Lần đầu tiên đến với các bạn nhỏ vượt khó học giỏi ở miền Trung, Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm - đơn vị tài trợ chương trình- đã tỏ rõ tâm huyết của mình đối với việc học tập của các sinh viên, học sinh nghèo ở vùng đất còn nhiều khó khăn này. Trao đổi với Báo Phú Yên, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm nói:
Những năm làm ăn trong cơ chế thị trường, tôi phát hiện ra rằng, muốn đất nước đi lên trong xu thế hòa nhập với thế giới, khâu đầu tiên phải tính là đào tạo con người. Phải có một đội ngũ trí thức trẻ, có tâm huyết, được học hành bài bản, có tầm nhìn chiến lược và tác phong chuyên nghiệp. Tôi nghĩ ngay đến việc đầu tư cho con em mình ngay từ trường học phổ thông. Thế là bắt đầu năm học 2002 -2003, chúng tôi triển khai chương trình “Học bổng Imexpharm” đầu tiên ở Đồng Tháp quê mình. Từ đó đến nay đã 4 năm, hầu như chương trình học bổng này đã trở thành truyền thống hàng năm với số học bổng trao cho các em bình quân 500 triệu đồng mỗi năm.
* Từ suy nghĩ nào mà chị quyết định đến với đối tựong học sinh nghèo?
Các em gia đình nghèo, khó khăn thường bị thiệt thòi do thiếu điều kiện học tập. Chúng tôi muốn bù đắp một phần thiệt thòi đó. Cũng giống như loài sen mọc trong đầm vậy, tuy bẩn chật nhưng ẩn trong đó cả một vẻ đẹp thanh khiết. Và khi vươn lên ngẩng cao đầu thì cao quý làm sao. Không ít học sinh học sinh xuất thân từ nghèo khó đã nỗ lực học tập và tiến tới thành đạt trong sự nghiệp. Điều đó cho thấy ý chí học tập của con em chúng ta không thiếu. Giống như hạt giống tốt nếu không gặp vùng đất màu mỡ thì hạt giống sẽ khó ươm mầm. Đến với học sinh nghèo, chúng tôi muốn tạo ra mảnh đất tốt cho các em phát triển tài năng, và nhân đây cũng xin gửi đến các em một thông điệp: cái nghèo không ngăn cản các em học giỏi mà điều quan trọng là chúng ta biết vượt qua lực cản đó bằng nỗ lực tự vươn lên học tập của các em.
* Vì sao chị mở rộng học bổng đến miền Trung?
Đất nước ta còn nghèo cho nên học sinh nghèo ở đâu cũng cần được tiếp sức. Vì vậy, trong cố gắng tối đa của mình, chúng tôi muốn góp một phần nhỏ cho các em thuộc mọi miền đất nước đều có điều kiện tiếp tục đến lớp. Sau khi có chương trình học bổng Imexpharm ở Đồng Tháp, chúng tôi đã phát triển rộng ra ở các tỉnh ĐBSCL, TP HCM. Rồi thì ở Đà Nẵng chúng tôi cũng có “giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng”, ở Vĩnh Long có “học bổng Phạm Hùng” phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh này để giúp đỡ học sinh – sinh viên, thời gian thực hiện tới năm 2010. Trong 4 năm qua, chương trình khuyến học của Imexpharm đã trao hơn 5 tỉ đồng cho hàng ngàn học sinh – sinh viên.
Báo Tuổi Trẻ và Công ty Cổ phần dược phẩm trao học bổng "Giúp bạn vượt khó" tại Cần Thơ - Ảnh: Thanh Đạm
Rồi cũng do “cơ duyên” với báo Tuổi Trẻ TP HCM, chúng tôi có thêm điều kiện tham gia chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo để ra tới tận miền Trung hôm nay. Thật tình, lúc đầu chúng tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày mình mở rộng trao học bổng ra tận đây. Nhưng làm với Tuổi Trẻ thấy vui quá, thiết thực quá nên… mê, có làm rồi mới thấy không thể không tiếp tục làm. Các em học sinh ở đây quá thiếu thốn nhưng thật đáng khâm phục, mình bỏ đi sao đành. Với những khó khăn vất vả như thế mà các em vẫn miệt mài học tập, và học thật giỏi. Thấy như vậy mà không hỗ trợ các em thì không thể yên tâm được. Chẳng khác nào thấy chết mà không cứu.
* Trong kế hoạch sắp tới, chị có nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục đến và gắn bó lâu dài với những học bổng “giúp bạn vượt khó” cho học sinh nghèo?
Với thông điệp mà chúng tôi đã cam kết ngay từ đầu, chương trình “Giúp bạn vượt khó” sẽ đi cùng các em suốt những năm tháng học tập chứ không riêng trong những ngày lễ tuyên dương. Và cũng không chỉ trong chương trình, nếu gặp khó khăn, các em cứ mạnh dạn liên hệ với chúng tôi khi có nhu cầu cần giúp đỡ. Hiện nay công ty đang tài trợ học bổng cho một số học sinh nghèo trong suốt thời gian học đại học. Nếu có nghị lực, biết vượt qua chính mình, Imexpharm sẵn lòng hỗ trợ các bạn.
Trong chương trình của mình, chúng tôi đang nghĩ tới việc mở rộng học bổng “Giúp bạn vượt khó” ra các tỉnh miền Bắc, có lẽ sẽ thực hiện trong cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Sau đó, hàng năm chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động này và coi đó là công việc thường xuyên, đến với mọi miền đất nước, với phương châm “nơi nào còn khó khăn là ta cứ tới”. Và chúng tôi cũng muốn thông qua những học bổng này, không chỉ dừng lại ở giá trị của một phần thưởng mà còn tạo nên sự kích thích, động viên một phong trào vượt khó học giỏi trong toàn thể các em học sinh – sinh viên.
DƯƠNG THẾ HÙNG (thực hiện)