Từ năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035. Để chủ động thích ứng với vấn đề già hóa dân số, ngành Y tế đã từng bước đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng.
Để góp phần nâng cao chất lượng dân số nói chung và sức khỏe người cao tuổi (NCT) nói riêng, cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Khó khăn, bệnh tật
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, dân số Việt Nam đạt 100,3 triệu người; trong đó, NCT chiếm khoảng 13,9% dân số. NCT phần lớn sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp. Thực tế, các nguồn thu nhập chủ yếu của NCT hiện nay đến từ nguồn hỗ trợ của con cái và công việc họ tự tạo ra; còn các nguồn từ lương hưu, trợ giúp xã hội, tiết kiệm và các nguồn trợ giúp khác rất hạn chế.
Ngoài điều kiện sống khó khăn, vấn đề sức khỏe NCT hiện nay cũng còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Theo thống kê điều tra về NCT, số năm sống với bệnh tật ở phụ nữ trung bình khoảng 11 năm, ở nam giới khoảng 8 năm. Khó khăn cả về vật chất lẫn sức khỏe khiến cho chất lượng sống của NTC bị ảnh hưởng.
Bước qua tuổi 68, bà Nguyễn Thị Sáo (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) đã cảm nhận rõ ràng bệnh tật đã trở thành một áp lực lớn. Trong 2-3 năm gần đây, từ một người phụ nữ nhanh nhẹn làm tốt mọi công việc nhà, tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi bò, nông nhàn thì đi bán vé số kiếm thêm thu nhập nhưng chỉ trong thời gian ngắn, sức khỏe bà Sáo giảm sút trầm trọng.
“Cả người đau nhức, đêm không ngủ được, khó thở, sụt cân, tôi lo lắng đi khám nhưng bác sĩ bảo cần vào các bệnh viện lớn kiểm tra. Tôi là nông dân, đâu có nhiều tiền tích lũy nên giờ không dám đến các bệnh viện lớn. Tôi sợ phát hiện bệnh mà không có tiền điều trị”, bà Sáo chia sẻ.
Với tốc độ già hóa dân số nhanh, số NCT ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Dù vậy, việc chăm sóc sức khỏe NCT hiện nay còn nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế), trong vòng đời của mình, NCT có khoảng 10 năm sức khỏe yếu, xuất hiện nhiều bệnh tật.
Trong khi đó, hiện nay mô hình gia đình của Việt Nam chuyển từ truyền thống với nhiều thế hệ sống cùng nhau sang gia đình hạt nhân chỉ với cha mẹ và con cái nên việc chăm sóc NCT lúc bệnh tật, già yếu gặp nhiều khó khăn.
Cần sự vào cuộc của cộng đồng xã hội
Các chuyên gia nhận định, để NCT sống khỏe, sống vui, sống có ích, không chỉ là sự nỗ lực của mỗi gia đình mà còn là nỗ lực chung của Nhà nước, cộng đồng và chính bản thân NCT.
Huyện Đồng Xuân có dân số 65.557 người, trong đó có 8.526 NCT. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến chăm sóc sức khỏe cho NCT. Năm 2023, huyện tổ chức khám sức khỏe 3 đợt cho NCT. Đợt 1 phối hợp với Sở LĐTB&XH khám cho 1.948 NCT ở 11 xã, thị trấn. Đợt 2, Sở Y tế cấp kinh phí cho Phòng Dân số khám cho 1.600 NCT trên địa bàn huyện. Đợt 3, thực hiện Dự án 7 (Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030), khám 189 NCT là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, huyện Đồng Xuân tổ chức tuyên truyền lồng ghép 22 cuộc, mỗi xã 2 cuộc về chăm sóc sức khỏe NCT.
Ông Đặng Ngọc Thanh, Trưởng phòng Dân số - Y tế cơ sở huyện Đồng Xuân cho biết, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng kịp thời với giai đoạn già hóa dân số, huyện Đồng Xuân đã xây dựng kế hoạch chăm sóc NCT phù hợp theo từng năm.
Các hoạt động được tổ chức thường niên như: Khám sức khỏe, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NCT; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho NCT từ 60 tuổi trở lên tại các xã, thị trấn. Đến thời điểm hiện tại, trên 96% tổng số NCT trên địa bàn huyện Đồng Xuân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe…
“Cuộc sống của một bộ phận NCT, nhất là người già ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, trong khi đó, nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc NCT còn hạn chế khiến cho chất lượng cuộc sống của NCT phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Cũng vì lý do này mà những người thân trong gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự quan tâm chăm sóc NCT nhiều hơn nữa”, ông Đặng Ngọc Thanh chia sẻ.
Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, chăm sóc NCT cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ, luật pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ NCT có việc làm, có trợ cấp, được bảo vệ thân thể, danh dự, tài sản, quyền quyết định nơi ở sao cho thuận lợi với họ…
Về phía gia đình, cố gắng đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho NCT. Cộng đồng cần truyền thông giáo dục, đặc biệt giáo dục thế hệ trẻ để tạo quan hệ thân thiện giữa các thế hệ; tổ chức các hoạt động nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT; theo dõi sức khỏe NCT và huy động nguồn lực hỗ trợ NCT…
NCT phải phấn đấu chủ động đảm bảo được tài chính đủ chi trả cho hàng hóa sản phẩm và dịch vụ phục vụ đời sống của mình. NCT nêu cao tinh thần tự phục vụ, hợp tác đón nhận sự hỗ trợ của môi trường xã hội và tích cực đóng góp cho gia đình và cộng đồng, nếu có thể.
GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội |
THÁI HÀ