Thứ Tư, 27/11/2024 23:31 CH
Cùng hành động để giảm thiểu rác thải nhựa
Thứ Năm, 16/11/2023 09:49 SA

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, Phú Yên đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý các điểm nóng về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa khu vực ven biển, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Phú Yên trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.

 

Lực lượng hải quân tham gia thu gom, xử lý rác thải tại khu vực vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

 

Xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường

 

Năm 2020, Phú Yên đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Từ đó đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, thu hút dự án đầu tư từ các tổ chức bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế để thực hiện kế hoạch này.

 

Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) cho biết: Tại khu vực Hòn Yến, chính quyền đã huy động các đoàn thể và người dân ra quân xóa 5 “suối rác” chảy từ hộ gia đình xuống bờ biển tồn tại hàng chục năm qua, với khối lượng khoảng 300m3 rác được dọn sạch, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 50%. Xã đã trồng cây xanh và đặt các thùng chứa rác hợp vệ sinh ở khu vực này để tránh tình trạng tái diễn điểm nóng về rác thải. Địa phương còn huy động hơn 300 tình nguyện viên ra quân làm sạch khoảng 500m bờ biển thuộc thôn Nhơn Hội.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, với sự tham gia của các tổ chức bảo vệ môi trường và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, người dân địa phương không còn vứt rác trực tiếp ra môi trường mà chủ động tham gia vào hệ thống thu gom rác được thiết lập và vận hành bởi tổ công tác bảo vệ môi trường khu vực Hòn Yến.

 

Bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), cho hay: GreenHub đang phối hợp với các tổ chức bảo vệ môi trường triển khai chương trình thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu rác nhựa đại dương tại Phú Yên. Chương trình sẽ hỗ trợ kế hoạch hành động quản lý rác thải biển đến năm 2030 tại Phú Yên bằng việc truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng, hướng đến thực hành giảm rác thải nhựa từ nguồn. Chương trình cũng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác nhằm bảo vệ biển và đại dương, bảo vệ các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.

 

Người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) tham gia thu gom, xử lý rác thải tại khu vực Hòn Yến. Ảnh: ANH NGỌC

 

Nhân rộng mô hình phân loại rác

 

Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, không xảy ra điểm nóng về ô nhiễm môi trường do rác thải, việc phân loại rác tại nguồn và xử lý rác sau phân loại là rất quan trọng. Theo ThS Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), mục tiêu đến năm 2025 theo kế hoạch quản lý rác thải nhựa của tỉnh là nâng cao nhận thức và thay đổi được hành vi của cộng đồng; giảm được 50% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương. Đồng thời tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao được hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; giảm thiểu, thu gom, xử lý được 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ.

 

“Để người dân có điều kiện làm quen với việc phân loại rác nhằm thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác, giảm sử dụng nhựa thì việc nhân rộng mô hình phân loại rác kết hợp lồng ghép giảm sử dụng đồ nhựa dựa vào cộng đồng cần được ưu tiên triển khai”, ông Việt nói.

 

Bà Caroline Huwiler, điều phối viên dự án quốc tế của Tổ chức Phát triển, môi trường và năng lượng (IDE-E) cho biết: Hiện IDE-E đang hỗ trợ Phú Yên thực hiện dự án thực hành không rác. Để thực hiện hiệu quả dự án này, địa phương cần vận động người dân triển khai đồng bộ các giải pháp “Từ chối, tái sử dụng; giảm thiểu, phục hồi; tái chế tuần hoàn”. Trong đó, từ chối, tái sử dụng là tránh sử dụng đồ nhựa dùng một lần, thay thế bằng sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học. Giảm thiểu, phục hồi là giảm lượng chất thải được tạo ra và đổ vào bãi chôn lấp, bằng cách tối ưu hóa việc phân loại chất thải, trong đó thu gom riêng chất thải hữu cơ và các chất tái chế khác. Tái chế tuần hoàn là phát triển và củng cố các giải pháp tái chế khả thi, để cải thiện tỉ lệ tái chế.

 

Với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư, môi trường ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự cải thiện. “Thời gian tới, Phú Yên cần hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục mở rộng hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, đặc biệt là rác thải nhựa. Tập trung mô hình thí điểm phân loại rác và xử lý rác sau phân loại, đồng thời đúc rút ra các bài học kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc bắt buộc phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất đến tháng 12/2024”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Trần Thị Hoa nói.

 

Theo bà Viên Trần, điều phối viên Tổ chức Bảo tồn đại dương, nghiên cứu mới nhất ước tính mỗi năm khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào đại dương và con số này có thể tăng lên gấp 3 lần vào năm 2040 nếu chúng ta không có hành động quyết liệt.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek