Những ngày qua, làng Cát (tên gọi thân thuộc của thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ) chìm trong màn mưa. Mới vào đầu mùa mà những cơn mưa rừng như trút nước, mưa xối xả trên những nóc nhà rông, mưa len lỏi qua những tán cây, đổ dài bên sườn đồi, tràn qua đường, khoét sâu, tạo thành những con lươn, ổ gà trên con đường huyết mạch vào làng. Nhìn màn mưa, Ma Thuyền, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hải đăm chiêu, thở dài: “Bà con Phú Hải lại vất vả nữa rồi!”.
Từ trung tâm xã Phú Mỡ, theo chân Phó Trưởng Công an xã, tôi đến làng Cát, một ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa đại ngàn. Ở đây có 97 hộ đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Đi qua hết con đường bê tông, chiếc xe rẽ vào một con đường đất, bề rộng chừng 3m. Ngồi sau xe anh công an viên, tôi không khỏi giật thót tim khi đi qua những đoạn đường gồ ghề, sỏi đá, trơn trượt, có những đoạn lầy lội, những đoạn một bên là dốc, một bên là vực thẳm, có đoạn mặt đường bị nước mưa khoét sâu, tạo thành những con lươn dài ngoằn ngoèo, phải xuống dắt bộ mới an toàn. Từ trung tâm xã đến làng Cát chỉ 12km nhưng phải đi mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi.
Những đoạn dốc dài, gồ ghề sỏi đá dẫn vào làng Cát. Ảnh: ANH TUẤN |
Nơi nghị quyết đi vào cuộc sống
Tới địa phận làng Cát, tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự khang trang của ngôi làng. Khác hẳn hình dung của tôi về ngôi làng này trước đây với sự cũ kỹ cùng những nóc nhà sàn thấp lè tè, thưa thớt, làng Cát giờ đây đã chuyển mình. Đập vào mắt tôi là những ngôi nhà tường gạch, mái ngói, xây theo kiến trúc hiện đại, rộng rãi, bề thế, bên cạnh vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na.
Ngồi trong ngôi nhà mới xây, Ma Thuyền chỉ tay về dãy núi trước nhà nói: “Làng Cát phát triển như ngày hôm nay là nhờ vào kinh tế rừng”.
Ma Thuyền nhớ lại: Trước năm 2001, làng Cát chỉ có 39 hộ đồng bào Ba Na sinh sống, chủ yếu trồng sắn, bắp, đậu xanh; mùa có, mùa không; đời sống bấp bênh. Có năm hạn hán kéo dài, nhiều gia đình bị đói. Đầu năm 2006, khi thấy các công ty triển khai dự án trồng rừng kinh tế ở địa phương, cùng với nắm bắt chính sách của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy chi bộ thôn đã họp bàn và đưa ra nghị quyết vận động bà con trong làng không trồng sắn, trồng mía mà chuyển sang trồng cây keo.
Ma Thuyền (áo trắng) đau đáu về một con đường bê tông để dân làng Cát đi lại bớt vất vả. Ảnh: ANH TUẤN |
Được sự hỗ trợ của Nhà nước với Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135), chương trình vay vốn không lãi suất, cung cấp gia súc để chăn nuôi và làm sức kéo, chương trình cứu đói giáp hạt…, người dân làng Cát yên tâm phát triển kinh tế rừng với hơn 90% hộ thực hiện chuyển đổi cây trồng. Sau gần 20 năm thực hiện nghị quyết của chi bộ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làng Cát đã có diện mạo mới như hôm nay.
Người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường
Đời sống của bà con được nâng cao, không phải lo cái ăn cái mặc, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều dự án an sinh xã hội cho làng như: hệ thống nước chảy tự động, hệ thống bể lọc, trường học, nhà rông… nhưng Ma Thuyền vẫn đau đáu nỗi niềm về một con đường.
Tuy làng Cát chỉ cách trung tâm xã 12km, nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên đã xảy ra nhiều việc đáng tiếc. Ông Ma Long, người có uy tín của làng kể: Thằng Ma Phiên ở nhà đối diện, vừa mới tháng trước, đang ăn tiệc cưới bỗng nhiên ôm ngực ngã xuống. Người dân hốt hoảng chở xuống trạm xá của xã. Nhưng do đường đi dằn xóc, chưa đến nơi thì nó đã tử vong. Đàn bà trong làng, nhiều trường hợp phải sinh con giữa đường…
Đường vào làng Cát nhiều đoạn dốc trơn trượt rất khó di chuyển, đặc biệt là vào mùa mưa. Ảnh: ANH TUẤN |
Ma Thuyền đăm chiêu: Những ngày mưa như thế này, bọn trẻ học Trường THCS bán trú Đinh Núp ở dưới xã đi lại vất vả lắm, tụi nó phải đi học từ 4 giờ sáng mới kịp đến trường, nhiều trường hợp bị té ngã.
Từ khi nghe tin Nhà nước chuẩn bị triển khai dự án làm đường về Phú Hải, bà con trong làng vui mừng lắm. Quây quần bên ché rượu cần, bà con say sưa nói về con đường trong mơ ước và những dự định khi con đường hoàn thành. “Tôi sẽ mua 1 máy xay xát để bà con trong làng không phải vất vả mang lúa, sắn, bắp xuống xã”, “Còn tôi sẽ mua ô tô để đưa đón bọn trẻ trong làng đi học”… Tiếng cười nói rộn ràng, vang vọng giữa đại ngàn.
Ma Thuyền hồ hởi và chắc chắn: “Bà con làng Cát sẵn sàng hiến đất để làm đường”.
Chia tay làng Cát khi ánh chiều khuất sau rặng keo già, như người dân làng Cát, tôi cũng mơ ước về một con đường bê tông cho thôn Phú Hải để đời sống của bà con có nhiều khởi sắc hơn.
THÙY DƯƠNG