Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chị Đặng Hoàng Lam, 36 tuổi, đã thử nghiệm mô hình “bánh mì treo” tại tủ bánh mì của gia đình mình. Đến với tủ bánh mì này, mỗi người có thể treo lại vài ổ bánh mì để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Mới lạ “bánh mì treo”
Mô hình “cơm treo”, “bánh mì treo”, thậm chí là “cà phê treo” không còn quá xa lạ đối với người dân ở các thành phố lớn. Đây là hình thức khách đến tiệm ăn hoặc uống nước có thể trả tiền dư cho một phần hoặc nhiều phần ăn. Chủ tiệm giữ phần tiền đó lại để gửi tặng các suất ăn hoặc nước uống miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn và họ được phục vụ như tất cả các khách hàng khác.
“Bánh mì treo” được chị Hoàng Lam, tiệm bánh mì Bà Hân (425 Nguyễn Huệ, phường 7, TP Tuy Hòa) thực hiện từ giữa tháng 5/2024. Mỗi ngày, chị Lam sẽ dành hơn 10 phần “bánh mì treo” tặng người khó khăn. Người có nhu cầu chỉ cần đến tiệm hỏi “bánh mì treo” là được phục vụ miễn phí. Suất “bánh mì treo” được chị Lam chuẩn bị nóng hổi, với đầy đủ các loại rau, chả, thịt… như những ổ bánh mì khác bán cho khách hàng. Thời gian phục vụ “bánh mì treo” xuyên suốt giờ mở cửa của tiệm; sáng từ 5 giờ 30-10 giờ 30, chiều từ 15-22 giờ.
Chị Hoàng Lam cho biết: Tôi có ý tưởng làm mô hình “bánh mì treo” khi vô tình đọc được các bài viết về các mô hình “cơm treo”, “cà phê treo” ở TP Hồ Chí Minh. Thấy đây là một cách làm từ thiện rất nhân văn nên tôi quyết định làm thử. Thời gian đầu, mọi người chưa hiểu ý nghĩa của “bánh mì treo” nên khá e ngại, chỉ đứng ngoài nhìn vào mà không dám hỏi. Nhân viên mang bánh mì ra tận nơi, mời các cô chú vào tiệm ngồi ăn, uống nước hoặc mang đến cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trao cho bệnh nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời chỉ đường tới tiệm để bà con tự đến nhận bánh mì nếu có nhu cầu.
Sau khi mô hình “bánh mì treo” của chị Lam hình thành, ngày càng có nhiều người khó khăn đến tiệm nhận những ổ bánh mì từ chủ tiệm và những người xa lạ tặng.
Chị Nguyễn Thị Thương bán vé số ở TP Tuy Hòa bày tỏ: Vì gia cảnh khó khăn, phải nuôi mấy đứa con ăn học nên bình thường tôi ít dám ăn sáng mà để dành tiền cho con. Từ ngày biết đến tủ “bánh mì treo” ở tiệm Bà Hân, thỉnh thoảng tôi ghé ăn 1 ổ bánh mì để có sức đi bộ khắp các con phố bán vé số. Tôi không đến nhiều vì còn để dành cho những người khó khăn khác. Tôi thấy như vậy cũng đủ ấm lòng vì cuộc sống vẫn còn nhiều người tốt, có thể giúp đỡ, chia sẻ với những người hoàn toàn xa lạ.
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng nhân ái
Từ khi tủ “bánh mì treo” hoạt động, bánh mì Bà Hân nhận được rất nhiều sự quan tâm, sẻ chia của những người quen, khách hàng thân thiết. Thậm chí có những người khách lần đầu tiên đến tiệm cũng sẵn sàng “treo” lại vài ổ bánh mì khi biết được ý nghĩa của “bánh mì treo”. Nhiều người còn mang đến cả sách vở, quần áo, đồ dùng cũ… để những người khó khăn đến tiệm “bánh mì treo” nhận về.
Theo chị Hoàng Lam, những ổ “bánh mì treo” sẽ được nhân viên tiệm ghi chép tỉ mỉ để đảm bảo mọi suất hỗ trợ đều đến với người cần. Những hôm không có khách “treo” bánh mì, hay khi hết suất “bánh mì treo” trong ngày, tiệm cũng sẵn sàng “treo” thêm vài ổ nếu vẫn còn người có nhu cầu.
“Tôi không có nhiều điều kiện giúp đỡ người khác, nhưng “treo” mấy ổ bánh mì mà giúp một số người no bụng cũng cảm thấy rất vui. Tôi mong rằng việc làm nhân văn này sẽ được lan tỏa để ngày càng có nhiều người được giúp đỡ hơn”, anh T (một khách hàng xin giấu tên) chia sẻ.
Mô hình “cơm treo”, “bánh mì treo”, thậm chí là “cà phê treo” là hình thức khách đến tiệm ăn hoặc uống nước có thể trả tiền dư cho một phần hoặc nhiều phần ăn. Chủ tiệm giữ phần tiền đó lại để gửi tặng các suất ăn hoặc nước uống miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. |
NGÔ XUÂN