Đã từng làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng từ khi chuyển sang mô hình nuôi chim trĩ, ông Nguyễn Ngọc Sanh (thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) mới toàn tâm, toàn ý và xác định đây là mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Dám nghĩ, dám làm
Đến trang trại nuôi chim trĩ của ông Sanh, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hệ thống chuồng trại được xây dựng bài bản, chắc chắn. Các ô chuồng phân chia liền kề nhau, mỗi ô có vài con đến vài chục con chim trĩ được nuôi nhốt, chăm sóc kỹ càng.
Ông Nguyễn Ngọc Sanh cho biết trước đây ông làm phụ hồ. Vì đi làm nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, ông nhận thấy nhiều nông dân từ hai bàn tay trắng, nhờ nuôi chim trĩ mà trở nên khá giả. Âm thầm tham quan, học hỏi, đến năm 2021 có ít vốn, ông mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại và mua 250 cặp chim trĩ cả mái lẫn trống về nuôi thử nghiệm ngay trên mảnh đất vườn ở quê nhà. “Lúc đầu vì ít kinh nghiệm nên không ít lần thất bại, con giống chết gần một nửa. Không nản chí, tôi tiếp tục học hỏi trên mạng và kết nối các hộ nuôi chim trĩ để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó, việc nuôi chim trĩ đi vào ổn định”, ông Sanh chia sẻ.
Hiện khu chuồng trại nuôi chim trĩ của ông Sanh rộng 300m2, xung quanh được rào bằng lưới để bảo vệ, bên trong có những cành cây treo ngang cho chim đậu, phía dưới trải đệm lót sinh học giữ vệ sinh sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế tối đa dịch bệnh. Mỗi chuồng có diện tích 4-16m2, ông Sanh thả nuôi 10-50 con chim trĩ. Tổng cộng có khoảng 200 con, đủ cỡ. Theo ông Sanh, chim non nuôi từ 3-4 tháng có thể xuất bán thịt, khoảng 7 tháng thì bắt đầu sinh sản. Mỗi năm chim trĩ sinh sản 2 đợt, mỗi đợt từ 50-60 trứng. Bình quân chim trĩ 7 tháng tuổi nặng tầm 1,5-1,7kg. “Người nuôi cần phải nắm kỹ thuật ghép đôi để tỉ lệ trứng có trống cao nhất. Vì nuôi nhốt nên chim trĩ không còn tập tính ấp trứng như ở ngoài tự nhiên, do đó trứng phải ấp bằng máy”, ông Sanh cho biết.
Ông Nguyễn Mẹo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Hội cho hay trên địa bàn thôn có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, ông Sanh là người tiên phong.
Nhân rộng mô hình
Nhờ thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường, giá cả phải chăng nên ông Sanh đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài bán tại chỗ, ông Sanh còn đăng bán trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook và được nhiều người đặt hàng , thậm chí có nhiều khách hàng từ các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Trị, Quảng Nam… đến trực tiếp để mua. “Một cặp trĩ giống khoảng 2 triệu đồng; chim trĩ 1 ngày tuổi 35.000 đồng/con, chim trĩ thương phẩm 250.000 đồng/kg. Ngoài nuôi chim trĩ, tôi còn nuôi khoảng 2.000 con chim yến… Hai mô hình này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trên 200 triệu đồng/năm”, ông Sanh nói.
Theo ông Nguyễn Ánh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước, mô hình nuôi chim trĩ của ông Sanh đạt hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường và cũng là một hướng đi mới phù hợp cho những hộ nông dân muốn vươn lên làm kinh tế. Hội Nông dân xã sẽ triển khai đến các chi hội, tổ hội; vận động các gia đình có đủ điều kiện nhân rộng mô hình này, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.
“Điều đáng khen ở ông Sanh là không chỉ năng động, tiên phong nuôi chim trĩ thương phẩm và đã thành công với mô hình này, mà còn ở sự nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người có nhu cầu tìm hiểu về cách nuôi chim trĩ hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Trên địa bàn thôn Phú Hội có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, ông Sanh là người tiên phong.
Ông Nguyễn Mẹo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Hội |
HOÀNG LÊ - KHẮC SĨ