Trong những chuyến công tác, cán bộ, phóng viên của báo Tuổi Trẻ đã chứng kiến nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi đến trường, thông minh, khát khao học tập nhưng không có đủ tiền để mua tập sách - phải dành phần lớn thời gian mưu sinh kiếm sống phụ giúp cha mẹ, gia đình. Nhiều em phải rời ghế nhà trường để lao vào cuộc sống, áo cơm… Việc chăm sóc cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên học sinh (SVHS) hiếu học nhưng có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc gặp hoàn cảnh nghiệt ngã không may là một trong những mục tiêu hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Mục tiêu này góp phần đáp ứng tình trạng của một đất nước trải qua cuộc chiến tranh dài, còn nhiều khó khăn, lạc hậu đi vào con đường xây dựng, phát triển một nước Việt
Anh Lê Hoàng - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Thanh Đạm |
Những bức xúc và cách nhìn nhận đó đã đặt lên bàn Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - Trong khi chờ đợi Nhà nước có đầy đủ điều kiện chăm sóc cho ngành giáo dục, đặc biệt là số bạn trẻ hiếu học đang gặp cảnh khó, Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh, mà cơ quan ngôn luận là báo Tuổi Trẻ đã quyết định gây men một phong trào, huy động xã hội cùng chăm sóc tạo điều kiện cho các bạn trẻ hiếu học, những nhân tố cho tương lai đất nước nhưng có hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, hoặc gặp những trường hợp không may, bất hạnh.
Chương trình mang tên Vì ngày mai phát triển (VNMPT) ra đời ngày 20-11-1988 với bài xã luận phát động trên báo Tuổi Trẻ. Chương trình VNMPT mời gọi mọi người hãy cùng báo Tuổi Trẻ phát hiện những trường hợp cần giúp đỡ, những nhân tố tương lai của đất nước: Đó là những học sinh, đạt thành tích cao trong học tập, những bạn trẻ có năng khiếu trội bật… trên nhiều lĩnh vực và tạo điều kiện về tinh thần và vật chất để các bạn trẻ này tiếp tục đến trường, tiếp tục phát huy năng khiếu. Với một số hoàn cảnh cụ thể giới thiệu trên mặt báo đã được sự giúp đỡ về tiền bạc, sách vỡ của nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm. Cứ như thế, kết quả của chương trình này lại tác động, tạo điều kiện cho chương trình sau. Với cách làm công khai, minh bạch – Báo Tuổi Trẻ đã bàn bạc thống nhất với người tài trợ về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng được giúp đỡ - sau đó phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội đồng xét tuyển gồm các thầy cô giáo, các chuyên gia hoặc người am hiểu lĩnh vực chuyên môn, và như một nguyên tắc: bao giờ cũng có mặt đại diện nhà tài trợ. Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, chương trình đã nhận được sự hợp tác rộng rãi của nhiều cơ quan chức năng. Giống như một mạch nước ngầm đã được khơi chảy, chương trình đã nhận được sự cộng hưởng từ đông đảo bạn đọc: những người lao động trên mọi lĩnh vực, với những tấm lòng nhân ái đầy tình nghĩa cả ở trong nước và ngoài nước.
Chương trình "Vì ngày mai phát triển" của Báo Tuổi đã tiếp sức cho hàng ngàn sinh viên, học sinh - Ảnh: Thanh Đạm |
Thật khó quên hình ảnh những nhà khoa học đầu đàn, những thầy giáo ngồi đến khuya bên chồng đáp án của các bạn trẻ tham gia chương trình Euréka (VNMPT 7), những thầy, cô trong Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học vốn rất nghèo cũng góp học bổng cho những bạn trẻ giỏi văn. Chúng tôi nhớ mãi một cô gái làm nghề buôn bán nhỏ, hàng tháng dành dụm đều đặn để giúp sinh viên nghèo. Những bà má phong trào trước kia bảo bọc đàn con hoạt động cách mạng nay đã chia sẻ những chỗ ở vốn đã chật hẹp của mình cho những sinh viên có chỗ yên tĩnh học hành. Kỹ sư Dương Quang Thiện đã đến với chương trình “Vì trước kia anh trưởng thành cũng nhờ những nhà hảo tâm”. Một số Việt kiều tặng học bổng với lý do: “Những học sinh nghèo biết vượt khó khăn để học tập là hình ảnh động viên chúng tôi hướng về Tổ quốc”. Cố giáo sư Lưu Hữu Phước khi nghe chúng tôi ngỏ lời việc ủng hộ những tài năng âm nhạc đã sốt sắng thảo điều lệ, đi mời những nghệ nhân, lập hội đồng giám khảo...
Từ những tấm lòng ngày càng được nhân lên, chương trình VNMPT Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức nhiều mũi hoạt động để hỗ trợ chiều sâu cho đối tượng SVHS nghèo. Điều thật sự có ý nghĩa không chỉ là những kết quả cụ thể của những việc làm trên đây, mà như mục tiêu ban đầu được đề ra là chương trình có nhiệm vụ “Gây men” cho một phong trào toàn xã hội chăm sóc mầm non nhân tài. Xiết bao vui mừng khi thấy cho đến nay hầu hết các quận, huyện, các trường đại học, một số trường phổ thông, nhiều cơ sở Đoàn ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã lập những quỹ học bổng, những cuộc thi, những phần thưởng mang nhiều tên gọi khác nhau - để hỗ trợ cho những tài năng trẻ, những SVHS hiếu học.
Sau 18 năm (1988-2006), chương trình đã hỗ trợ cho 12.107 HSSV giúp các em thêm điều kiện và nghị lực vượt khó bám trường, bám lớp. Phần lớn các HSSV được giúp đỡ đều dẫn đầu lớp, đầu khóa, có sinh viên đạt điểm tối đa thi tốt nghiệp. Có bạn đậu một lúc ba trường đại học, có những sinh viên xuất sắc được chọn đi học nước ngoài, và nay đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ ở một số lĩnh vực khoa học – kỹ thuật.
Với mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ “Tinh thần uống nước nhớ nguồn”, “Biết ơn công lao của các thế hệ cha anh”, “Phấn khởi với thành tựu hôm nay nhưng không quên quá khứ”... trong định hướng hoạt động của chương trình là tiếp tục đẩy mạnh các công trình, hỗ trợ cho đối tượng của mình ở các khu căn cứ cũ, ở những vùng dân cư xa xôi, hẻo lánh chịu nhiều đau thương mất mát. Tập trung vào chương trình hỗ trợ cho học sinh giỏi, những nhân tố tài năng của đất nước. Và đặc biệt, chương trình muốn góp phần giáo dục khía cạnh đạo đức cho SVHS với giải thưởng “Học Trò Giỏi – Hiếu Thảo”, chương trình này đã được triển khai trên nhiều vùng của cả nước.
Để làm được những thành quả vừa qua cùng thực hiện các công việc sắp tới, tác giả lớn nhất của công trình chính là những tấm lòng đáng trân trọng của đông đảo bạn đọc, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước, sự ủng hộ đầy tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan ban ngành chức năng ở TP.HCM và các địa phương.
Dấu ấn 18 năm - Tổ chức nhiều chương trình học bổng và giải thưởng cho SVHS.
Nâng đỡ những ước mơ -Phát động công trình “Ngăn lưu ban bỏ học” để giúp các em thuộc nhiều vùng ngoại thành TP.HCM không có điều kiện đến lớp hoặc bỏ học... thuận lợi trong việc đến trường. -Từ năm 1992 trở lại đây, ngoài đối tượng SVHS, chương trình VNMPT đã hỗ trợ thêm cho giáo viên nghèo dạy giỏi (trợ cấp và trợ vốn) để các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa làm kinh tế phụ gia đình; giúp họ thêm điều kiện bám trò, bám lớp... lo cho lớp trẻ. -Đến với các hoàn cảnh không may còn có các bạn trẻ khuyết tật – để giúp các em vượt qua số phận, bớt mặc cảm – đưa các em hội nhập xã hội, đến trường, đến lớp: Như “Chương trình sách nói” cho trẻ em khiếm thị – hay chương trình phẫu thuật “Vì nụ cười tương lai”... chương trình hỗ trợ học tập cho con gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam ở nhiều tỉnh thành. -Từ năm 1997 chương trình VNMPT có thêm nội dung mới: ngoài việc học, vượt khó, học sinh còn phải phấn đấu về mặt đạo đức. Mở đầu Giải thưởng “Học Trò Giỏi – Hiếu Thảo” 97 dành cho SVHS 7 tỉnh, thành: Hà Nội, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Trà Vinh được hình thành. Năm 1998, Giải thưởng “Học Trò Giỏi – Hiếu Thảo” tổ chức ở 7 tỉnh, thành miền Đông Năm 2003, Chương trình VNMPT phát triển theo hướng ngày càng sâu hơn: Hỗ trợ lâu dài cho sinh viên từ khi vào đại học, cao đẳng cho đến khi tốt nghiệp, như học bổng “Ươm mầm tài năng” và học bổng “Đồng hành”. Chương trình còn giúp kịp thời cho sinh viên giải quyết những khó khăn khi bước vào giảng đường đại học như học bổng “Tiếp sức đến trường”. Các học bổng này được sự đồng tình của xã hội và tiếp tục phát triển ở các năm học sau. Chương trình đã xây mới hoặc sửa chữa 167 phòng học ở các vùng căn cứ, những nơi xa xôi hẻo lánh hoặc những tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt miền Trung (1999) như : Củ Chi (TP.HCM), Sóc Bom Bo (Bình Phước), Sơn Mỹ (Quãng Ngãi), Kỳ Sơn (Nghệ An), Hồng Ngự (Đồng Tháp), xã Khánh Hậu (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Thuận An (Thạnh Phú, Bến Tre), huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), huyện Tân Châu (Tây Ninh), huyện Đức Huệ (Long An), Phong Chương, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Đông Hà (Quảng Trị), Sơn Hòa (Phú Yên)... Từ năm 1992, Chương trình cũng đã hỗ trợ cho trên 3.090 giáo viên ở 11 quận, huyện (vùng ven, ngoại thành) TP.HCM, các tỉnh Bình Phước, Bến Tre, Bình Định và Tây Ninh vay vốn không tính lãi làm kinh tế gia đình. Báo Tuổi Trẻ đã thực hiện 193 chương trình VNMPT (trong đó có 96 chương trình học bổng, giải thưởng) – Tổng giá trị mà Chương trình đã huy động được tương đương 5.144 lượng vàng. Nhiều công trình đã được xã hội đặc biệt quan tâm như: Phát hiện, hỗ trợ những nhân tố, tài năng âm nhạc dân tộc, học sinh giỏi văn (CT VNMPT 4). Phát hiện, tuyển chọn, trao học bổng cho học sinh tài năng (có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi của các tỉnh, thành và cấp Quốc gia) trên 27 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Minh Hải (CT VNMPT 16, 18, 19). Học bổng và phần thưởng “Thủ khoa” dành cho các học sinh đỗ đầu vào các trường đại học. Học bổng dành cho đối tượng học sinh người dân tộc 4 tỉnh Tây nguyên: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum (CT VNMPT 25, CTVNMPT 145). Chương trình Euréka (VNMPT 7): hỗ trợ các công trình nghiên cứu khả thi của sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ (hiện nay đã nâng lên chương trình cấp Thành phố do Thành Đoàn chủ trì). Ngăn lưu ban bỏ học của học sinh cấp I: trợ cấp cho học sinh và giáo viên xã Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức), Bình Mỹ (Củ Chi), phường 14 – quận 4 để ngăn tình trạng học sinh cấp I bỏ học... Chương trình làm nhà Rông văn hóa, gắn điện kế, tặng radio và làm giọt nước ở hai huyện Man Yang và Kbang, tỉnh Gia Lai. Chương trình “Vì tương lai Phú Yên” (một tỉnh bị thiên tai lũ lụt tiêu biểu ở miền Trung năm 1993). Chương trình “Vì mầm non Sơn Mỹ” (một địa danh được cả thế giới biết đến qua cuộc thảm sát của Mỹ vào năm 1968). Chương trình “Vì nụ cười tương lai” (hỗ trợ thanh thiếu niên nạn nhân chất độc trong chiến tranh)... với 15 đợt phẫu thuật vá môi hàm ếch cho 2.529 thanh, thiếu niên ở tỉnh, thành: TP.HCM, Sông Bé, Minh Hải (cũ), Ninh Thuận, Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Nam. Hỗ trợ học sinh bị bom bi và xây 5 phòng học cho Trường Dân tộc Nội trú xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn, Nghệ An). Trao giải thưởng “Học Trò Giỏi – Hiếu Thảo” cho 2.947 HSSV khắp các tỉnh, thành trong cả nước (trong đó có 897 HSSV là con bộ đội chiến sĩ lực lượng vũ trang). Hỗ trợ gần 584 học bổng cho sinh viên sư phạm ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ... Trợ vốn làm kinh kế gia đình và trao Giải thưởng cho giáo viên vùng sâu ở ngoại thành TP.HCM và các tỉnh xa. Cuộc vận động “100.000 sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu” phát động vào mùa hè 99 đã được đông đảo bạn đọc hưởng ứng tích cực (thực tế đã thu khoảng 160.000 sách giáo khoa và nhiều tập, vở). Q.L
-Xây dựng trường lớp, phòng thí nghiệm, các điểm sáng (phòng học, trạm y tế, giếng nước...) tạo điều kiện học tập cho các học sinh nghèo, học giỏi ở những vùng căn cứ cũ hay những làng xa xôi hẻo lánh.
T.L.T.T