Huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ… là những hoạt động được hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả.
Điểm tựa để hội viên vươn lên
Từ việc đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gắn với những mô hình cụ thể, hiệu quả, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã thực sự trở thành điểm tựa để chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chợ Hờ Dưn ở buôn Hai Klốc, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) kết hôn năm 2007 khi gia đình hai bên đều nghèo khó, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất và phải sống trong ngôi nhà tạm với mẹ già bị bệnh. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ làm việc, tiết kiệm, 10 năm sau, gia đình Hờ Dưn đã mua được 5ha đất để trồng trọt.
Đến năm 2022, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt trung bình của gia đình Hờ Dưn đạt hơn 150 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình Hờ Dưn đã xây được ngôi nhà kiên cố khang trang, mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất, trang bị một số vật dụng tiện nghi trong gia đình.
Chia sẻ về quá trình làm kinh tế, chị Hờ Dưn cho biết: “Những năm đầu, cuộc sống hết sức chật vật. Để có được kinh tế như ngày hôm nay, gia đình tôi đã rất cố gắng. Từ khi mua được những sào đất đầu tiên, hai vợ chồng đã tính toán trồng lúa để có gạo ăn trong năm và trồng sắn, trồng keo, nuôi bò để tích lũy vốn lâu dài.
Trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, ngoài sự cố gắng của hai vợ chồng, gia đình tôi được hội LHPN xã kết nối vay vốn chính sách, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp nên ngày càng nắm vững kỹ thuật để làm kinh tế hiệu quả”.
Còn tại huyện Tây Hòa, nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Hòa Mỹ Tây đã xây dựng 6 câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch”, 1 CLB “Gia đình 5 có, 3 sạch” với hơn 200 thành viên tham gia. Hằng năm, các CLB được kiện toàn từ ban chủ nhiệm đến số thành viên nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả.
“Tham gia CLB, ngoài được trang bị kiến thức về nuôi dạy con, phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và hạn chế trẻ em bỏ học, vi phạm pháp luật..., các thành viên trong CLB còn xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp chị em vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư thêm vào sản xuất, chăn nuôi, buôn bán...”, bà Trần Thị Ngọc Đỉnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Mỹ Tây cho biết.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Hội chợ Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, OCOP của phụ nữ Phú Yên vừa diễn ra song song với cuộc thi chung kết cấp vùng Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa tổ chức tại Phú Yên đã giới thiệu hàng trăm sản phẩm đặc sắc được chị em sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hội chợ nêu trên là một trong những hoạt động của Hội LHPN tỉnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ trưng bày, quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP do phụ nữ sản xuất và sản phẩm do các chủ thể phụ nữ (HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh) thành lập, quản lý.
Ngoài hội chợ vừa tổ chức trong năm 2023, “Phiên chợ xanh - Quảng bá, kết nối giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” tổ chức năm 2022 cũng là điểm nhấn quan trọng, tạo cơ hội để sản phẩm tới được với đông đảo người tiêu dùng, tạo cơ hội cho chị em nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các cấp hội LHPN còn hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP; kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh fanpage “Gian hàng xanh - Phụ nữ Phú Yên”, các nhóm zalo, facebook, fanpage của phụ nữ cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết: Thời gian qua, hội LHPN cơ sở tăng cường kết nối vay vốn, tích cực hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng cách tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc thù địa phương, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, hội đồng hành cùng hội viên trong giới thiệu tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm; tổ chức các chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao trong tỉnh để hội viên tiếp thu nhiều kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn áp dụng cho mô hình kinh tế gia đình mình.
Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được các cấp hội LHPN trong tỉnh quan tâm, tích cực triển khai đã tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ vươn lên làm kinh tế.
Để các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngành nghề, trang trại, doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất - kinh doanh; phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ phụ nữ các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP vừa để quảng bá, giữ thương hiệu, vừa nâng giá thành sản phẩm một cách tốt nhất…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Đào An Xuân |
THÁI HÀ - LINH CHÂU