Thứ Năm, 10/10/2024 07:25 SA
Giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số làm mẹ an toàn
Thứ Sáu, 24/07/2009 11:00 SA

Trước đây, việc sinh đẻ của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thường ở tại nhà và nhờ các mụ vườn. Không ít người sau khi sinh bị băng huyết, tai biến và tử vong. Để giảm thiểu rủi ro trong khi sinh đẻ do những hủ tục lạc hậu, Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh đã lập dự án đào tạo “Cô đỡ cho thôn buôn” để phụ nữ dân tộc thiểu số làm mẹ an toàn.

 

kham-tre.090724.jpg

Người đồng bào dân tộc thiểu số đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ - Ảnh : T.THẢO

 

“NGƯỜI CHỬA, CỬA MẢ”

 

Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa Phú Yên quan niệm rằng sinh con là trời cho nên không cần phải đi khám thai, tự ý sinh ở nhà nhờ vào bàn tay của những bà “thầy” trong buôn nên điều kiện vô khuẩn không tốt. Không ít chị em khi vượt cạn bị tử vong.

 

Không chỉ vấn đề sinh đẻ đáng lo ngại mà trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều chị em có thói quen tắm sông, suối hoặc có những địa phương do thiếu nước sinh hoạt nên vệ sinh cá nhân cũng không đảm bảo. Những yếu tố này là nguyên nhân gây bệnh phụ khoa và có thể dẫn đến vô sinh hoặc sinh khó. Tâm lý chung của chị em người dân tộc thiểu số là không muốn đến trạm y tế sinh hoặc khám phụ khoa vì một số xấu hổ và chồng không cho. Bên cạnh đó, vấn đề tảo hôn hiện vẫn còn, phụ nữ lấy chồng ở độ tuổi 15, 16, nhiều chị em ở độ tuổi 19 – 20 nhưng đã có hai, ba con nên việc làm mẹ và chăm sóc sức khỏe cho chính mình chưa được chú ý đúng mức. Trong khi đó việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tuổi vị thành niên ít được cha mẹ và gia đình quan tâm. Sau khi sinh khoảng 10 - 15 ngày thì sản phụ đã mang con lên rẫy lao động, không cần nghỉ dưỡng để có sức khỏe nuôi con. Do đó, tỉ lệ chết sơ sinh ở trẻ sơ sinh rất cao.

 

Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Tình trạng phá thai theo phương pháp “cổ truyền” của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại ở một số địa phương. Điều đó vô cùng nguy hiểm cho bà mẹ. Trong đợt tập huấn bảng kiểm viên uống tránh thai cho cộng tác viên dân số ở các huyện miền núi, chúng tôi được biết, phương pháp phá thai “cổ truyền” đó là nhờ bà “thầy” dùng chày hoặc đá đập vào bụng của sản phụ làm cho thai chết và tống ra ngoài. Hậu quả là cả mẹ và con đều tử vong”.

 

VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO “CÔ ĐỠ CHO THÔN BUÔN”

 

Từ thực trạng trên, những người làm y tế ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân vô cùng trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để tìm hướng giúp phụ nữ dân tộc thiểu số làm mẹ an toàn. Năm 2006, từ những ý kiến đề xuất của tuyến huyện, Trung tâm CSSKSS Phú Yên đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh lập đề án đào tạo “Cô đỡ cho thôn buôn”.

 

Đối tượng được đào tạo là những người dân tộc thiểu số có hoặc chưa có chuyên môn đang làm công tác y tế ở các thôn buôn, những bà mụ vườn, bà thầy đỡ đẻ có kinh ngiệm nhưng thiếu chuyên môn. Trong thời gian học 10 tháng hoàn toàn miễn phí, những cô đỡ thôn buôn này sẽ được đào tạo những kiến thức cơ bản về khám thai, đỡ đẻ sạch, giữ môi trường vô trùng và có thể dự phòng, phát hiện sớm để xử lý kịp thời những trường hợp tai biến. Đồng thời, họ được cấp giấy chứng nhận, có thể hành nghề hợp pháp và giải quyết những trường hợp khẩn cấp. Chị H’ Đào, một học viên ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Trước đây, mình đỡ đẻ chỉ dựa vào kinh nghiệm, không có kiến thức chuyên sâu nên những trường hợp sinh khó mình rất ngại. Nhưng sau khóa học này mình đã tự tin hướng dẫn giúp đỡ, các chị em “vượt cạn” một cách an toàn, tạo niềm tin cho  chị em và từng bước bỏ những hủ tục lạc hậu. Các ma, mí biết sinh ít con, thực hiện các biện pháp tránh thai và khám thai định kỳ; trẻ sinh ra được tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ”.

 

Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Y tế huyện Sông Hinh, cho biết: “Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Hinh đã bỏ dần những tập tục lạc hậu như tảo hôn, sinh con nhiều và sinh con tại nhà. Các mụ vườn, cô đỡ thôn buôn đã được đào tạo, tay nghề được nâng lên. Trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, những cô đỡ và mụ vườn rất có uy tín, tạo được sự quan tâm của chị em. Nhờ vậy, ý thức của đồng bào đã được cải thiện rất nhiều, họ đã tự giác đến trạm y tế, bệnh viện mỗi khi sinh đẻ hoặc có bệnh phụ khoa.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm CSSKSS Phú Yên, hướng đào tạo ở tuyến cao nhất cho các bà đỡ, mụ vườn của các thôn, buôn là một việc làm rất thiết thực và nhân bản, cần được nhân rộng. Cách làm này sẽ giúp cho nhiều chị em người dân tộc thiểu số được làm mẹ an toàn. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ triển khai tiếp chương trình này nếu các huyện có nhu cầu.

 

THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek