Thứ Ba, 15/10/2024 11:30 SA
Chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học:
Đối tượng nào được hưởng? Thủ tục ra sao?
Thứ Năm, 16/04/2009 10:30 SA

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa ban hành Thông tư số 08/2009 hướng dẫn cụ thể về lập thủ tục hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Báo Phú Yên vừa có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Nguyễn Phất xung quanh vấn đề này. Đồng chí Nguyễn Phất cho biết:

 

Theo Thông tư 08, trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã dừng trợ cấp vì không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi người có công cách mạng theo Nghị định 54/2006/NĐ-CP, nếu bị mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT thì được giải quyết chế độ ưu đãi từ tháng 3/2008. Trường hợp lập hồ sơ mới thì được hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày giám đốc Sở LĐ-TB-XH ra quyết định.

 

ktat3-090416.gif

Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ngày càng được xã hội quan tâm - Ảnh: K.CHI

 

* Vậy các đối tượng liên quan phải làm hồ sơ như thế nào để được hưởng chế độ theo Thông tư 08, thưa đồng chí?

 

- Hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bao gồm: Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do chủ tịch UBND huyện, thành phố cấp; biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh xác định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động; quyết định trợ cấp, phiếu trợ cấp của Sở LĐ-TB-XH.

 

Đồng thời, phải có căn cứ để cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm: Bản khai cá nhân, giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến, lý lịch, quyết định phục viên, xuất ngũ, giấy xác nhận hoạt động ở chiến trường, giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị, huân chương, huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ khác liên quan đến hoạt động chiến trường. Một trong những giấy tờ chứng nhận tình trạng bệnh tật gồm: Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận mắc một trong những bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin theo Quyết định số 09/2008 do Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh tật dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin và tỉ lệ suy giảm khả năng lao động, giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh do thương tật ở cột sống mà liệt hai chi dưới.

 

Trường hợp người hoạt động kháng chiến không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về không sinh thêm con nay đã hết tuổi lao động thì phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn, giấy chứng nhận tình trạng con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật của UBND xã, phường, thị trấn.

 

Hiện nay người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được thực hiện chính sách theo Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ với 2 mức, cụ thể: Người bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng 1.083.000 đồng/người/tháng. Đối với người bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống được hưởng 683.000 đồng/người/tháng. Kể từ ngày 1/5/2009, mức trợ cấp, phụ cấp này có thể sẽ được tăng lên 5% vì Bộ LĐ-TB-XH đang trình Chính phủ xem xét mức tăng trợ cấp, phụ cấp đối với người có công.

* Trình tự lập hồ sơ, thủ tục để thực hiện chế độ này thế nào, thưa đồng chí?

 

- Thông tư 08 hướng dẫn chi tiết trách nhiệm và trình tự lập hồ sơ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo đó, người hoạt động kháng chiến hoặc người thân của họ phải lập bản khai cá nhân kèm theo một trong những giấy tờ nêu trên và chuyển đến UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận các yếu tố trong bản khai cá nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc thân nhân của họ về tình trạng bệnh tật và sức khỏe hiện tại của người hoạt động kháng chiến trên cơ sở ý kiến của cán bộ y tế cấp xã. Các dị dạng, dị tật cụ thể và khả năng tự lực trong sinh hoạt của con đẻ người hoạt động kháng chiến trên cơ sở ý kiến của y tế cấp xã và đề nghị mức hưởng trợ cấp. Tình trạng không có vợ (chồng) hoặc có vợ (chồng) nhưng không có con trước khi tham gia kháng chiến, sau khi trở về và không sinh con nữa nay đã hết tuổi lao động, xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học kể cả đối với quân nhân, công an nhân dân hoặc cán bộ đang tại ngũ, đang công tác.

 

Hội đồng xác nhận người có công cấp xã họp để xem xét từng trường hợp, lập biên bản cùng danh sách đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học. Phòng LĐ-TB-XH huyện, thành phố kiểm tra, lập danh sách những người bị mắc bệnh, tật quy định tại Quyết định 09 của Bộ Y tế và báo cáo về Sở LĐ-TB-XH, đồng thời trình UBND huyện, thành phố cấp giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trên các cơ sở đó, Sở LĐ-TB-XH căn cứ hồ sơ đang quản lý để chứng nhận tình trạng thương tật, bệnh tật ở cột sống mà bị liệt hai chi dưới. Đối với những thương binh, bệnh binh đang điều dưỡng tại trung tâm do giám đốc trung tâm xác nhận giới thiệu đối tượng đến hội đồng y khoa để kết luận tình trạng bệnh tật và tỉ lệ suy giảm khả năng lao động sau đó ra quyết định trợ cấp và lập phiếu trợ cấp.

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

Giao lưu trực tuyến về chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin

 

Hôm nay (16/4), Bộ Lao động- Thương binh - Xã hội và Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”. Mục đích của buổi giao lưu trực tuyến là nhằm giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của các địa phương, cũng như những thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan.

 

Tại Phú Yên, người dân quan tâm và có những thắc mắc đến vấn đề trên có thể liên hệ tại Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, số 02 Tố Hữu, phường 9 (TP Tuy Hòa) hoặc có thể đặt câu hỏi và gửi về địa chỉ email: cucnguoicocong@yahoo.com.

                                                        

HOÀNG LÊ

 

KIM CHI (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek