Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có những bước chuyển đổi theo hướng chất lượng và hiệu quả, song cũng gặp nhiều thiệt hại do dịch bệnh. Làm thế nào để có vùng nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững đang là vấn đề đặt ra.
Nhằm giúp Sở NN&PTNT có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030, Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án này tại các vùng NTTS trọng điểm trên địa bàn tỉnh là TX Sông Cầu, huyện Tuy An và TX Đông Hòa.
Giảm mạnh diện tích NTTS
Phú Yên có bờ biển dài 189km, diện tích và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km2 với nhiều vũng, vịnh, đầm phá, bãi, vùng bãi triều nước lợ, cửa sông... Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, quy hoạch tổng thể phát triển NTTS của tỉnh được thực hiện từ năm 2005 và được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà tỉnh đang phải đối mặt như: tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ diễn ra ở một số vùng NTTS tập trung, gây thiệt hại lớn về kinh tế và mất ổn định sản xuất...
“Đề án phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Sở NN&PTNT chủ trì nhằm rà soát, đánh giá lại tổng thể tiềm năng, lợi thế phát triển NTTS của tỉnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, khắc phục những khó khăn, tồn tại và định hướng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất an toàn, bền vững”, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam cho biết.
Theo dự thảo đề án, diện tích NTTS của tỉnh sẽ giảm trung bình 8,51%/năm trong giai đoạn 2022-2030. Số lượng lồng bè cũng giảm trung bình 8,25%/năm trong giai đoạn 2022-2030. Nhiều khu vực nuôi lồng bè trên đầm, vịnh phải tháo dỡ, di chuyển ra phía ngoài để giao lại mặt nước cho các ngành kinh tế khác.
Cụ thể, diện tích NTTS của TX Sông Cầu giảm còn 350ha năm 2030 (giảm 476,31ha so với năm 2022). Diện tích giảm chủ yếu ở ven khu vực đầm Cù Mông tại các xã Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Lộc và Xuân Thịnh để chuyển sang sử dụng với mục đích khác như thương mại, công nghiệp, dịch vụ và xây dựng.
Khu vực xung quanh vịnh Xuân Đài đến năm 2030 sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích NTTS sang sử dụng vào mục đích khác. Đối với nuôi thủy sản lồng bè, di dời ra phía ngoài đầm, vịnh, nơi có điều kiện tự nhiên đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất. Số lượng lồng bè của thị xã giảm xuống còn 40.000 lồng (theo kích thước lồng công nghiệp HDPE) đến năm 2030.
Tương tự, diện tích NTTS của TX Đông Hòa cũng giảm xuống 780ha vào năm 2025 và còn 350ha vào năm 2030 (giảm trên 60% diện tích so với hiện trạng năm 2022). 3 vùng nuôi tập trung của TX Đông Hòa sẽ giảm quy mô sản xuất lớn nhất là phường Hòa Hiệp Nam, xã Hòa Xuân Đông và xã Hòa Tâm.
Khu vực nuôi lồng bè vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác và không bố trí NTTS bắt đầu từ năm 2025. Cơ sở sản xuất giống 9ha sẽ giải tỏa khi hết hợp đồng thuê với cơ sở sản xuất. Khu vực sông Ngọn đến năm 2030 không còn quy hoạch NTTS.
Đối với huyện Tuy An, diện tích NTTS đến năm 2030 chỉ còn 431ha, giảm khoảng 55ha so với năm 2022. Một số xã sẽ giảm diện tích, gồm: An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Cư và An Hiệp. Diện tích NTTS sẽ chuyển đổi sang hoạt động của các ngành kinh tế khác. Khai thác diện tích mặt nước khu vực hồ Đồng Tròn và hồ Bàu Đô để nuôi cá nước ngọt dưới dạng nuôi cá mặt nước lớn.
Đồng tình với việc sắp xếp lại vùng nuôi
Tại hội nghị phản biện, hầu hết người dân đồng tình với việc rà soát, sắp xếp lại vùng NTTS nhằm đảm bảo tính bền vững, bởi các vấn đề đang tồn tại hiện nay của NTTS phần lớn xuất phát từ việc chồng chéo, thiếu hợp lý giữa các loại quy hoạch; đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất dẫn đến việc quy hoạch các vùng nuôi chưa tốt, không phù hợp với thực tế, dẫn đến việc các cơ quan chức năng chưa thể thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với việc NTTS của người dân. Đa số người dân đều mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện công tác quy hoạch bài bản và khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển về KT-XH của từng địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn 3, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) gắn bó với nghề nuôi tôm hùm 30 năm nay, chia sẻ: Trước đây, người nuôi tôm hùm rất ít, nay thì nhà nhà, người người đều theo nghề này. Dẫu thuận lợi trong phát triển nghề NTTS nhưng việc phát triển nghề một cách ồ ạt, không đảm bảo các yếu tố môi trường đã dẫn đến tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt. “Sắp xếp lại vùng NTTS phù hợp nhằm đảm bảo tính bền vững là rất cần thiết nên tôi thống nhất cao theo quy hoạch đề án lần này”, ông Nhân nói.
Những năm gần đây, việc NTTS trên địa bàn tỉnh gặp phải rất nhiều vấn đề về môi trường. Tình trạng tôm, cá, nhuyễn thể chết ở một số vùng nuôi, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Ông Lê Văn Bường ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh cho hay: Vừa qua, vùng nuôi tôm, cá ở Vịnh Hòa xảy ra nhiều đợt tôm, cá chết liên tục. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, mà việc ô nhiễm này là từ chính hoạt động NTTS của người dân khi nuôi với mật độ dày đặc, không theo quy hoạch.
“NTTS đang đứng trước những cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, lĩnh vực NTTS cần đồng bộ từ quy hoạch đến sản xuất và phát triển thị trường. Nếu thực hiện quy hoạch chưa tốt, hoạt động nuôi còn tự phát sẽ khó mà khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Bường nói.
Sắp xếp, quy hoạch vùng NTTS là cần thiết, song theo các hộ nuôi, việc giảm diện tích nuôi cần thực hiện theo lộ trình phù hợp và căn cứ các cơ sở khoa học, cũng như cơ sở thực tiễn để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con nhân dân.
Đảm bảo sinh kế cho người dân
Nghề NTTS đã dần phát triển mạnh, góp phần quan trọng trong việc giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Việc giảm diện tích NTTS trong thời gian tới tại các địa phương đồng nghĩa với việc mất sinh kế của người dân. Đặc biệt đối với khu vực vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa) sẽ không bố trí NTTS bắt đầu từ năm 2025 làm nhiều người lo lắng, vì sinh kế người dân khu vực này chủ yếu là NTTS.
Ông Phan Văn Khánh ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam lo lắng: 25 năm qua, tôi mưu sinh bằng nghề nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Rô. Quy mô nuôi hiện nay của tôi là 1.000 lồng. Sang năm không còn được nuôi thì tôi biết làm gì với số lồng này. Tôi hy vọng các cấp, ngành có liên quan cần có giải pháp phù hợp để chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Có cùng nỗi lo như ông Khánh, ông Đặng Văn Thành cũng ở thôn Vũng Rô nói như mếu: Thôn Vũng Rô có khoảng 500 hộ, hầu hết người dân đều mưu sinh bằng nghề NTTS ở vịnh Vũng Rô. Nếu không còn được NTTS ở nơi đây thì bà con phải làm gì, đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm vấn đề này để đảm bảo sinh kế cho người dân trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã giải trình, làm rõ, cũng như tiếp thu tất cả các ý kiến, góp ý của đại biểu để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện đề án nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành NTTS và đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, bà con nhân dân.
Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030 được xem là “xương sống” để phát triển ngành NTTS giàu tiềm năng trong thời gian tới. Hy vọng, các cấp, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn mục đích của đề án để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT |
THÚY HẰNG