Thứ Hai, 14/10/2024 03:23 SA
Khi mặt đầm “lên tiếng”
Thứ Năm, 14/05/2009 15:00 CH

Thời gian qua, dịch bệnh trên các đối tượng nuôi trồng thủy sản liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại cho người nuôi. Song song đó, nguồn thủy sản đang ngày một cạn kiệt...Tất cả những hệ lụy trên xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường đầm vịnh.

 

dam-090415.jpg

Ô nhiễm nghiêm trọng ở một góc đầm Ô Loan  - Ảnh: L.BIẾT

 

ĐẦM Ô LOAN NGỌT HÓA

 

Đang giữa vụ hàu, tôm đất nhưng ở những làng chuyên đánh bắt trên đầm Ô Loan như xóm Bến (xã An Hiệp), Tân Long, Phú Tân (xã An Cư), Tân Quy (xã An Hải)… những chiếc sõng nhỏ đều gác mái. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc sõng câu cọc cạch trên mặt đầm giữa trưa vắng. Hỏi chuyện thì bà con cho biết ra đầm xuôi con nước, mong kiếm con cá cho bữa cơm chiều chứ chẳng làm ăn được gì. Trên bờ thay vì chị em tụm năm tụm ba cạy hàu cho kịp buổi chợ chiều là hình ảnh các má ngồi bên nhau bắt chấy và nói chuyện làng trên xóm dưới. Khi nghe hỏi đầm đìa năm nay ra sao, ai cũng thở dài, đầm năm nay đói lắm! Ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, hơn nửa đời người gắn bó với đầm Ô Loan, năm nay ông mới thấy nghề đánh bắt trên đầm thất bát đến vậy, sản lượng ước tính giảm hơn một nửa so với mọi năm.

 

Không chỉ nguồn lợi trên đầm cạn kiệt, ngay cả thủy sản nuôi trồng cũng bị chết hoặc chậm lớn. Sau tết, hơn 5 tạ vẹm giống của ông Ngô Văn Yêm, một trong những người tiên phong nuôi vẹm ở Ô Loan, bị chết sạch sau một thời gian đưa về nuôi. Tôm ở các hồ sau 15, 20 ngày thả nuôi cũng mất trắng do hậu quả của ô nhiễm và con giống không được kiểm soát. Trong gần 200ha hồ tôm thả nuôi từ đầu năm 2009 đến nay đã có gần 15ha bị dịch bệnh phải mất trắng hoặc thu tôm non. Hàng chục hecta khác cũng đang bị dịch bệnh đe dọa, do sự thiếu ý thức của người dân và ô nhiễm môi trường đầm. Ông Tống Văn Đường, Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An nói: Gần 70 ha tôm thả nuôi ở đầm Ô Loan vụ 1 năm 2009 bị bệnh. Trong đó, ngoài 5 ha bị taura, còn lại đều bị các bệnh liên quan đến môi trường.

 

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An, những tháng đầu năm 2009, biên độ triều trong đầm Ô Loan thấp hơn trung bình từ 0,2-0,3m, độ mặn giảm so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 0,6 %. Đáng chú ý là kết quả tại điểm thu mẫu An Hải về chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh đã vượt ngưỡng cho phép. Sản lượng tôm cá, cua và các đối tượng hải sản khác giảm. Trong khi đó, tại các vùng bãi cạn, rong nhớt, rong giẻ phát triển mạnh.

 

Theo nhận định của Trung tâm Giống và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản Phú Yên, rất có thể tình trạng ô nhiễm môi trường ở đầm Ô Loan sẽ tái diễn như năm 1998, làm cá trong đầm chết hàng loạt vào mùa hè.

 

O-LOAN-090514.jpg

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đầm Ô Loan đang ở mức báo động - Ảnh: N.LƯU

 

ĐẦM CÙ MÔNG Ô NHIỄM VI SINH

 

Ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu), tình hình cũng không mấy sáng sủa. Xác định nuôi trồng thủy sản là thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, nhưng sức ép ô nhiễm môi trường đang là bài toán chưa có lời giải. Phân chia mặt nước, đa dạng đối tượng nuôi, quản lý cộng đồng, khôi phục rừng ngập mặn… đang được Sông Cầu tích cực triển khai nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Bằng chứng là đầu tháng 3 năm nay, hàng chục tấn vẹm giống của 152 hộ dân nuôi ở đầm Cù Mông bị chết sạch. Rồi đến lượt tôm hùm nuôi cũng bị chết rải rác do đen mang, đầu vàng. Ngay cả những loài thủy đặc sản trong tự nhiên trên đầm Cù Mông cũng bị chết hàng loạt. Ông Phạm Minh Tùng ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh (huyện Sông Cầu), một trong những người nhiều năm sống dựa vào nghề đánh bắt và nuôi vẹm xanh trên đầm Cù Mông, cho biết: “Mọi năm không có nhưng năm nay thì lo lắm. Sau khi vẹm xanh trên đầm Cù Mông bị chết, bà con còn phát hiện vẹm, ốc trong tự nhiên cũng chết rất nhiều. Cồn Giữa cách Bãi Dài thuộc thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh chừng 500m nước, mọi năm đây là rốn cá tôm, hàu điệp của đầm Cù Mông, vậy mà năm nay cứ mỗi lần con nước xuống là bà con chứng kiến cảnh những loại nhuyễn thể chết nằm dày trên mặt đất gần cả cây số vuông, không biết nay mai lấy gì mà đánh bắt đây!”

 

Sau khi vẹm xanh, tôm nuôi bị chết, ngành chức năng Trung ương và địa phương cũng đã lấy các mẫu nước, vùng đáy để phân tích. Tại vùng nuôi trồng thủy sản Cù Mông, kết quả của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 khẳng định, nước vùng nuôi và bùn đáy đang có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh rất nặng, mật độ vi sinh trong nước cao hơn mức bình thường nhiều lần. Bà Lê Thị Nở, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho biết: Tại đầm Ô Loan, những kết quả nghiên cứu đo đạc của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên qua những lần quan trắc định kỳ cũng cho thấy mức độ ô nhiễm, nhất là vi sinh trong đầm đều vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần.

 

HÀNH ĐỘNG TỪ BÂY GIỜ

 

Đây không phải là lần đầu tiên, ô nhiễm môi trường xảy ra tại khu vực đầm Ô Loan, đầm Cù Mông và người dân cũng không quá bất ngờ trước những hậu quả từ ô nhiễm môi trường. Khai thác thủy sản không mang tính bền vững. Rừng ngập mặn bị xóa sổ. Vùng nuôi thủy sản không theo quy hoạch. Chất thải từ các khu dân cư đổ thẳng xuống đầm. Bên cạnh đó là tình trạng ngọt hóa đầm do sự biến đổi dòng chảy, ngăn cản sự lưu thông giữa đầm và biển… Cùng một lúc, mặt nước đầm hứng chịu nhiều tác động, đẩy môi trường vào chỗ suy thoái. Hàng loạt khó khăn đang đặt ra trong việc khắc phục ô nhiễm đầm, vịnh. Và cứ mỗi ngày mặt đầm bị ô nhiễm là thêm một ngày cuộc sống của cư dân ven đầm lâm vào cảnh khó khăn.

 

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng: Việc quản lý đầm vịnh hiện nay chưa mang tính tổng hợp, liên ngành. Cái gọi là bảo vệ môi trường đầm vịnh lâu nay mới chỉ dừng ở những đợt khảo sát, điều tra môi trường mà công việc này lại chưa liên tục. Việc bảo vệ môi trường còn thiếu sự gắn kết giữa các ngành với cộng đồng cư dân ven đầm.

 

Người dân sẽ chịu thiệt thòi nhất khi đầm vịnh ô nhiễm và họ cần hợp lực để giải quyết vấn đề môi trường. Vì vậy, tạo sự đồng thuận trong người dân để bảo vệ môi trường là việc mà chính quyền địa phương không thể không bắt tay vào làm ngay từ bây giờ. Nếu không, chẳng bao lâu nữa, môi trường đầm vịnh bị hủy hoại và khi đó, khó mà cứu vãn.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek