nguy cơ bị triều cường. Trong đó, huyện Đông Hòa chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 4.500 hộ, tiếp đến TP Tuy Hòa với trên 1.100 hộ; Phú Hòa, Sơn Hòa mỗi huyện có ít nhất 700 hộ nằm trong vùng bị lũ lụt đe dọa khi mưa lớn và khi có xả lũ.

Năm nay, sông Ba trên địa bàn Phú Yên có thêm hồ thủy điện Sông Ba Hạ tích nước, cùng với hai hồ thủy điện Sông Hinh, Ea Krông Năng (Đắk Lắk) cũng tích nước với dung tích hàng triệu m3 sẽ làm gia tăng áp lực vào mùa lũ khi có mưa lớn xảy ra. Ông Dương Văn Hưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên) phân tích: Qua theo dõi những năm gần đây, trung bình một năm lượng nước về hồ thủy điện Sông Hinh 1 - 1,3 triệu m3. Trong khi đó, dung tích hữu ích của hồ chứa thủy điện Sông Hinh có dung lượng 357 triệu m3. Nguồn nước hồ Sông Hinh có độ cao 141 m qua nhà máy với lưu lượng 57,3 m3/giây. Hồ thủy điện Sông Ba Hạ rộng 54,66 km2, mực nước dâng bình thường 105m với dung tích toàn bộ 349,7 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích gần 166 triệu m3.  Lưu lượng qua nhà máy gần 55 m3/giây; lượng nước về hồ mỗi năm 5 - 7 tỉ m3.

 

Theo tính toán của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, lưu lượng lũ trên sông Ba mùa lũ bình quân 8.000m3/giây, riêng năm 1993 mưa lớn xảy ra vì vậy lưu lượng lũ đạt mức lớn nhất là 20.000m3/giây. Trong khi đó, ba hồ chứa thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Ea Krông Năng đã tạo ra một “túi nước” khổng lồ ở trên sông Ba với dung tích lên đến một tỉ m3. Nếu các hồ này xả lũ cùng một lúc mà không có sự điều tiết hợp lý, lũ ở vùng hạ du sẽ khuếch đại là chuyện khó tránh. Vấn đề hiện nay là phải có biện pháp vận hành, xả lũ như thế nào để không “trùng pha” giữa các hồ, tránh ngập lụt cho vùng hạ du, nhưng vừa đảm bảo tốt việc “cắt lũ”, bảo vệ được các hồ chứa. Đây là vấn đề cần có sự nghiên cứu, tính toán chính xác, thận trọng. 

 

VẬN HÀNH “CẮT LŨ” CHO VÙNG HẠ LƯU

 

Đợt mưa lớn từ ngày 24 đến 26/11/2008 đã làm cho mực nước các sông lên nhanh, lưu lượng lũ có lúc đạt 2.000m3/giây, buộc hồ thủy điện Sông Hinh phải xả lũ với lưu lượng 1.200 – 1.500m3/giây làm cho nước ở hạ lưu sông Ba vượt mức báo động cấp 3 từ 0,5 - 0,7m. Cả một vùng rộng lớn các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa, một phần các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa chìm trong biển nước. TP Tuy Hòa nằm ở cuối nguồn thêm áp lực triều cường đã làm nhiều gia đình không kịp trở tay. Ông Phan Khánh, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Tuy Hòa, bức xúc: “Những năm qua, tình trạng xả lũ kết hợp triều cường đã gây ra nhiều thiệt hại đối với địa phương và thực sự trở thành nỗi lo của người dân sống dọc hai bên bờ sông Đà Rằng khi có mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Năm 2008, có thời điểm nước xuống bất ngờ, hàng chục chiếc thuyền công suất lớn của ngư dân phường 6 đang neo trú bão trên sông Chùa bất ngờ bị trôi ra cửa sông, sóng đánh chìm; trong khi đó các phương án ứng phó gần như không hiệu quả”. Theo ông Khánh cần phải tính toán hợp lý lượng nước về hồ, dự báo lượng mưa để có sự chủ động xả lũ, tránh tình trạng lũ chồng lên lũ.

 

Ông Chế Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên, cho rằng các đơn vị quản lý hồ chứa nước phải có quy hoạch hành lang an toàn ven bờ. Cùng với quy trình vận hành hồ chứa của mình còn phải vận hành theo cơ chế liên hồ, trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ dưới sự chỉ đạo thống nhất chung của UBND tỉnh Phú Yên mới có thể giải quyết vấn đề nan giải này. Mặt khác, công tác dự báo lượng nước về hồ phải được tính toán một cách khoa học, phải xem việc phòng tránh lũ ở vùng hạ lưu là yếu tố hàng đầu thì những lợi ích giữa phát điện với dân sinh vùng hạ lưu mới thật sự hài hòa.  

 

Để chủ động ứng phó với bão lũ, đến nay các địa phương ở Phú Yên đã xây dựng các kịch bản sơ tán người tại các vùng nguy hiểm theo từng cấp độ thiên tai. Các địa phương đã chuẩn bị gần 100 địa điểm phục vụ cho việc sơ tán người tại các vùng nguy hiểm. Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết: Không chỉ riêng Phú Yên, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc vận hành các hồ chứa nước. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế vận hành liên hồ, đảm bảo mục tiêu cấp nước trong mùa khô, phát điện ( đối với các hồ thủy điện) và “cắt lũ” cho vùng hạ du. UBND tỉnh sẽ có cuộc họp bàn với các sở, ngành liên quan gồm Sở Công thương, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các đơn vị quản lý hồ chứa nước này để góp ý vào dự thảo quy chế vận hành liên hồ do Bộ Tài nguyên - Môi trường soạn thảo. Ngoài ra, UBND tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên cũng có quy chế việc điều tiết xả lũ ở các hồ chứa trong mùa mưa, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa ngành điện và dân sinh vùng hạ du.

 

Xây dựng quy chế điều tiết xả lũ các hồ chứa trong mùa mưa

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên NGUYỄN BÁ LỘC, cho biết: Không chỉ riêng Phú Yên, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc vận hành các hồ chứa nước. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế vận hành liên hồ, đảm bảo mục tiêu cấp nước trong mùa khô, phát điện (đối với các hồ thủy điện), “cắt lũ” cho vùng hạ lưu. UBND tỉnh Phú Yên sẽ họp bàn với các sở, ngành liên quan, các đơn vị quản lý hồ chứa nước ở Phú Yên để góp ý dự thảo quy chế vận hành liên hồ do Bộ Tài nguyên - Môi trường soạn thảo. Ngoài ra, UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên cũng có quy chế điều tiết xả lũ các hồ chứa trong mùa mưa, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa ngành điện và dân sinh vùng hạ lưu.

 

Phó vụ trưởng Vụ Khí tượng thủy văn Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn LÊ CÔNG THÀNH nói: Ở các lưu vực sông chảy qua nhiều tỉnh, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương sẽ ban hành quy chế phối hợp thông tin giữa các trung tâm vùng về tình hình lũ trên thượng nguồn, đảm bảo việc dự báo lưu lượng nước về hồ, lưu lượng lũ trên các sông chính xác hơn, qua đó các ngành chức năng sẽ xây dựng được những phương án phòng tránh lũ ở vùng hạ du hiệu quả.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek