Chủ Nhật, 13/10/2024 03:26 SA
Thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công:
Sự cộng hưởng cao của cộng đồng
Thứ Năm, 04/06/2009 08:35 SA

Tại hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vừa tổ chức, tỉnh Phú Yên được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công. Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Nguyễn Phất, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, khẳng định đó là kết quả từ sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, địa phương trong công tác này.

 

dan-an-hai-090604.jpg

Các hồ sơ về giải đáp chính sách người có công đều được các xã niêm yết công khai. Trong ảnh: Người dân xã An Hải huyện Tuy An tìm hiểu các thủ tục niêm yết trước trụ sở UBND xã - Ảnh: K.CHI

 

* Việc thực hiện các chế độ ưu đãi người có công được triển khai như thế nào, thưa ông?

 

-Ngoài trợ cấp cho người có công với cách mạng, tỉnh còn thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi về giáo dục cho 3.198 cháu là con thương binh, con liệt sĩ, con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hằng năm, cấp trên 15.000 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng có công cách mạng nhằm đảm bảo khi đau ốm được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Trong đó, đặc biệt quan tâm bà mẹ Việt Nam anh hùøng, thương bệnh binh nặng, gia đình liệt sĩ neo đơn. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên còn có một số chính sách ưu đãi như đất ở, giao đất sản xuất, vay vốn để giải quyết việc làm. Đồng thời, lồng ghép với các chương trình khác để tạo điều kiện cho các hộ chính sách có vốn sản xuất nhằm giúp họ ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Phong trào chăm sóc đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ người có công với cách mạng được cấp ủy chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai đều ở các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, người có công cách mạng yên tâm phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương có nhiều đối tượng hưởng chính sách nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên việc giúp đỡ, hỗ trợ còn hạn chế.

 

* Có một thực tế, thủ tục hồ sơ công nhận còn qua nhiều khâu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

- Việc xét duyệt hồ sơ được thực hiện ở ba cấp gồm xã, phường, huyện, thành phố và cấp tỉnh. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội đã nghiên cứu cải tiến phương pháp. Những trường hợp vướng mắc phức tạp, chúng tôi cùng với huyện đến xã, phường để xét duyệt hồ sơ vừa đảm bảo chính xác, vừa rút ngắn thời gian. Hồ sơ được niêm yết công khai tại xã, phường để lấy ý kiến nhân dân, nếu hồ sơ không có ý kiến gì thì trình Nhà nước công nhận thực hiện chế độ. Đối với những hồ sơ có ý kiến phản ánh của nhân dân sẽ được tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ. Vì vậy, quá trình xét hồ sơ cơ bản đảm bảo đúng chế độ chính sách quy định của Đảng, Nhà nước.

 

* Hiện nay, vẫn còn một số hồ sơ bị tồn đọng do nhiều nguyên nhân. Tỉnh Phú Yên sẽ giải quyết số hồ sơ tồn đọng này như thế nào, thưa ông?

 

-Việc giải quyết công nhận thương binh, liệt sĩ, người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày trên địa bàn Phú Yên đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá ba năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, hiện các địa phương còn 29 trường hợp đề nghị truy tặng liệt sĩ, 52 trường hợp đề nghị công nhận thương binh, 65 trường hợp tù đày chưa giải quyết. Nguyên nhân, đối với liệt sĩ là do không còn cha mẹ, vợ con và anh em họ tộc. Đối với người bị thương sau ngày giải phóng trở về, không tiếp tục công tác, đi làm ăn xa hoặc bị thương nhẹ; người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày… nhưng chưa tìm được người cùng đơn vị chứng nhận nên không có hồ sơ lý lịch từ ngày 1/1/1995 trở về trước. Trong khi theo quy định, đối tượng phải có hồ sơ chứng từ gốc từ thời kháng chiến như giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy chứng nhận bị thương tại thời điểm đó, hoặc có khai trong lý lịch là bị thương. Đối với liệt sĩ, trong các giấy tờ khen thưởng, huân chương, huy chương hoặc một trong những giấy tờ khác có ghi là liệt sĩ, hoặc mộ mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ thì mới được làm hồ sơ xét công nhận liệt sĩ.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

KIM CHI (thực hiện)

 

Qua ba năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Phú Yên đã đề nghị Nhà nước công nhận 12.670 trường hợp và thực hiện chế độ cho các đối tượng. Trong đó, có 2 cán bộ tiền khởi nghĩa, 49 người hưởng trợ cấp B,C,K và cán bộ được Đảng phân công hoạt động cách mạng sau tháng 7/1954 ở miền Nam, 195 liệt sĩ, 126 người hưởng chính sách như thương binh; 34 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 71 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hằng tháng, 5 thanh niên xung phong, 60 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 365 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 270 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 8.392 người hưởng chế độ theo Nghị định 59/CP; 899 người hưởng chế độ theo Nghị định 69/CP; 2.143 người hưởng chế độ theo Quyết định 290/QĐ, 188/QĐ và 59 trường hợp vợ, chồng liệt sĩ tái giá có nuôi con liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng tháng.

 

          

(Nguồn: Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek