Bộ LĐTB&XH vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Theo đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương, UBND các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
Thứ nhất, tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan về quy trình tiếp nhận, chăm sóc và thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của từng trẻ em.
Thứ hai, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có giải pháp bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục (24/24 giờ) việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội; chia sẻ, cập nhật dữ liệu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, bảo vệ các quyền trẻ em tại cơ sở.
Thứ ba, triển khai thực hiện tốt Nghị định 110/2024/NĐ-CP ngày 30/8/2024 của Chính phủ về công tác xã hội, nhằm xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để tăng cường phòng ngừa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.
Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm của người dân, các cấp, ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập; trong đó 3 cơ sở có nuôi dưỡng trẻ em, gồm: Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội (Sở LĐTB&XH), Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Mái ấm chùa Hải Sơn và Cô nhi viện Mằng Lăng.
KIM CHI