Trưa 20/9, khi tôi đang đọc lại một bài báo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên tạp chí Xưa và Nay thì facebook cá nhân của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các thế hệ học trò và nhiều báo đồng loạt đưa tin nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã về với thế giới người hiền.
Nhà báo Phan Thanh tặng quà, chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tại chương trình “Trăm năm sử Việt” do tạp chí Xưa và Nay tổ chức năm 2022, tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Ông hưởng thọ 105 tuổi, người đã đi qua 2 thế kỷ, cống hiến trọn đời cho khoa học. Vậy là đất nước mất đi một nhà khoa học lớn, một người luôn đau đáu với sách và lịch sử dân tộc, một người gắn với các công trình nghiên cứu về sử địa, địa bạ, bản đồ cổ, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Tấm lòng với Phú Yên
Với vùng đất Phú Yên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã dành một tình cảm đặc biệt thông qua các công trình nghiên cứu, sưu tầm của mình về địa bạ Phú Yên Triều Nguyễn, hệ thống bản đồ cổ Phú Yên. Trong hội thảo khoa học ngày 29/4/2003 do tỉnh Phú Yên tổ chức, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã có tham luận quan trọng, đưa ra những cứ liệu lịch sử chắc chắn góp phần chứng minh, xác định thời điểm tỉnh Phú Yên có mặt trên bản đồ Tổ quốc là vào năm 1611.
Quan trọng hơn, với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Phú Yên có ấn tượng sâu đậm. Ông đã để lại cho hậu thế Phú Yên một công trình nghiên cứu sử địa quan trọng, đó là tác phẩm “Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn - Phú Yên”. Và một điều thú vị, khi đây cũng chính là tác phẩm khởi đầu trong sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ về địa bạ và bản đồ của ông.
Về bản đồ, ông đã sưu tập và lưu giữ 49 bộ bản đồ cổ tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn là đồng tác giả cuốn Lịch sử Phú Yên (2009). Với tất cả sự yêu mến và kính trọng cụ Nguyễn Đình Đầu, PGS Nguyễn Quốc Lộc có bài viết “Có một tấm lòng dành cho Phú Yên” đăng trên đặc san xuân Báo Phú Yên năm 1991.
Năm 2021, sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và huyện Phú Hòa tổ chức hội thao khoa học về danh nhân Lương Văn Chánh, vị thành hoàng mở đất Phú Yên. Thời điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tuổi đã cao, nhưng ông vẫn hướng tình cảm của mình về vùng đất Phú Yên, ông tham gia hội thảo với 3 bài tham luận quan trọng: Từ dinh Trấn biên Phú Yên đến dinh Trấn biên Đồng Nai; Mối liên hệ giữa xã Phụng Lịch - Phụng Các và xác định nguyên quán của Quận công Lương Văn Chánh.
Đặc biệt, trong bài viết “Địa lý lịch sử phương Nam bắt đầu từ Phú Yên”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã cho ta biết, khi ông được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh 2 lần mời nói chuyện về lịch sử hình thành vùng đất phương Nam, ông đều khẳng định rằng: địa lý lịch sử phương Nam bắt đầu từ Phú Yên. Tỉnh Phú Yên có vị trí rất quan trọng trong quá trình mở nước. Phú Yên là địa bàn trọng yếu để ông cha ta củng cố thực lực là bàn đạp để Nam tiến, Đông tiến, Tây tiến trong thế kỷ XVII. Ông hoàn toàn dựa vào căn cứ khoa học lịch sử để khẳng định điều đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (trái) và học giả Trần Bạch Đằng chụp ảnh lưu niệm trước cổng Tòa soạn Báo Phú Yên nhân dịp dự Hội thảo khoa học xác định mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên, vào tháng 4/2003. Ảnh: PHAN THANH |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu rất yêu mến, trân trọng giới trí thức. Ông sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tư liệu nghiên cứu khoa học của mình cho những người cần. Với Báo Phú Yên, ông là cộng tác viên đặc biệt, trong nhóm các nhà nghiên cứu, chuyên gia đặc biệt. Những bài viết của ông trên Báo Phú Yên giúp lan tỏa thông tin lịch sử một cách chính thống và có căn cứ khoa học.
Tháng 4/2019, lãnh đạo tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn công tác, đích thân đồng chí Phạm Đại Dương, thời điểm đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu vào TP Hồ Chí Minh chúc thọ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tròn 100 tuổi, cùng hai học giả nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Phú Yên là Nguyễn Đình Tư (tác giả Non nước Phú Yên) và PGS Nguyễn Quốc Lộc, một người con của Phú Yên. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Yên, đồng chí Phạm Đại Dương bày tỏ lòng biết ơn đối với các học giả đã có những cống hiến về văn hóa, lịch sử vùng đất Phú Yên.
Năm 2022, khi thấy mình tuổi cao sức yếu, ông ngỏ ý tặng toàn bộ bản đồ cổ tỉnh Phú Yên, với 40 tấm bản đồ quý. Bộ bản đồ quý này sau đó đích thân nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trao truyền cho Chủ tịch Đặng tộc tỉnh Phú Yên, với mong muốn số bản đồ cổ này sẽ được gìn giữ, lan tỏa giá trị, ý nghĩa, giúp các thế hệ tương lai của vùng đất Phú Yên hiểu thêm lịch sử của vùng đất tươi đẹp, có vị trí rất quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước.
Pho sử về miền mây trắng
Chúng tôi, thế hệ con cháu cách xa về tuổi tác với nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư, nhưng rất may mắn được nhiều lần hầu chuyện, gặp gỡ giúp khai mở nhiều hơn trong thế giới khoa học bao la.
Lần gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu gần nhất là vào giữa năm 2022 trong chương trình “Trăm năm sử Việt”, tại Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, do tạp chí Xưa và Nay tổ chức, để tôn vinh hai sử gia Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư.
Buổi gặp mặt đó, cụ Nguyễn Đình Đầu dù đã bước sang tuổi 103 nhưng vẫn minh mẫn, nói cười. Điều ý nghĩa hơn cả là ông nhớ và nhắc đến Phú Yên, vùng đất trấn biên xưa, nơi mà ông dành nhiều tình cảm, tâm huyết, lưu lại trong sự nghiệp nghiên cứu và viết sử của mình bằng những tác phẩm có tính chất mở đầu sự nghiệp, di sản đồ sộ trong lĩnh vực sử địa, bản đồ cổ, những chứng cứ khoa học quan trọng khẳng định chủ quyền cương thổ quốc gia trên đất liền và biển đảo.
Trong cuộc gặp gỡ “Trăm năm sử Việt”, tôi - Phan Thanh - đại diện cho nhóm anh em Phú Yên được ban tổ chức ưu ái mời phát biểu về vùng đất Phú Yên, giữ vai trò trấn biên xưa, bàn đạp quan trọng cho hành trình Nam tiến vĩ đại của dân tộc, mở ra vùng đất phương Nam. Dĩ nhiên, tôi không quên bày tỏ lòng tri ân, yêu mến của thế hệ hậu sinh của quê hương Phú Yên và cầu chúc ông sức khỏe.
Không ngờ 2 năm sau, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã nhẹ nhàng về với tổ tiên, ông bà. Dẫu biết rằng ở tuổi vượt ngoài bách tuế, sự ra đi của ông là sự an vui, thanh thản, nhưng điều đó không khỏi để lại sự hụt hẫng, tiếc thương về một nhân cách, một con người đã cống hiến trọn đời cho khoa học, đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12/3/1920 (giấy khai sinh ghi năm 1923) tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng, từng làm Bí thư Bộ Kinh tế vào tháng 9/1945. Sau năm 1975, ông sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu nổi tiếng và sách về lịch sử, địa lý, bản đồ… Đặc biệt, ông rất quan tâm đến chủ quyền biển đảo và có bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Ông từng vinh dự 2 lần nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu nổi tiếng và sách về lịch sử, địa lý, bản đồ… Đặc biệt, ông rất quan tâm đến chủ quyền biển đảo và có bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. |
TRẦN QUỚI - PHAN THANH