Ngày 3-11-2005, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có Chỉ thị số 23/2005/CT-UBND về tiếp tục thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm và thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT, Y tế: Sớm hoàn chỉnh kế hoạch tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và thực hiện chỉ thị số 34/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trình UBND tỉnh phê duyệt, để khẩn trương triển khai thực hiện với tinh thần chủ động cao nhất.
Gia cầm, thủy cầm được khoanh vùng để phòng ngừa dịch
2. Các ngành các cấp:
- Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh về việc tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương xây dựng ngay kế hoạch triển khai thực hiện của ngành, của địa phương để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người với tinh thần cao nhất, để không xảy ra và hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch cúm gia cầm gây ra.
- Các ngành, các cấp phải xác định việc quán triệt và triển khai kế hoạch tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm và thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ là một nhiệm vụ trọng tâm cấp bách hiện nay, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả phòng chống dịch cúm gia cầm.
3. Sở Văn hóa Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng: Phối hợp với ngành nông nghiệp & PTNT, với ngành y tế làm tốt công tác tuyên truyền phục vụ phòng chống dịch cúm gia cầm; đưa tin tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đúng về nguy cơ của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, tự giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, tránh gây hoang mang trong nhân dân, đồng thời tránh biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh, không đưa tin vội vàng thiếu chính xác.
4. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố Tuy Hòa, Sở ngành có liên quan thực hiện:
- Chỉ đạo việc tạm thời hạn chế phát triển chăn nuôi gia cầm ở vùng có nguy cơ cao về dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp về sinh học, vệ sinh môi trường (tiêu độc khử trùng) trong phòng chống dịch cúm gia cầm. Hoàn thành việc tiêm vaccin phòng dịch cúm gia cầm đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch đã được phê duyệt; Giám sát chặt chẽ về dịch tễ đối với gia cầm đã tiêm phòng.
- Quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi gia cầm, các cơ sở giết mổ gia cầm, kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trước hết ở thành phố Tuy Hòa và ở trung tâm các huyện, nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với Công an, Bộ đội, Biên phòng, Quản lý thị trường, xử lý thật nghiêm các trường hợp gia cầm và sản phẩm gia cầm từ các tỉnh có dịch hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ không theo đúng quy định của pháp luật về thú y (đặc biệt nghiêm cấm việc nhập giống gia cầm vào tỉnh cho đến hết ngày 30/3/2006).
- Phối hợp với Sở Y tế theo dõi, cập nhật, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm, dịch cúm trên người ở các tỉnh giáp ranh và trong nước, kịp thời báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh để có biện pháp xử lý. Phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, Bộ Y tế, Cục Thú y, các tỉnh trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
5. Sở Y tế: Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly ở các bệnh viện để cấp cứu, điều trị bệnh nhân cúm A; chuẩn bị phòng trị, dự trữ thuốc điều trị, các dụng cụ y tế cần thiết phục vụ cho phòng, chống dịch, cho khám và điều trị bệnh nhân cúm A; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương về trang thiết bị y tế, máy thở, thuốc điều trị, hóa chất để có đủ điều kiện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi có đại dịch xảy ra.
6. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.
7. UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn huyện, thành phố và kế hoạch của UBND tỉnh về việc tiếp tục phòng chống dịch cúm gia cầm thực hiện Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo thực hiện ngay việc quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định của Pháp lệnh thú y phù hợp với điều kiện từng địa phương. Việc quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải đảm bảo định hướng lâu dài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật. Đồng thời quy hoạch ngay các chợ, các điểm kinh doanh buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật.
Ở các thị trấn huyện, thành phố, khu dân cư tập trung đông phải xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, chấm dứt ngay tình trạng giết mổ phân tán, giết mổ tại các chợ. Đặc biệt là thành phố Tuy Hòa phải tích cực phấn đấu hoàn thành công việc này trước tháng 6/2006.