Clip 3 người bị cuốn văng khỏi máy nghiền số 3 cùng lời kể phút kinh hoàng của nạn nhân may mắn sống sót trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại Nhà máy Xi măng Yên Bái (Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái), không khỏi làm dư luận bàng hoàng, đau đớn.
Hãi hùng và bất lực. Trong tích tắc, 7 công nhân dưới sức ép của máy nghiền xoay vòng, chắc hẳn chưa kịp nhận biết chuyện gì đang xảy ra, đã không còn có thể trở về với cuộc sống. Hai trong số họ là con trai của một gia đình, người thì còn trẻ với bao điều dang dở... Sinh nghề tử nghiệp, thân xác họ nhuộm xi măng, khó lòng nhận dạng được. Không khí tang thương ập đến, người nhà khó trụ vững, con trẻ ngơ ngác, bơ vơ.
Một vụ tai nạn lao động trong hàng ngàn vụ gây nhức nhối. Thực trạng và hệ lụy tai nạn lao động hiện hữu. Năm 2023, cả nước xảy ra gần 7.400 vụ tai nạn lao động làm hơn 7.500 người bị nạn, trong đó có 699 người chết, 1.720 người bị thương nặng; thiệt hại về vật chất và tài sản hơn 17.000 tỉ đồng. Con số có thể thống kê, nhưng nỗi đau không thể đong đếm.
Sau tai nạn, dù nhận được sự thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ, bồi thường, nhưng hàng ngàn người phải mang thương tật, bế tắc khi từ trụ cột kinh tế lại thành gánh nặng cho gia đình và xã hội; hàng trăm gia đình rơi vào cảnh mất đi người thân, oằn gánh mưu sinh. Thực tế, nỗi đau phía sau tai nạn lao động không ai có thể gánh thay, ngoại trừ nạn nhân và gia đình của họ.
Ngăn nỗi đau, giảm hệ lụy tai nạn lao động, từ năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được tổ chức vào tháng 5 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động.
Những ngày này, cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Phú Yên cũng vừa phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề: “Tăng cường, đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Chủ đề ngắn gọn, gắn với mục tiêu cụ thể và chứa đựng thông điệp thúc đẩy hành động, hướng vào vấn đề trọng tâm, nổi cộm trong công tác ATVSLĐ mà cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, dư luận quan tâm.
Theo đó, căn cứ vào điều kiện, tình hình KT-XH, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; tổ chức đối thoại về ATVSLĐ ở cấp tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, cơ sở; thăm hỏi công nhân có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân và gia đình nạn nhân tai nạn lao động.
Các doanh nghiệp, cơ sở triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao ý thức, nhận thức, hành động về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, trong chuỗi cung ứng; chú trọng các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; tiếp tục triển khai các chương trình hành động cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động...
Thiết nghĩ, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng; ý thức trách nhiệm, xem trọng an toàn lao động của người sử dụng lao động và người lao động, không chỉ trong Tháng Hành động về ATVSLĐ - mà diễn ra mọi lúc mọi nơi - sẽ góp phần làm giảm, ngăn nối dài những hệ lụy từ tai nạn lao động.
NGỌC DUYÊN