Hàng ngàn héc ta rừng trồng keo đang đến kỳ khai thác gỗ đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở vùng nông thôn, miền núi. Đằng sau công việc mưu sinh này là bao nhọc nhằn.
Đi cưa, lột vỏ, bốc vác keo phải băng rừng, leo núi, đòi hỏi những người có sức khỏe mới làm nổi. Thế nhưng, không ít phụ nữ cũng mưu sinh bằng nghề này.
Tính ngày công không phân biệt phụ nữ hay đàn ông
Sáng sớm, từ xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), từng tốp người đèo phía sau xe máy xoong nồi, gạo, thức ăn lên vùng núi xã Xuân Phước để cưa, lột vỏ, bốc keo thuê. Ông Nguyễn Văn Tưng, người đứng ra nhận làm đầu công với chủ rừng keo, cho hay: Nếu keo 30 thì công cưa, lột vỏ, bốc keo lên xe là 300.000 đồng/tấn, trong đó công cưa 70.000 đồng/tấn, còn lại là công lột vỏ rồi bốc lên xe. Khu vực gần hơn thì nhận keo 29, tức 290.000 đồng/tấn, trong đó công cưa giảm còn 60.000 đồng/tấn....
Ông Tưng cho biết thêm, đối với cưa thì chỉ cần một người cưa hạ rồi cắt thành từng khúc. Riêng công đoạn lột vỏ và bốc lên xe thì cần 6-10 công, tùy theo khu vực gần hay xa. Nghề này ăn số lượng tấn nên không phân biệt phụ nữ hay đàn ông, số tiền kiếm được chia đều ngày công cho mọi người.
Là người có kinh nghiệm, làm đầu công, ông Tưng có nhiệm vụ ghi chép sổ sách, số lượng gỗ mỗi xe và chấm công mỗi ngày, sau khi kết thúc thì đổ sổ tính công, đưa tiền cho từng người. Để cưa, lột vỏ và bốc 20 tấn gỗ keo lên xe tải cần 10 công lao động làm việc trong 1 ngày, nếu để lâu keo khô nhẹ ký.
Đối với nhân công lột vỏ, bốc keo lên xe thì tiền công bao giờ cũng bị giữ lại 1 xe, khi nào kết thúc mới thanh toán hết. Có người thấy khu vực này dốc núi cao, đường đi hiểm trở nên làm giữa chừng rồi chuyển qua làm cho người đầu công khác ở khu vực gần hoặc bằng phẳng hơn.
“Giữ lại tiền công 1 xe để họ làm đến khi kết thúc, nếu bỏ đi nơi khác coi như mất ngày công theo thỏa thuận ban đầu”, ông Tưng cho biết.
“Khâu chất keo lên xe tải cũng có “mánh” của nó”, ông Tưng nói. Keo chất cao lên chỗ mỏ quạ, nơi thùng xe có miếng sắt nhô ra trước ca bin xe, để trọng tải xe cân đầu cân đuôi, tránh trường hợp chất quá nặng ở phía sau, khi xe leo dốc, gỗ đổ dồn về phía đó. Nghề này làm quanh năm suốt tháng, thu hút hàng trăm lao động, hết khu vực rừng trồng ở Đồng Xuân rồi sang các xã Phước Tân, Sơn Hội của huyện Sơn Hòa.
Tạo việc làm cho lao động miền núi
Ông Nguyễn Văn Toán ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, chuyên đi cưa keo thuê chia sẻ: Có sở keo phải cưa dọn những vạt rừng gai cho trống chỗ rồi mới cưa keo. Những rừng keo tốt khi cưa hạ ngã đổ ầm ào dội vào vách núi, sơ sẩy là bị cành nhánh đâm chảy máu tay. Những người đi sau gom cây thành đống rồi cặm cụi lột vỏ, bàn tay cũng rất dễ bị trầy xước.
Theo ông Toán, cưa keo ở gần thì sáng sớm nấu cơm ăn một bụng rồi dỡ mang theo ăn trưa, chiều về. Còn nếu sở keo quá xa, phải dựng lán trại ngủ lại tại chỗ, có phụ nữ đi theo lo nấu ăn và lột vỏ keo. Những con đường xe tải chở gỗ hằn sâu vết bánh, có đoạn như lọt xuống hố sâu, chật hẹp đến nỗi xe máy qua không lọt vì kẹt chỗ gác chân, phải dùng hai chân “bơi” một đoạn thật dài mới thoát ra ngoài. Đường lên núi có đoạn trườn dốc núi cao, có đoạn cạnh vực suối sâu.
“Đi làm xa, gà gáy là chúng tôi đã dậy nấu cơm, ăn no rồi ra rừng làm sớm. Trưa cột võng nằm nghỉ tại rừng keo. Người cưa làm độc lập; 1 người cưa có đến 10 người lột vỏ, bốc keo lên xe trọng tải 15-20 tấn, trong 1 ngày”, ông Toán nói.
Nhóm của ông Toán có 2 phụ nữ. Bà La Lang Thị Bông ở xã Sơn Định chia sẻ: Phụ nữ đảm nhận khâu lột vỏ, còn đàn ông có sức hơn thì đảm nhận khâu vác lên xe tải. Làm công việc này nhóm nào cũng như vậy cả, ngày công chia đều không tính toán thiệt hơn. Có sở keo làm 5 ngày, có sở làm 10 ngày. Tôi đi lột vỏ keo thuê đã mấy năm nay, tuy vất vả nhưng nhờ có nghề này mà hàng trăm lao động nữ vùng núi có công ăn việc làm.
Còn bà Hờ Nhạn tâm sự: Làm nghề này vất vả nhưng ngày công lao động cao. Vậy nên cả vợ chồng tôi cùng đi, gặp rừng keo tốt, mỗi ngày kiếm được gần triệu đồng; còn rừng keo xấu thì cũng 700.000-800.000 đồng/ngày.
Phụ nữ đảm nhận khâu lột vỏ, còn đàn ông có sức hơn thì đảm nhận khâu vác lên xe tải. Làm công việc này nhóm nào cũng như vậy cả, ngày công chia đều không tính toán thiệt hơn. Tôi đi lột vỏ keo thuê đã mấy năm nay, tuy vất vả nhưng nhờ có nghề này mà hàng trăm lao động nữ vùng núi có công ăn việc làm.
Bà La Lang Thị Bông ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa |
MẠNH LÊ TRÂM