Thứ Ba, 15/10/2024 21:23 CH
Phấn đấu đến 2010, Phú Yên không còn trẻ em lang thang kiếm sống
Thứ Sáu, 03/04/2009 11:15 SA

Đó là một trong những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2 thực hiện Quyết định 19/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm. Trao đổi với Báo Phú Yên đồng chí Phạm Thị Tương Lai, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh- Xã hội Phú Yên, cơ quan thường trực triển khai thực hiện chủ trương trên, nói: 

 

- Phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ lang thang kiếm sống, bị xâm hại tình dục, phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm. Điều đó làm tổn thương đến tinh thần, tình cảm, thể lực, gây thiệt thòi cho trẻ trong cuộc sống, trẻ không được hưởng các quyền cơ bản. Việc triển khai chương trình ngăn ngừa, giải quyết tình trạng ba nhóm trẻ trên của Chính phủ đúng vào thời điểm tình hình trẻ em có nhiều biến động, nổi cộm, nhất là tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống.

 

sinh-hoat-090403.gif

Thanh niên xã Đức Bình Đông (Sông Hinh) tổ chức sinh hoạt cho trẻ em ở địa phương - Ảnh: THÙY THẢO

 

* Đồng chí có thể cho biết những kết quả cơ bản qua thực hiện giai đoạn 1?

 

- Trước hết, để thực hiện tốt quyết định trên, phải kể đến vai trò của công tác truyền thông. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quyền trẻ em, diễn đàn trẻ em, phát tờ rơi tuyên truyền, dựng pano mới. Đặc biệt, tổ chức truyền thông trực tiếp qua nhóm, đến tận thôn, buôn, khu phố trọng điểm có trẻ em đi lang thang, nguy cơ lang thang, bị xâm hại, phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm, tư vấn trực tiếp cho trẻ em. Chúng tôi phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tuyên truyền cho gia đình các em về những tác hại, cảnh báo những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp, tệ nạn xã hội nếu cha mẹ để con đi lang thang kiếm sống. Kết quả có 90% gia đình, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc ba nhóm đối tượng trên đã được tiếp cận thông tin, nhận thức đúng vấn đề giúp trẻ hồi gia bền vững.

 

Theo số liệu điều tra, tình hình trẻ em lang thang từ năm 2004 ở Phú Yên có 422 em; trong đó 310 em lang thang do hoàn cảnh gia đình có thu nhập thấp, gia đình khó khăn cha mẹ bắt đi kiếm tiền. Đến 2005, số trẻ này lên 469 em. Trước tình hình đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nhờ tác động tích cực của quyết định này, đến tháng 4/2006 trẻ em lang thang giảm xuống còn 357 em; năm 2007 còn 90 em; đến ngày 31/12/2008 chỉ còn 39 em. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho 106 em hồi gia học văn hóa, học nghề, tìm việc làm ổn định cho các em, phối hợp xây dựng 50 câu lạc bộ trẻ em lang thang, có nguy cơ lang thang để các em sinh hoạt trao đổi, nâng cao nhận thức, thu hút hơn 1.230 em tham gia; phối hợp thành lập 19 câu lạc bộ gia đình có trẻ em lang thang, giải quyết cho 1.200 hộ gia đình nghèo được vay vốn xóa đói giảm nghèo, được hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt.

 

Đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, ngoài việc tăng cường truyền thông cộng đồng, đặc biệt truyền thông cho gia đình có em gái, giúp đỡ các em gái biết cách tự bảo vệ mình, những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục được tư vấn giúp vượt qua mặc cảm, hướng dẫn điều trị tại bệnh viện, tạo điều kiện cho các em được học nghề. Đến nay, 100% các em đã hòa nhập cộng đồng. Đối với 1.164 trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm, chúng tôi đã tổ chức dạy nghề, tăng cường các chính sách hỗ trợ xã hội.

 

Mục tiêu đến năm 2010 Phú Yên không còn tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống. Phấn đấu 70% số trẻ hồi gia được trợ giúp, tạo dựng cuộc sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Chương trình tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa, giảm dần, tiến đến giảm cơ bản số trẻ bị xâm phạm tình dục. Giảm 90% trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

 

* Đồng chí có thể cho biết định hướng hoạt động ở Phú Yên trong việc thực hiện Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ từ nay đến năm 2010?

 

- Đó là tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, xây dựng đường dây tham vấn, tư vấn cho các em. Đặc biệt chú ý đến chính sách học nghề, tạo việc làm phù hợp, ổn định giải quyết được đầu ra cho các em; đồng thời hỗ trợ vốn cho gia đình có trẻ thuộc ba nhóm đồi tượng trên phát triển kinh tế. Trong thời gian đến, ngành Lao động- Thương binh- Xã hội Phú Yên phối hợp với các địa phương xây dựng điểm về thực hiện Quyết định 19 cam kết giữa gia đình, chính quyền về việc bảo vệ không để trẻ em lang thang kiếm sống, bị xâm hại tình dục, phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm.

 

Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ đói nghèo chênh lệch lớn giữa các vùng, tình trạng di dân tự do từ nông thôn lên thành thị kéo theo trẻ em, đa số các đối tượng này có cuộc sống gia đình quá khó khăn, trẻ học kém. Vì vậy, nguy cơ tồn tại ba nhóm trẻ em trên là điều khó tránh khỏi. Chương trình tuy có sự vào cuộc của một số ngành nhưng chưa thu hút thật mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng.

 

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

PHONG NHÃ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek