Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng tập trung là một chủ trương đúng nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi, gắn với thị trường. Tuy nhiên, hệ lụy từ các trang trại chăn nuôi tập trung đang tạo ra thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của người dân địa phương.
Ảnh hưởng môi trường sống
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn vừa giám sát xã hội về tác động, ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tập trung đối với môi trường sống của người dân tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân.
Trước đó, để có cơ sở giám sát, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức khảo sát thực địa các cơ sở chăn nuôi tập trung, gặp gỡ người dân sinh sống xung quanh các trang trại chăn nuôi trên địa bàn 3 huyện này. Qua đó, bà con quanh các khu vực chăn nuôi heo tập trung khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra từ các cơ sở chăn nuôi này.
Ông Vũ Văn Chiến ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) phản ánh: “Từ chiều đến 8 giờ tối, mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Phúc Huy Gia Lai xộc thẳng vào các hộ gia đình sinh sống quanh khu vực này. Sau nhiều lần người dân phản ánh, nay tình trạng này có giảm, nhưng vẫn chưa xử lý triệt để mùi hôi”.
Huyện Sơn Hòa có 10 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có 8 trang trại chăn nuôi heo, 1 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao và 1 trại gà. Theo UBND huyện này, những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển cả về quy mô đàn, quy mô chuồng trại, hộ gia đình, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, một số trang trại và hộ gia đình chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư; bị xử lý vi phạm, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn huyện Đồng Xuân hiện có 27 cơ sở chăn nuôi heo và 2 cơ sở chăn nuôi gà phân bố tại các xã Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 của các hộ gia đình, cá nhân liên kết, hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Bình Dương để hợp đồng thả nuôi với mật độ 1 năm 2 lứa nuôi (trung bình khoảng 500-1.000 con/lứa đối với heo và từ 10.000-20.000 con đối với gà).
Quy mô chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi trong nông hộ và tự phát, hệ thống chuồng trại đơn giản chưa đảm bảo các tiêu chuẩn nuôi cũng như tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi đa phần nằm phân tán và xen lẫn trong các khu dân cư, vì vậy người dân có phản ánh về mùi hôi, nước thải gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực chăn nuôi heo.
Tại huyện Phú Hòa, có 3 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn gồm 2 trang trại chăn nuôi gà quy mô 40.000-60.000 con và 1 trang trại nuôi heo quy mô 2.400 con. Các cơ sở chăn nuôi có báo cáo tác động môi trường và áp dụng các biện pháp xử lý nước thải, chất thải hạn chế tác động môi trường. Tuy nhiên qua phản ánh của người dân, tại khu vực xung quanh các trang trại chăn nuôi heo có mùi hôi phát sinh làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Phú Hòa cho biết, quá trình quản lý các trang trại chăn nuôi còn một số khó khăn như trang trại hoạt động dưới hình thức cho thuê nên việc đăng ký kê khai, báo cáo của trang trại chưa thực hiện theo quy định, việc kiểm tra công tác môi trường chỉ bề ngoài bằng mắt thường, không có thiết bị để xác định mức độ ảnh hưởng; mùi hôi phát ra trong không khí nên không có cơ sở để giải quyết vì chưa có quy chuẩn quy định về mùi...
Nước thải của một cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân rỉ ra môi trường, bốc mùi hôi thối khu vực xung quanh. Ảnh: THÚY HẰNG |
Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm
Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng tập trung là một chủ trương đúng nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản xuất theo chuỗi, gắn với thị trường. Tuy nhiên, chăn nuôi không đảm bảo quy trình sẽ tạo ra những tác động cho môi trường và là một trong những nguyên nhân gây bức xúc trong nhân dân, làm mất ổn định xã hội.
Tại chương trình làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã làm rõ việc thực hiện quy trình cấp phép hoạt động, phân cấp quản lý đối với lĩnh vực chăn nuôi; việc ban hành các quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải rắn theo thẩm quyền; các nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi; việc xử lý đối với cơ sở, trang trại chăn nuôi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; việc khắc phục, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân xung quanh cơ sở, trang trại chăn nuôi…
Để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị chính quyền các địa phương cần rà soát lại tất cả các trang trại chăn nuôi hiện có để bảo đảm phát triển theo đúng quy hoạch và khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu đặt ra như: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh; không để tình trạng ô nhiễm kéo dài, người dân phản ánh nhiều lần mà không giải quyết. Địa phương cũng cần thiết lập kênh thông tin, tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề về môi trường để kịp thời giám sát những cơ sở chăn nuôi thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Hiện công tác quản lý nhà nước trong hoạt động chăn nuôi tập trung, nhỏ lẻ ở các địa phương vẫn chưa chặt chẽ, còn ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường sống của người dân gần khu vực các trang trại. Để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi, hạn chế thấp nhất các tác động môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát |
THÚY HẰNG