Sợ đối mặt với thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hôn nhân khiến không ít người trẻ trì hoãn việc lập gia đình, chọn sống độc thân hoặc vẫn đang trăn trở làm thế nào tìm được người bạn đời phù hợp để cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình.
Hôn nhân cần cả hai người đứng ở vị trí bình đẳng với nhau, yêu thương và làm điểm tựa cho nhau. Ảnh minh họa: THÁI HÀ |
Áp lực kết hôn
Hôn nhân là bước ngoặt đòi hỏi nhiều sự kết nối hơn về mặt tình cảm cũng như trách nhiệm của cả hai. Vì vậy, khi quyết định cùng nhau xây dựng mái ấm, người trẻ sẽ không chỉ tận hưởng đời sống riêng hạnh phúc mà còn phải vượt qua hàng loạt thách thức và áp lực khác nhau. Những áp lực này thường bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến công việc, kinh tế, sức khỏe, nuôi dạy con... dễ gây mệt mỏi và căng thẳng, nhất là đối với phụ nữ.
Bạn tôi vừa tổ chức một chuyến đi Nha Trang gồm vài gia đình thân thiết. Du lịch là phụ, mục đích chính là để Thảo (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa), một người bạn trong nhóm ra mắt anh người yêu dự định sẽ kết hôn trong năm nay. Trong lúc gặp gỡ, trò chuyện, mọi người không có ý kiến gì, nhưng khi về lại Phú Yên, trong một buổi gặp riêng, cả bốn bạn nữ trong nhóm đều khuyên Thảo… hãy từ từ.
Phải nói rằng, lời khuyên này không xuất phát từ những người có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân. Vì dù cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng về cơ bản, các bạn tôi rất yêu thương chồng và chồng của các bạn cũng yêu thương vợ con, sống có trách nhiệm. Họ có ý kiến phản đối việc Thảo kết hôn không vì người bạn trai kia không tốt mà đa số đều đồng tình rằng Thảo cũng đã từng kết hôn, cũng từng thấy cuộc sống hôn nhân nhiều áp lực và đã ly hôn. Hiện kinh tế Thảo vững vàng, không vướng bận thời gian, thường xuyên đưa con trai đi du lịch trong, ngoài nước… thì càng không nên bước vào một cuộc hôn nhân mới và nhận lãnh thêm những trách nhiệm khác. Sau những lời thuyết phục, Thảo quyết định sẽ suy nghĩ lại.
Dù chưa lập gia đình, nhưng chị Thủy (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) không coi đây là việc phải làm trong đời. Chị bảo nhìn thấy không ít trường hợp hôn nhân tan vỡ, cảm giác tình yêu thời nay thiếu chiều sâu. Đặc biệt, khi có con thì người phụ nữ có thêm quá nhiều trách nhiệm và nỗi lo. Hiện chị Thủy tập trung cho sự nghiệp, chọn nâng cấp bản thân bằng việc tập luyện thể dục thể thao, du lịch; nếu có người phù hợp chị sẽ nghĩ xa hơn còn không thì cứ thế sống một mình, chuẩn bị một khoản tiền để lúc già vào sống ở viện dưỡng lão.
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) nhìn nhận rằng, ngày nay, một bộ phận thanh niên ngại kết hôn là thực tế. Họ có xu hướng trải nghiệm hạnh phúc cá nhân nhiều hơn và không thích ràng buộc. Vậy nên họ lựa chọn cách từ từ kết hôn để có thời gian, không gian, điều kiện thỏa mãn những nhu cầu ấy.
Hành trình không đoán được kết quả
Không ít bạn trẻ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân đều tự hỏi rằng: Liệu bản thân đã đủ kiến thức, thời gian, kinh tế để lập gia đình hay chưa? Liệu người bạn đời có phù hợp không? Cuộc sống hôn nhân sẽ đối mặt với những thử thách nào? Và cho dù cố gắng trả lời mọi câu hỏi và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết đi nữa thì không có gì đảm bảo rằng họ sẽ có cuộc hôn nhân mỹ mãn. Bởi, về cơ bản, hôn nhân là hành trình không thể đoán được kết quả.
Trên thực tế, kể cả những người vừa gặp đã yêu, cứ tưởng không thể sống thiếu nhau, cuối cùng vẫn chia tay; những cặp đôi yêu nhau nhiều năm, tưởng hiểu hết con người đối phương, nhưng vừa kết hôn được thời gian ngắn đã không tìm được tiếng nói chung. Dù vậy, không thiếu các cuộc hôn nhân giản dị nhưng bền bỉ qua thời gian.
Một bác lớn tuổi có cuộc hôn nhân trên 50 năm đã chia sẻ với tôi những lời thật cảm động về cuộc sống gia đình của bác: “Hôn nhân có lúc này, lúc nọ như con người lúc mệt, lúc khỏe. Dù vậy, khi quyết định bước vào hôn nhân là chúng ta đã cam kết gắn bó, hỗ trợ nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Từ sự gắn kết này, hôn nhân mang lại sự ổn định, cảm giác an toàn cả về tình cảm lẫn tài chính để mỗi người có điểm tựa, có mục tiêu mà cố gắng, hoàn thiện bản thân”.
Hôn nhân khó đoán và nhiều thử thách nên bất kể ai, tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời đều có thể thấy chùn bước trước quyết định kết hôn. Dù vậy, ThS Bùi Thị Kim Phượng, giảng viên Xã hội học (Trường đại học Duy Tân) khẳng định rằng, hôn nhân là điều tích cực, giúp mang lại nhiều niềm vui, đánh dấu sự trưởng thành thêm của mỗi người bất chấp đời sống hôn nhân đó có bền chặt hay kết thúc bất ngờ. Và để tạo tiền đề cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ngoài nền tảng tình yêu, nam nữ thanh niên cũng cần chuẩn bị về tâm lý, công việc, thu nhập, trang bị kiến thức liên quan đến tiền hôn nhân, sinh sản… để có thêm sự tự tin bước vào đời sống mới.
Ngoài nền tảng tình yêu, sự chuẩn bị về tâm lý, công việc, thu nhập, trang bị kiến thức liên quan đến tiền hôn nhân, sinh sản… là những điều kiện tạo tiền đề cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
ThS Bùi Thị Kim Phượng, giảng viên Xã hội học, Trường đại học Duy Tân |
THÁI HÀ