Những năm qua, việc quan tâm, chăm lo đời sống cho người yếu thế luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và trở thành phong trào rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Các tổ chức hội đoàn thể tặng quà và xe lăn cho bà Trần Thị Nhiên, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa. Ảnh: KIM CHI |
Đảm bảo các chế độ, chính sách
Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Nhiên (66 tuổi, ở thôn Thanh Minh, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa). Bà Nhiên bị tai biến, liệt cả hai chân, sinh hoạt rất khó khăn. Những năm qua, nhờ sự kết nối hỗ trợ của cộng tác viên công tác xã hội (CTXH) A Lê Hờ Mruốt, nên các chế độ chính sách đối với người khuyết tật, chế độ bảo trợ xã hội bà đều được hưởng.
Bà Nhiên chia sẻ: “Tôi đã lớn tuổi, lại thêm khuyết tật nên đi lại khó khăn. Cũng nhờ có các cô chú cán bộ trong xã thăm hỏi, tặng quà, giải quyết các chế độ nên tôi có thêm điều kiện sống. Vừa qua, có đoàn thiện nguyện tặng thêm chiếc xe lăn, tôi rất vui. Chiếc xe giúp tôi di chuyển thuận tiện”.
Còn ông Nguyễn Khi (xã An Chấn, huyện Tuy An) cho hay: Tôi bị thương tật, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức. Những năm qua, chính quyền địa phương và các tổ chức luôn thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách cho thương binh. Trong các dịp lễ, tết và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, lãnh đạo tỉnh, huyện, các đơn vị đến thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, cộng tác viên CTXH Nguyễn Thị Mỹ Truyền luôn hỏi thăm, động viên, giúp đỡ tôi và gia đình trong việc tư vấn, thực hiện các chế độ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tôi cảm thấy rất yên tâm.
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH), toàn tỉnh có hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Thời gian qua, các cán bộ, chuyên viên của phòng thường xuyên nắm tình hình đời sống của người dân trong tỉnh, tham mưu lãnh đạo các cấp chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai, không để ai thiếu ăn, nhất là trong các dịp lễ, tết.
Nhiều chương trình chung tay chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, gia đình chính sách, người yếu thế trong xã hội... đã được tổ chức, góp phần khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, thắp lên hy vọng, tạo động lực cho những cảnh đời kém may mắn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nâng cao năng lực cho nhân viên CTXH
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy cho biết: Xác định việc triển khai thực hiện nghề CTXH là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian gần đây, Sở LĐTB&XH liên tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực CTXH cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH trong toàn tỉnh với nhiều nội dung khác nhau.
Trong đó, năm 2023, tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực về trợ giúp xã hội cho cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội cấp xã với hơn 1.819 lượt người tham dự. Riêng 6 tháng đầu năm nay tổ chức 2 lớp tập huấn CTXH đối với người cao tuổi và người khuyết tật, qua đó trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cơ bản của ngành CTXH cho cộng tác viên, nhân viên CTXH, giúp họ nâng cao được kỹ năng, cách thức tiếp cận có hiệu quả trong công tác hỗ trợ người khuyết tật, người cao tuổi tại cộng đồng.
Chị Trần Thị Giá, cộng tác viên CTXH xã An Thọ (huyện Tuy An) chia sẻ: Tôi tham gia lớp CTXH trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cùng hơn 100 đại biểu khác. CTXH là một nghề rất vất vả, người làm nghề phải thật sự hiểu những khó khăn của các đối tượng bảo trợ để có hướng xử lý cũng như giúp đỡ trong nhiều tình huống. Nghề này thật sự đòi hỏi sự nhẫn nại và có tình yêu thương nhất định với hoàn cảnh các đối tượng mới có thể làm được. Những lớp học nâng cao kỹ năng nghề như thế này rất bổ ích, giúp chúng tôi nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết được các vấn đề xã hội tại địa phương.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Đặc thù của nghề CTXH là tìm hiểu, chăm sóc, định hướng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em, các đối tượng nghiện hút, mại dâm..., giúp họ vượt qua khủng hoảng bằng tham vấn, trị liệu tâm lý... Vậy nên, đội ngũ nhân lực cần được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của nghề CTXH và cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội; mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng CTXH, tiến tới phấn đấu hình thành một hệ thống chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân và hình thành đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên chuyên nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển CTXH phù hợp với điều kiện KT-XH địa phương. Tiếp tục duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. |
HOÀNG LÊ