Phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung, đồng thời là tiền đề để thực thi các quyền con người khác. Tuy nhiên, cho đến nay, định kiến về giới vẫn là một vấn đề thực tế của xã hội gây nên sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chính trị.
Đồng chí Cao Thị Hòa An (bìa trái), Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với cán bộ hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÁI HÀ |
Công tác cán bộ nữ được chú trọng
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tăng tỉ lệ nữ ứng cử viên, nữ lãnh đạo quản lý trong kỳ đại hội đảng các cấp 2025-2030 và bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp 2026-2031”, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Bá Kim cho biết: Thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu ban hành nhiều chủ trương cũng như chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ nữ; qua đó tỉ lệ cán bộ nữ được quy hoạch cấp ủy các cấp, được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý… ngày càng tăng lên.
Cụ thể, nữ trưởng, phó các sở, ngành đạt 18,6%; nữ lãnh đạo cấp phòng thuộc sở đạt 27,9%; nữ lãnh đạo cấp phòng thuộc khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh đạt 38,8%. Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có 14/50 đại biểu, đạt tỉ lệ 28%. Tỉ lệ cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt 25% (cao hơn so với nhiệm kỳ trước 13,33%)…
Sông Hinh là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí còn thấp ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ người DTTS và cán bộ nữ nói riêng, huyện luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ DTTS với nhiều giải pháp cụ thể; qua đó đội ngũ nữ cán bộ tăng lên về chất lượng, số lượng.
Bà Huỳnh Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sông Hinh cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, cán bộ nữ được điều động, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt là 16 người, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp là 21,3%; trong đó có 5 cán bộ nữ đồng bào DTTS.
HĐND huyện khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 có 56 đại biểu nữ, chiếm 24,13%. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đồng bào DTTS trong huyện đã tăng lên về số lượng ở tất cả các cấp, ngành, các lĩnh vực từ cấp huyện đến cấp cơ sở; trình độ năng lực, nhất là lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn từng bước được nâng cao.
Khẳng định công tác cán bộ nữ thời gian qua có những tiến bộ vượt bậc nhưng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Tấn Đễ, so với tiềm năng, vị thế, vai trò của phụ nữ vẫn còn những mặt khó khăn và hạn chế. Trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, Phú Yên là một trong những tỉnh có tỉ lệ phụ nữ được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp cao. Tuy nhiên, có một nghịch lý, trong 2 nhiệm kỳ bầu cử gần đây, mặc dù qua 3 vòng hiệp thương, số nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp đạt tỉ lệ khá cao song kết quả trúng cử thấp, không đảm bảo so với mục tiêu đề ra.
Phát huy vai trò nữ lãnh đạo, quản lý
Công tác bình đẳng giới nói chung và công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, để hướng tới bình đẳng giới thực chất, người đứng đầu các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị phải cùng nhau hành động.
Bà Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khẳng định, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Dù vậy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; định kiến về giới còn tồn tại trong nhận thức chung của xã hội; thực trạng khá phổ biến ở một bộ phận phụ nữ là an phận, tự ti, ngại va chạm, ngại thay đổi môi trường công tác.
Đây là một trong những nguyên nhân gây trở ngại không nhỏ đối với công tác cán bộ nữ trong hệ thống chính trị nói chung và ở cấp cơ sở nói riêng.
Minh chứng là tại cuộc bầu cử đại biểu HĐND 2021-2026, sau hội nghị hiệp thương lần ba, số ứng cử viên nữ cấp tỉnh chiếm 41,28%, nhưng số trúng cử chỉ chiếm 28%. Ở cấp huyện, số ứng cử viên nữ chiếm 41,04%, nhưng số trúng cử chỉ chiếm 24,3%. Ở cấp xã, số ứng cử viên nữ là 39,98, nhưng số trúng cử là 27,93%.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ nữ, tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh tương xứng với tiềm năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới, ông Nguyễn Bá Kim cho biết, thời gian tới, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các chủ trương về xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ nói riêng; chú trọng thực hiện các nội dung về công tác nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp; quyết tâm thực hiện đạt và vượt tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có đủ phẩm chất, năng lực vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý…
Để nền quản trị tốt thì người lãnh đạo phải đại diện cho người dân. Để sự đại diện này đạt hiệu quả rất cần đến bình đẳng giới. Bên cạnh đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế thì thúc đẩy bình đẳng giới góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, Chính phủ Ireland, Australia và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác về bình đẳng giới, đặc biệt là trong ĐBQH và HĐND các cấp. Tập trung đầu tư phát triển cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ góp phần phát triển KT-XH đất nước.
Ông Conor Finn, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam |
THÁI HÀ