Những tháng cuối năm, các xưởng bó chổi ở làng nghề bó chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) tập trung nhân công đẩy nhanh sản xuất, cung cấp hàng phục vụ thị trường tết.
Chị Lê Thị Kim Nga bó chổi xương rồi cân mỗi chổi nặng đúng 0,5kg. Ảnh: LÊ TRÂM |
Mua ký bán cân
Những bàn tay khéo léo ở làng nghề bó chổi Mỹ Thành làm ra chổi xương và chổi đót, hầu như gia đình nào cũng cần đến.
Chị Lê Thị Kim Nga, người có nhiều kinh nghiệm bó chổi ở làng nghề này cho hay: Chổi xương làm từ cọng dừa và tàu dừa. Lá dừa tước ra lấy cọng bó chổi xương, còn tàu dừa chẻ làm đôi phơi khô để làm cán chổi, vừa tay nắm. Tất cả những nguyên liệu bó chổi này được đặt hàng từ Bến Tre”.
Chị Nga ngồi trước trục quấn, lấy mấy cọng dừa nắm lại to bằng ngón tay cái gọi là con, rồi kéo dây thép từ trục quấn ra cuộn tròn lại. Bó chổi xương làm phần cổ trước, nẹp ở phần cổ hình rẻ quạt để đầu chổi xòe ra.
Mỗi cây chổi bó 7 con, khi quấn con thứ 6 xong, chị để chổi nằm ngang lên cân đồng nhỏ đặt trước mặt rồi lấy những cọng dừa để lên cân, kim nhảy lên, thêm bớt đúng 0,5kg, lấy xuống bó con cuối cùng, rồi quấn cán.
Bởi được cân đo tỉ mỉ nên dù làm thủ công mà giống như bằng máy, các cây chổi đều như nhau. Phụ nữ chỉ bó cổ, quấn cán; còn đàn ông dùng sức chặt cán chổi và bằm đầu chổi cho bằng, gọi là chặt bằm.
Tại một xưởng bó chổi đót trong làng, nhiều phụ nữ đang tiến hành các khâu tước đót, cột con, quấn bện. Chổi đót có nhiều loại: Chổi cây, chổi cán nhựa và chổi thép. Chổi cây thì cán được làm bằng cây đót, công đoạn đầu tiên cũng quấn cổ, thường 7 con. Mỗi chổi đều có trọng lượng 0,5kg.
Cách làm này chủ xưởng kiểm soát để không thất thoát nguyên liệu. Mỗi bó đót 20kg làm ra 40 cái chổi. Có người nhận nguyên liệu về nhà làm rồi giao sản phẩm, chủ xưởng trả tiền công.
Làm chổi nhựa thì khác hơn, công đoạn đầu tiên là tước đót, dùng trục quấn bằng sợi cước rút vào miếng nhựa, gọi là rút nẹp cột con.
Chị Bùi Thị Duyên, đảm nhận khâu này cho hay: Công làm ăn theo sản phẩm, cứ mỗi lần rút nẹp cột con nếu không đốt đầu cước là 2.300 đồng, còn đốt để không thừa dây cước dài ra là 2.500 đồng. Bình quân mỗi ngày một công làm được 150.000-200.000 đồng, tùy vào việc nghỉ trưa hay làm luôn trưa.
Các khâu quấn bện, chặt bằm, cũng vậy. Riêng đối với chổi thép, quấn cán chổi, bện ở cổ chổi bằng dây thép chỉ, công việc này tê tay, phải sức đàn ông mới làm được. Giá bán chổi đót, từ 25.000, 35.000, 40.000 đồng/cây, tùy từng loại.
Chổi đót thành phẩm. Ảnh: LÊ TRÂM |
Nhộn nhịp cuối năm
Những ngày này, tại các cơ sở, xưởng sản xuất của làng nghề bó chổi Mỹ Thành, mọi người đang tất bật với công việc. Chị Nguyễn Thị Lan cho hay: Bó chổi tận dụng công lao động trong gia đình, vợ chồng con cái đều làm các khâu bó chổi. Cuối năm tập trung làm kiếm tiền mua quần áo, sắm sửa các vật dụng cần thiết.
Ông Phan Văn Đặt, chủ cơ sở bó chổi này cho biết: Tuần rồi, bạn hàng từ Tam Quan (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận) gọi điện đặt hàng tết. Khi làm đủ số lượng, tôi gửi xe tải chở giao tận nơi. Đầu vào thì tôi gọi điện cho cơ sở thu gom đót ở Lâm Đồng chở xuống. Tôi vừa nhận 10 tấn đót để làm 20.000 sản phẩm giao cho bạn hàng bán dịp tết.
Theo những người làm nghề bó chổi ở làng nghề truyền thống này, từ tháng 11 âm lịch là bắt đầu chạy nước rút cuối năm, tập trung sản xuất cho kịp hàng tết. Bó chổi không khó nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo.
Theo phong tục người Việt, đầu năm mới nhà nào cũng thay chổi mới, trong nhà quét chổi đót, ngoài sân vườn thì dùng chổi xương, khi quét thì quét vô để giữ của, qua ba ngày tết mới quét ra.
Theo UBND huyện Phú Hòa, làng nghề bó chổi Mỹ Thành được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2007. Làng nghề sản xuất quanh năm nhưng mùa tết là nhộn nhịp nhất. Hiện làng nghề thu hút gần 1.000 lao động tham gia, mỗi năm làm ra hàng chục ngàn sản phẩm, cung ứng thị trường, nhất là trong dịp tết.
MẠNH LÊ TRÂM