Trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngày càng được quan tâm, bảo vệ, chăm sóc tốt hơn. Đó là kết quả của việc tổ chức thực hiện Luật Trẻ em và các quyền tham gia của trẻ em, đưa công tác này dần đi vào chiều sâu.
Trẻ em thảo luận về quyền trẻ em trong diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Ảnh: KIM CHI |
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh có 164.268 trẻ em. Trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 0,57%. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 11.964 em.
Hai mô hình CLB
Những năm qua, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Việc thực hiện những quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em đã đạt được những kết quả nhất định. Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong đường lối, chính sách và trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Các địa phương trong tỉnh đang duy trì hoạt động 9 CLB Quyền tham gia của trẻ em với sự tham gia của 270 học sinh các trường THCS và 1 CLB Phóng viên nhỏ.
Tùy chủ đề hằng tháng, các CLB này tập trung tuyên truyền, sinh hoạt các nội dung liên quan như: Tìm hiểu kiến thức pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời trang bị các kỹ năng sống cần thiết; giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ kiến thức xã hội, kinh nghiệm học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp…
Em Lê Hoàng Vân Khánh, CLB Phóng viên nhỏ, chia sẻ: “Tham gia CLB, chúng em có điều kiện giao lưu, trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích. Đồng thời được rèn luyện về kỹ năng nắm bắt thông tin, phỏng vấn, tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực trẻ em… Qua đó biết được nhu cầu của các bạn trẻ, tuyên truyền để mọi người có cái nhìn đúng về trẻ em hơn”.
Còn em Lê Nguyên Trương (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Đến với CLB Quyền tham gia của trẻ em, đồng hành cùng các bạn tham gia diễn đàn trẻ em các cấp, chúng em có cơ hội rèn luyện sự tự tin cho bản thân, mạnh dạn chia sẻ, nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình đối với các vấn đề có liên quan đến trẻ em. Chúng em cũng được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và thực hiện quyền tham gia của mình tốt hơn”.
Nhiều hoạt động thiết thực
Năm 2023, Sở LĐTB&XH tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”. Trong số 50 em tham gia diễn đàn cấp tỉnh, có 4 em tham gia diễn đàn trẻ em cấp quốc gia. Thông qua các diễn đàn, các em được đối thoại với lãnh đạo UBND và các ban ngành, đoàn thể về vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em.
Đặc biệt, để thực hiện các quyền trẻ em, tỉnh còn lập đường dây hỗ trợ trẻ em và kết nối với Tổng đài quốc gia 111 để hướng dẫn, hỗ trợ, can thiệp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, trẻ em gặp các vấn đề về tâm lý ở các địa phương.
Mặt khác, Sở LĐTB&XH cũng đã tổ chức các lớp truyền thông, vận động xã hội về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường học, cộng đồng với gần 8.000 lượt người tham gia.
Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ của cộng đồng, gia đình, nhà trường về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; đảm bảo cho mọi trẻ em được bảo vệ, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, giảm nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, tai nạn thương tích....
Bên cạnh đó, sở phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động chăm sóc trẻ em, như: Phối hợp với Bệnh viện Tim Tâm Đức TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh tổ chức khám sàng lọc bệnh tim cho 235 trẻ em. Cấp 25 chiếc xe lăn trị giá 120 triệu đồng cho trẻ em bị bại não.
Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ sữa theo chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” cho 899 em. Tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn, tham vấn cho 40 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, bị ảnh hưởng tâm lý do xung đột gia đình, bị xâm hại tình dục…
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác trẻ em và quyền tham gia của trẻ em, song theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, nhu cầu trợ giúp của trẻ em còn nhiều. Một bộ phận dân cư ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trẻ em chịu nhiều thiệt thòi, điều kiện về chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí còn hạn chế.
Việc tiếp cận thông tin cũng như nhận thức của người dân chưa đầy đủ và kịp thời. Nhiều gia đình chỉ lo làm ăn kinh tế, không có thời gian chăm sóc con cái, trong khi môi trường xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Tình trạng trẻ em bỏ học, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra. Năm 2023, toàn tỉnh có 12 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước; 6 trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bỏ rơi…
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em, đưa nội dung Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành vào kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm tại các địa phương và một số ban ngành liên quan.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy , chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em, tập trung tổ chức các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, trường học, giáo dục kiến thức, phương pháp, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ, đặc biệt là kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng ngừa, phát hiện sớm trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Đồng thời tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, nhằm giúp các em ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, có kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Kịp thời phát hiện, lên án những hành vi vi phạm quyền trẻ em; phản ánh việc xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm quyền trẻ em để giáo dục răn đe và phòng ngừa chung…
Cùng với đó, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp các cấp, ngành thực hiện hiệu quả hơn nữa các mô hình Diễn đàn trẻ em, CLB Quyền tham gia của trẻ em; các chương trình hoạt động do trẻ em khởi xướng, thực hiện. Tiếp tục triển khai các mô hình trong Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2021-2025; tạo lập môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em.
Để thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em, đưa nội dung Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành vào kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm tại các địa phương và một số ban, ngành liên quan.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phạm Thị Minh Hiền |
KIM CHI